"Tây Sơn hào kiệt" sẽ… xuất ngoạiSau 3 năm ấp ủ và 3 tháng quay, những thước phim truyện nhựa đầu tiên về người Anh hùng dân tộc áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ đã hoàn tất với tên gọi "Tây Sơn hào kiệt". NSƯT Lý Huỳnh đã tâm sự về bộ phim trước ngày ra rạp 30-4-2010…

- Bỏ 12 tỷ đồng ra để làm một bộ phim lịch sử có vẻ là “cuộc chơi” điện ảnh mạo hiểm của ông cùng Hãng phim gia đình Lý Huỳnh?

- Khi bắt tay vào làm “Tây Sơn hào kiệt”, tôi không nghĩ đó là một cuộc làm ăn hay cuộc chơi mà đúng hơn là một cuộc làm nghề thực sự. Tôi ấp ủ làm bộ phim này đã 3 năm nay nhưng cứ nấn ná chờ cho ý tưởng “chín”, còn kinh phí cũng phải hòm hòm mới làm. Phim này tôi đầu tư gấp 10 lần các phim lịch sử trước kia Hãng từng làm và dành thời gian gấp 3 lần các bộ phim đề tài thông thường khác chỉ với một ao ước là để giới trẻ hiểu hơn về lịch sử nước nhà.

- Vậy ông đã làm thế nào để  phim không bị lỗ?

- Trước giờ hãng phim của tôi làm 4 bộ phim lịch sử rồi, ơn trời chưa bị lỗ phim nào (cười). Có lẽ một phần cũng bởi vốn đầu tư cho các phim vào thời điểm đó chưa lớn lắm nên thu về cũng dễ hơn. Giờ vốn đầu tư cho “Tây Sơn hào kiệt” cao gấp 10 lần nhưng tôi đã nhắm trước đối tượng khán giả rồi, tôi tin khán giả trẻ sẽ “mê” phim này.

Còn nếu sợ lỗ hay không lường trước được phản ứng của khán giả thì đã chẳng làm. Nhưng quả thực, với kinh phí 12 tỷ đồng thì chưa đủ để làm một phim lịch sử, phải gấp đôi mới đủ…

- Thế hãng đã xoay xở ra sao với số kinh phí chỉ đáp ứng một nửa nhu cầu như vậy?

- Cũng chật vật lắm, nhưng bù lại đoàn làm phim lại gặp được rất nhiều duyên may và đi đến đâu cũng có người giúp đỡ. Như trong thời gian quay lấy bối cảnh suốt 2 tuần ở Bình Định, địa phương này không chỉ hỗ trợ đoàn làm phim về nơi ăn chốn ở mà còn lo tìm cho gần 20.000 diễn viên quần chúng cho chúng tôi. Còn khi đến Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Sở VH - TT&DL ở đây lại cho người vào rừng gom hết voi ở bản Đôn ra, chỉ tính riêng quãng đường đi ra đã mất 2 ngày.

Sau lúc đến Bình Dương, một “Mạnh Thường Quân” biết đoàn đang dựng phim về vua Quang Trung còn bỏ vài trăm triệu đồng ra xây tặng  quả đồi có đồn Ngọc Hồi để làm bối cảnh phim, đồng thời tặng thêm 3 căn nhà lá để…đốt phục vụ cảnh quay. Đặc biệt, khi đến Huế thuê thuyền rồng, Ban quản lý quyết định hỗ trợ 4/5 kinh phí so với giá thuê quy định 30 triệu đồng…

- Ông nghĩ sao khi phim dù chưa công chiếu nhưng đã được nhiều người kỳ vọng là “Đại chiến Xích Bích” của điện ảnh Việt Nam?

- Đây là lần đầu tiên trong một bộ phim cổ trang “made in Việt Nam”, khán giả sẽ được chứng kiến những đại cảnh chiến trận hoành tráng với hàng nghìn người, hàng trăm con ngựa và hàng chục con voi. Phim có sử dụng kỹ xảo nhưng những đại cảnh hoành tráng chủ yếu dựa vào người thật việc thật nên tôi tin sẽ tạo hiệu ứng tốt cho người xem.

20100304 02 23 10 0

Vả lại nếu để ý kỹ, bạn sẽ thấy phim này tôi chuẩn bị rất kỹ, chau chuốt và tỉ mỉ đến từng centimet, từ phục trang đến binh khí đều tôn trọng tối đa tính chân thực của lịch sử. Như riêng phục trang của nhân vật Quang Trung hoàng đế đã ngốn tới gần 1 tỷ đồng, trước khi quay tôi cũng đã phải đến Bảo tàng Quang Trung ở Bình Định liên tục 10 ngày, chụp lại cây kiếm của ông đem về nhờ mấy người thợ hàn đúc giống hệt. Binh khí của quân Tây Sơn cũng thế, kiếm phải hơi cong chứ không thẳng tuồn tuột được…

- Những thước phim sẽ khắc họa hình tượng người anh hùng áo vải Quang Trung và lật lại trang vàng lịch sử thời ấy như thế nào?

- Một vị tướng dũng mãnh khi xông pha ngoài trận mạc, một vị vua oai nghiêm khi trị vì thiên hạ và một hiệp khách hào hiệp lãng mạn trong mối tình với công chúa Ngọc Hân. Đó là hình tượng về vị anh hùng áo vải mà khán giả sẽ thấy trong phim và dĩ nhiên để làm nên hình tượng ấy sẽ không thể thiếu những sự kiện lịch sử như:

Nguyễn Huệ - Quang Trung hai lần kéo quân ra Bắc dẹp chúa Trịnh, dẹp Nguyễn Hữu Chỉnh và đánh quân Thanh… Cùng với đó là công chúa Ngọc Hân sắc sảo, kiên cường; là Lê Chiêu Thống bạc nhược, thiếu bản lĩnh… và cả các nhân vật tướng giặc Tôn Sĩ Nghị, Sầm Nghi Đống, Lỗ Xích vừa nham hiểm vừa hống hách hung tàn.

- Nhân vật chính - vua Quang Trung do Lý Hùng con trai ông đảm nhiệm, có người bảo ông ưu ái “đất diễn” cho người nhà?

- Tôi chọn lựa vô tư đấy chứ, đâu có dại gì vì ưu tiên con mình mà làm “hại” đến phim (cười). Có nhiều diễn viên đẹp hơn Lý Hùng mà đóng không đạt. Trong khi sở trường của Lý Hùng là đóng phim lịch sử, đánh quyền rất hay và gương mặt lại thể hiện được cái uy vũ chính nghĩa của một vị anh hùng dân tộc.

Vả lại tuổi của Lý Hùng hiện giờ cũng bằng tuổi của Nguyễn Huệ thời đó nên rất hợp. Còn nhớ khi quay một số cảnh ở Bình Định, nhiều người thấy Lý Hùng vào vai này còn nói vui: “Chào ông Nguyễn Huệ, hai trăm năm rồi bây giờ mới được gặp lại ông”. Bản thân Lý Hùng cũng rất thích thú và say mê vai diễn này.

- Nghe nói ông còn có ý định đưa “Tây Sơn hào kiệt”… “xuất ngoại”?

- NPhim này tôi còn làm cả phụ đề tiếng Anh. Dù đến dịp 30-4 này mới ra mắt khán giả trong nước nhưng hiện đoàn làm phim đã được hai đơn vị sản xuất bên Mỹ mời sang công chiếu và tháng 10-2010 này “Tây Sơn hào kiệt” sẽ có chuyến… “xuất ngoại” đầu tiên.

- Sau “Tây Sơn hào kiệt”, ông sẽ tiếp tục theo đuổi con đường làm phim lịch sử chứ?

- Nếu khán giả ủng hộ thì chắc chắn tôi sẽ tiếp tục làm về đề tài lịch sử nhưng là lịch sử về các danh nhân như: đô đốc Bùi Thị Xuân, Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt... để nhắc cho giới trẻ không quên các vị danh nhân - anh hùng đã làm nên lịch sử vẻ vang của dân tộc.

Theo ANTD.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC