Chương trình "Gặp nhau cuối năm" đêm giao thừa gợi nhắc hai câu chuyện nổi bật của giáo dục trong năm 2023. Đó là vụ 11 học sinh ăn chung hai gói mì tôm trộn cơm ở Lào Cai và vụ ném dép ở Tuyên Quang.

Chương trình "Gặp nhau cuối năm" 2024 có kết cấu kịch bản khác biệt so với các năm trước đây. Trước buổi chầu của các Táo, Ngọc Hoàng (diễn viên Quốc Khánh) và Nam Tào (diễn viên Duy Nam) vi hành nơi hạ giới.

Trong vai hai bố con đi mua bất động sản, Ngọc Hoàng và Nam Tào được dẫn vào một khu chung cư mini. Tại đây, họ gặp hai thanh niên người dân tộc thiểu số. Cả hai ăn chung một gói mì nhưng người nọ nhường người kia từng miếng.

Khi Ngọc Hoàng hỏi thăm rằng ăn như thế sao đủ dinh dưỡng, hai thanh niên trả lời: "Ở vùng cao chúng cháu quen ăn thế từ bé rồi, còn sợ no quá".

Ăn xong, một thanh niên rút trong túi quần hai chiếc lá su su để lau miệng cho bạn và cho mình. Anh gọi đây là "lá đa năng", "không chỉ lau miệng mà còn lau một số thứ khác".

Lát sau, một người đàn ông đi ngang qua, trên người quấn rất nhiều dép. Người đàn ông nhờ Nam Tào lấy giúp chùm chìa khóa cửa và cảm ơn bằng việc tặng cho đôi dép. Ngọc Hoàng hỏi: "Sao anh đeo lắm dép thế?", người đàn ông trả lời: "Cháu là giáo viên âm nhạc. Thi thoảng lên lớp lại được học sinh ném tặng cho vài chiếc dép".

1 Tao Quan 2024 Ngoc Hoang Ngan Ngam Voi Mi Tom Tron Com Tro Nem Dep Thay

Ngọc Hoàng ngán ngẩm với những chuyện tiêu cực khi vi hành hạ giới (Ảnh chụp màn hình).

Hai câu chuyện trong Táo quân 2024 đã khiến nhiều người nghĩ ngay tới những vụ việc tiêu cực xảy ra trong giáo dục vào cuối năm 2023.

Vụ việc 11 học trò ăn 2 gói mì tôm trộn cơm trong bữa ăn bán trú tại Trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Hoàng Thu Phố 1, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai bị phát hiện vào trung tuần tháng 12/2023.

UBND huyện Bắc Hà xác nhận thông tin bữa ăn bán trú của học sinh nhà trường bị cắt xén là có cơ sở. Đồng thời, phụ huynh chưa nhận được tiền ăn thừa và chưa nhận được tiền hỗ trợ học tập của con em theo đúng chính sách của nhà nước.

Ngày 21/12, ông Trần Ngọc Hà, Hiệu trưởng Trường PTDTBT TH Hoàng Thu Phố 1, nộp đơn từ chức đến chính quyền Huyện Bắc Hà, nhận trách nhiệm bản thân trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, dẫn đến dư luận không tốt trong xã hội.

Chính quyền địa phương cho biết, do tính chất phức tạp của vụ việc, nhiều đối tượng liên quan đến nhiều thời điểm nên huyện này sẽ chuyển một số nội dung theo phản ánh của báo chí sang cơ quan công an huyện Bắc Hà điều tra, xác minh.

Trước đó, vào đầu tháng 12, một số đoạn clip lan truyền trên mạng xã hội ghi lại cảnh một nhóm đông học sinh dồn cô giáo vào góc lớp, chốt cửa, ném dép vào người cô cùng lời lẽ thô tục.

Sự việc gây chấn động dư luận này xảy ra tại Trường THCS Văn Phú, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Nữ giáo viên bị học trò ném dép dạy môn âm nhạc tại trường.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn khẩn đề nghị chính quyền và ngành giáo dục địa phương vào cuộc tìm hiểu xác minh vụ việc, bảo vệ cho sự an toàn và danh dự, nhân phẩm của nhà giáo.

Vụ việc mang tính hi hữu, những là một cảnh báo đắt giá cho sự leo thang của bạo lực học đường, khi nạn nhân không chỉ dừng ở học sinh mà còn là giáo viên, không chỉ trò bắt nạt trò mà còn là trò bắt nạt thầy.

Ngày 3/1, UBND huyện Sơn Dương đã ban hành các quyết định kỷ luật cá nhân và tập thể có liên quan trong vụ việc.

Theo đó, nữ giáo viên dạy âm nhạc bị kỷ luật cảnh cáo vì có phát ngôn không chuẩn mực với đồng nghiệp và học sinh, vi phạm quy định về đạo đức nhà giáo, những điều viên chức không được làm, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh nhà giáo, môi trường giáo dục và tình hình an ninh trật tự địa phương.

Hiệu trưởng Trường THCS Văn Phú cũng bị thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo và bị điều chuyển công tác.

Các học sinh liên quan trực tiếp vụ việc bị tạm dừng học ở trường có thời hạn một tuần, đồng thời chịu các biện pháp giáo dục khác theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Mặc dù còn tồn tại một số tiêu cực cũng như có sự gia tăng về số vụ việc bạo lực học đường trên toàn quốc, tổng thể ngành giáo dục trong năm 2023 có rất nhiều điểm sáng.

Nổi bật là các thành tích thi quốc tế, triển khai hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018, chăm lo cho đội ngũ nhà giáo, đổi mới chính sách, bổ sung biên chế, quan tâm tới chất lượng đời sống giáo viên...

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã ban hành phương án thi tốt nghiệp THPT 2025, thể hiện rõ nét những dấu ấn của đổi mới toàn diện giáo dục.

Nguồn: Báo điện tử Dân trí




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC