Táo Giao thông Chí Trung: Không sợ nhàm chánPhần “kể công” của Táo Giao thông năm nay gây được sự đồng cảm của khán giả. NSƯT Chí Trung chia sẻ xung quanh vai diễn của mình và những dự định trong năm mới với phóng viên trước chuyến lưu diễn tại nước Nga.

Chào anh, năm nào cũng vào vai Táo Giao thông, anh có sợ gây nhàm chán với khán giả?

Với chúng tôi, mẫu nhân vật không quan trọng bằng nhân vật đó có thể hiện bằng hoặc hay hơn năm ngoái hay không. Tôi thấy các diễn viên vào vai rất đạt và định hình rất tốt, việc gì phải thay đổi.

Năm nay chương trình có hay hơn năm ngoái, theo anh?

Năm nay dù có làm như thế hay làm hơn thế nữa cũng không thể hay bằng năm ngoái. Bởi vì khi người ta đạt được điểm G về sự sung sướng rồi thì khó để cho họ có thể thích hơn được. Ai chẳng muốn hay nhất có thể. Sự thăng hoa không phải chỉ ở diễn viên mà còn ở chính khán giả nữa.

Còn nhân vật của anh thì sao, có gì đặc sắc?

Năm nay vai diễn của tôi vẫn giữ được chất lượng, không phải do tài năng của tôi mà do bản thân câu chuyện của Táo Giao thông lúc nào cũng là câu chuyện dài kỳ và không có điểm kết. Đó là một cuộc đấu tranh không khoan nhượng “mười mất một còn”.

Táo Giao thông năm nay tập trung vào các hãng hàng không chứ không chỉ đường bộ như mọi năm?

Không chỉ hàng không, mà câu chuyện còn đề cập đến những bức xúc chung của toàn xã hội, “gãi đúng chỗ ngứa” khi đề cập đến việc bịt hàng rào ở các ngã tư, đào đường, dựng lô cốt... hay cảnh vất vả mua vé tàu Tết.

Tôi thấy khán giả cười bò khi châm chích hãng Sorry Airline luôn làm sai và phải xin lỗi, hãng Delay Airline hoãn chuyến bay vô tội vạ, hãng hàng không Ngôi sao cô đơn chỉ có một chiếc máy bay và đang bị cấm bay.

Nhưng thực tế đây là vấn đề của nhiều nước, nhất là những nước đang phát triển chứ không chỉ riêng Việt Nam. Năm nay tôi rất thích vai Táo giáo dục của Tự Long, rồi vai của Xuân Bắc, Công Lý và Quốc Khánh cũng vẫn hay. Năm nay chỉ có một điều là ít Táo.

Tôi thấy khi tập luyện, sự tung hứng và sáng tạo của diễn viên hấp dẫn hơn khi ghi hình?

Đó là điều khó tránh khỏi. Để tạo tình huống và câu chuyện hài, phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Không phải muốn là được. Nhất là khi các diễn viên chịu rất nhiều sức ép từ vấn đề thời gian, hay quên thoại, hoặc khán giả bên dưới quá ồn... thậm chí bản thân diễn viên lúc đó không có hứng diễn cho thật hay.

Chuyện này không chỉ xảy ra với hài kịch mà chính kịch cũng thế vì họ còn phải tập luyện nhiều lắm trước khi công diễn.
 
Táo Giao thông Chí Trung: Không sợ nhàm chán_0

Táo Giao Thông "tung hứng" cùng Táo Quy hoạch. (Ảnh: Ngôi sao)

Sáng tạo dựa trên kịch bản chỉ là một cách, tôi thấy cách như Đoàn kịch 2 Nhà hát Tuổi trẻ của anh làm cũng rất hay, đó là để diễn viên tự sáng tạo rồi sau đó giữ lại những tứ hay nhất?

Cũng tùy từng chương trình thôi. Chương trình Táo quân truyền hình khắp cả nước với những thông điệp lớn thì đạo diễn Đỗ Thanh Hải rất khắt khe trong việc thể hiện từng tình huống, phân đoạn.

Điều bạn đang nhắc đến là chương trình Phố cười mà chúng tôi sẽ diễn trong dịp Tết Canh Dần.

 Theo TP.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC