Thái Hòa tìm chất đồng dao trong nhạc TrịnhChàng doanh nhân Việt kiều về nước tổ chức đêm nhạc ra mắt album tưởng niệm 9 năm ngày mất của Trịnh Công Sơn vào tối 29/5 tại vườn Minh Trân (Tân Bình, TP HCM).

Trải lòng cùng Thái Hòa về nỗi nhớ Trịnh còn có các ca sĩ, nghệ sĩ khách mời: Thủy Tiên, Đức Thịnh, Võ Hoàng Yến (DRD), Thiên Nga, Trần Phong Phú, Trịnh Công Long, Quốc Khanh, Huyền Trinh, bé Mộc Khuyên và CLB Doanh Nhân Hát.

CD "Môi hồng đào" khởi đầu bằng sự nối dài của tiếng mõ ru trong Ca dao mẹ (từ CD "Mẹ, Cánh chim cô đơn" năm 2009) đi vào Cũng sẽ chìm trôi và thi thoảng gợi nhớ đến điệu ru buồn da diết của Ru tình, mà ca sĩ và những người thực hiện mong muốn thể hiện như một dạng “đồng dao” trong nhạc Trịnh. Loại đồng dao dành riêng cho người lớn của Trịnh Công Sơn có khi thật lãng đãng, dí dỏm (Ở trọ, Biết đâu nguồn cội, Níu tay nghìn trùng, Nguyệt ca) nhưng cũng có lúc lại buồn đến rã rời, khắc khoải trong từng hơi thở, từng kỷ niệm riêng tư (Có một dòng sông đã qua đời). Để rồi đến cuối cuộc đời, người nghệ sĩ vẫn ám ảnh và trăn trở khôn nguôi trước trò chơi lớn cả đời người (Tiến thoái lưỡng nan)… Đó có lẽ là sự khác biệt lớn nhất về giá trị chân thiện mỹ của những bài đồng dao không còn dành cho con trẻ.

Thái Hòa tìm chất đồng dao trong nhạc Trịnh_0

Thái Hòa ngộ ra được điều này từ sự hướng dẫn chân tình của Giáo sư Trần Văn Khê, từ đó nhớ về Trịnh Công Sơn qua một chiều kích mới. “Đồng dao” như lời giảng giải của Giáo sư Trần Văn Khê, là những bài hát dành cho các trò chơi của trẻ con, truyền tụng trong dân gian mà còn dang dở, vốn chưa thành khúc. “Lời giải thích này đã thật sự làm vỡ òa trong lòng tôi khi 'ngộ' ra thật nhiều điều lạ về giá trị âm nhạc của Trịnh Công Sơn. Không chỉ gói riêng trong nội dung của 10 ca khúc tôi chọn để hát trong album này với những giai điệu đậm chất dân ca và đồng dao, mà còn thôi thúc tôi tiếp tục nghiên cứu, khai thác sự độc đáo rất riêng của nhạc Trịnh. Đó là tính “dở dang” trong những cuộc tình (từ nguồn gốc các ca khúc Trịnh Công Sơn), là sự ngây thơ trong những giai điệu và nét hồn nhiên của những ca từ nghe như đồng dao của trẻ con hát chơi, lại dành riêng cho cõi lòng của những người không còn trẻ” - Thái Hòa tâm sự.

Tính cách độc đáo từ chính người nhạc sĩ và âm nhạc của ông là sự thăng hoa rất ngẫu nhiên, vô tình trong sáng tác, hơn là sự toan tính, sắp xếp cố ý của lý trí. Lời nhạc Trịnh Công Sơn với triết lý bay bổng nhưng lại “thấm vào lòng người như suối tưới” (lời của Nguyễn Xuân Khoát và Văn Cao nói về Trinh Công Sơn) một phần nhờ ở cái hồn nhiên mà sâu sắc đó. Âm nhạc Trịnh Công Sơn thật ra có khi nghe đơn giản như một hòn bi của trẻ con chơi (Như một hòn bi xanh) mà thông điệp lại quá lớn. Vì đó là thông điệp của một triết gia và một thiên tài âm nhạc tổng hợp lại.

Chương trình không bán vé, vào cửa bằng một CD của Thái Hòa.


Theo VNE.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC