Gặp Thanh Bùi giữa Sài Gòn, thấy anh chàng nhạc sỹ đa tài này dễ thương thật thà, nhiều hoài bão và thật lành mạnh. Anh nói về tuổi thơ, những mặc cảm khi sống trên đất khách quê người. Sinh ra ở Úc, nhưng Thanh luôn ý thức về cội nguồn và tự hào khi nói: “ Tôi là người Việt Nam”.
Thanh Bùi, tên đầy đủ là Bùi Vũ Thanh, là một ca sĩ người Úc gốc Việt, thuộc dòng nhạc trẻ, nhạc hải ngoại. Ngoài ra, anh cũng tham gia viết nhạc. Anh nổi lên và được rất nhiều người biết đến khi là người Việt (thuộc cộng đồng thiểu số tại Úc) lọt vào Top 8 Australian Idol 2008. Cha mẹ Thanh là người Việt Nam sang định cư tại Úc vào năm 1982. Thanh Bùi được sinh ra năm 1983, ở Adelaide, miền Nam nước Úc sau đó, gia đình chuyển đến Abbotsford, tiểu bang Victoria. Đến năm anh lên 7 tuổi, gia đình tiếp tục chuyển đến Melbourne cho đến nay. Anh đến với âm nhạc chỉ bằng giấc mơ của ba. Khi sinh anh, ba đã nằm mơ thấy những nốt nhạc trên trời và vì thế, quyết định cho con học thêm nhạc bên cạnh văn hóa.
Năm lên 10, Thanh Bùi đã bắt đầu được đào tạo bài bản về thanh nhạc và đàn pinao. Anh tìm được đam mê của mình sau khi xem buổi trình diễn của huyền thoại âm nhạc Michael Jackson tại giải Grammy Award năm 1990. Thanh quyết tâm theo đuổi âm nhạc. Và để được theo học âm nhạc tại Úc là một sự đầu tư rất lớn, Thanh Bùi nói: “Cha mẹ tôi đã làm việc đến 100 tiếng mỗi tuần chỉ để cho tôi được sống với chính niềm đam mê của mình”.
Thanh học trung học tại Melbourne High School và tốt nhiệp vào năm 2000. Khi chuyển tiếp lên đại học, Thanh Bùi được nhận suất học bổng toàn phần chuyên ngành cử nhân Thương Mại Điện Toán tại Đại học Swinbume, Melbourne. Tốt nghiệp đại học với tấm bằng cử nhân trong tay, Thanh Bùi chính thức bước vào con đường nghệ thuật, bắt đầu bằng việc tham gia vào ban nhạc North gồm 5 thành viên. Trải qua thời niên thiếu ở ban nhạc North, với 2 album thành công nhất định, đã góp phần tạo nên 3 bài hit ở Thái Lan và Indonesia, lọt vào 2 bảng xếp hạng danh giá của Malaysia, Singapore và Phillipines, đã giúp Thanh Bùi có được sự ủng hộ nhiệt tình từ các khán giả trên khắp Châu Á.
Sau khi ban nhạc North tuyên bố tan rã vào năm 2006, Thanh Bùi tiếp tục con đường âm nhạc bằng công việc sáng tác. Anh là tác giả của hơn 600 ca khúc và các sáng tác của anh được đón nhận rộng rãi không chỉ ở Úc mà còn ở các thị trường khác như Đức, Nhật, Hàn Quốc. Năm 2008, anh quyết định trở lại ánh đèn sân khấu và theo đuổi con đường trình diễn solo, Australian Idol là khởi đầu cho một chương mới trong sự nghiệp của anh.
Ngoài niềm đam mê nghệ thuật, Thanh Bùi còn là người sáng lập của trường đào tạo và phát triển tài năng âm nhạc – International Artist Academy – với ước mơ “được truyền lại ngọn lửa đam mê âm nhạc lại cho thế hệ tương lai và để âm nhạc góp phần mang lại những ảnh hưởng tích cực đến cuộc sống của mọi người”.
Năm 2008, Thanh Bùi tham gia cuộc thi Australian Idol và đã trở thành người Úc gốc Châu Á đầu tiên lọt vào Top 10 cuộc thi. Đây là một bước chuyển cực kỳ quan trọng trong sự nghiệp ca hát của anh.
Tháng 4/2009, Thanh Bùi góp mặt trên sân khấu Paris By Night số 96 của Trung tâm Thúy Nga. Tại đây, anh trình bày nhạc phẩm do chính anh sáng tác “Mirror, Mirror” (Gương Thần, Gương Thần) và ca khúc “The Winner Takes It All” (ABBA), ca khúc mà anh đã nhận được sự tán dương nhiệt liệt tại cuộc thi Australian Idol. Lần trình diễn này đã góp phần đưa Thanh Bùi đến gần hơn với khán giả Việt Nam.
Thanh Bùi là tác giả của nhiều ca khúc, anh may mắn có cơ hội làm việc với những chuyên gia tạo nên những bài hit đỉnh trên thế giới như: Charlie Midnight (James Browns, Christina Aguilera, Chaka Khan), Michael Jay (Emniem, Kylie Minogue, Celine Dion). Bên cạnh đó còn có tay guitar của Sartuday Night Live: Jared Scharff, Andre Lindal, Lee Groves (Bertie Blackman), Pete Martin (Sugababes) …
Năm 2010 là một năm đáng nhớ của Thanh Bùi. Anh ra mắt single đầu tay tại Việt Nam mang tên “Lặng thầm một tình yêu” song ca cùng ca sĩ Hồ Ngọc Hà và ca khúc này đã được chọn là ca khúc nhạc nền trong phim “Để mai tính”.
Ngày 24/04/2010, “Thanh Bùi & Villa FB” là show diễn đầu tiên của Thanh Bùi tại Việt Nam với những khách mời đặc biệt như: nhà sản xuất nhạc Dương Khắc Linh, nghệ sĩ pinao Vân Anh Nguyễn, ca sĩ Thảo Trang … Cuối tháng 7/2010, cùng với nghệ sĩ piano Vân Anh Nguyễn, Thanh Bùi đã tổ chức show diễn thứ 2 của anh tại Việt Nam mang tên “Love Heart 2010”. Trong đêm diễn, Thanh Bùi đã đem đấu giá một mặt dây chuyền có đính 16 viên kim cương. Toàn bộ số tiền bán vé và đấu giá đã quyên góp vào quỹ từ thiện xây bệnh xá cho người nghèo tại Bến Tre.
Giấc mơ truyền lửa cho thế hệ âm nhạc mới
Thanh Bùi hiện đang mở trường dạy nhạc cùng với các cộng sự là những nghệ sỹ nổi tiếng và giảng viên của nhạc viện TP.HCM. Bắt đầu cho một thế hệ mới của âm nhạc, Thanh Bùi chia sẻ, trẻ con chơi nhạc bằng cảm xúc, sự hứng thú. Không thể bắt trẻ học từ sáng đến tối nếu nó không thích. Ở Việt Nam, ai cũng học giỏi toán, đọc sách giỏi nhưng ở nước ngoài, 100 trẻ em đi học thì đều biết đến âm nhạc. Người ta chứng minh, học âm nhạc tốt cho sự sáng tạo, bổ sung sự phong phú của đời sống. Thanh Bùi muốn trường của mình là nơi mà trẻ em bước vào nó là bước vào một thế giới âm nhạc, một sân chơi của âm nhạc với cách của người nước ngoài. Thanh muốn tạo cho mình những cơ hội để góp phần tạo ra những thế hệ khác với đam mê khởi nguồn từ âm nhạc.
Người ta nói, việc mở trường dạy học rồi vẫn theo đuổi đam mê không phải là câu chuyện đơn giản, có quá nhiều phức tạp và bận rộn. Nhưng Thanh cho biết, không phải đến bây giờ, anh mới theo công việc này. Việc dạy thanh nhạc đã theo anh chàng này cả chục năm trời. Ở Úc, Thanh có hai trường dạy nhạc, từng đào tạo những ca sĩ khá nổi tiếng bên ấy. Trong đó có cả những ca sĩ thuộc dòng nhạc cổ điển, hát trên sân khấu Broadway.
Thanh khoe, hồi thi Idol, anh lọt Top 8 nhưng học trò thì đậu top 3. Điều ấy khiến cho anh hạnh phúc. Anh không nghĩ việc dạy học là nghề nghiệp, mà chỉ đơn giản, việc truyền lửa đem đến cho mình hạnh phúc. Công việc này, bắt nguồn từ quản lý của Thanh. Người ấy đã phát hiện ra anh chàng có khả năng đặc biệt trong việc dạy học nên đã bảo anh dạy cho 3 người. Thế rồi, học trò của Thanh lại giới thiệu nhiều người khác đến học. Sau 6 tháng, Thanh đã có 40 học trò. Khi đó, Thanh buộc phải mở trường dạy nhạc, mời các giảng viên khác để có thêm thời gian cho đam mê sáng tác, sản xuất và đứng trên sân khấu của mình.
Lần đầu tiên về Việt Nam, tháng 11/2009, anh chàng nhận thấy Việt Nam có rất nhiều người có khả năng nhưng thị trường mới chỉ bắt đầu, không thể so sánh với một số nước khác cùng châu lục. Thanh ngồi nói chuyện với một số nghệ sĩ như Thảo Trang, Phương Vy, Hồ Ngọc Hà … thấy họ hầu như đều tự học. Và anh hâm mộ họ vì để có thành công, họ phải tự cố gắng nhiều. Nhưng, Thanh Bùi thì khác, anh được học, được làm việc chung với rất nhiều người giỏi trong làng nhạc thế giới như thầy của Michael Jackson chẳng hạn. Và anh nghĩ, nếu cứ giữ cho riêng mình những điều ấy thì rất phí, nên anh phải dạy cho người khác như là sự sẻ chia. Những người đến với anh để nhận được kinh nghiệm mà Thanh có.
Thanh Bùi dạy học, soạn giáo trình, dịch và đi tìm sự công bằng âm nhạc Việt Nam và thế giới. Anh muốn cùng những cộng sự của mình đào tạo từng ly, từng tý cho trẻ em. Hồi Thanh mới về nước, sống ở Quận 7, đôi khi, anh nhìn thấy trẻ em Trung Quốc, Hàn Quốc, thấy họ có điều kiện hơn, thường mang bên mình những chiếc violon, anh thấy chạnh lòng khi nghĩ đến trẻ em Việt. Trong nước, trẻ em ai cũng học tiếng Anh vì nó quá quan trọng. Còn âm nhạc, trẻ chỉ được học khi gia đình có tiền. Thanh tin, càng ngày âm nhạc càng có sức ảnh hưởng đối với đời sống. Nói về cách dạy, dẫu là giáo trình nước ngoài nhưng Thanh muốn học trò của mình được tiếp cận âm nhạc theo cách của người Việt, gần gũi với người Việt.
Áp lực đối với Thanh là thời gian. Anh là người rất dễ chán. Nếu chỉ làm công việc viết nhạc, hoặc hòa âm thì đối với anh cuộc sống thật tệ. Vì thế, anh trải mình ra nhiều công việc khác nhau để thấy tất cả những gì cha mẹ cũng như quá trình học hỏi của mình là có ích.
Sống thật thanh sạch và tử tế
Bên cạnh âm nhạc, đem lại cho Thanh sự thích thú, anh còn thích ngồi nghiên cứu triết học, sách vở và nhiều thứ khác. Thế nên, rất ít thời gian anh dành riêng được cho mình, gia đình và công việc. Đó là thiệt thòi mà chàng ca sĩ họ Bùi phải gánh chịu. Thanh bảo, nhìn một đứa trẻ đến học và ra về bằng niềm vui giống như đem lại cho anh một đời sống quá nhiều ý nghĩa, thành công.
Ra bài hit được người ta biết đến, viết nhạc cho những ca sĩ nổi tiếng trong nước và quốc tế, sự nghiệp hát hò cũng có nhưng những niềm vui ấy cũng mau trôi qua. Thanh Bùi thấy ý nghĩa hơn khi nhìn học trò của mình thành công. Những nghệ sĩ do Thanh đào tạo, anh đều mong muốn phát triển theo hướng singer – song writer, vừa viết được nhạc, chơi được nhạc cụ và hát ca khúc của mình.
Công việc bận rộn như vậy nên nhiều lúc, người thân của Thanh cũng thấy thiệt thòi. Đối với bạn bè, mẹ Thanh nói, trong cuộc đời của con, nếu con tìm được 5 người bạn thân thì con đã quá hạnh phúc rồi. Thanh đã có những lúc đi đâu cũng có bạn. Nhưng ngày hôm nay, gần 30 tuổi anh mới nhận ra, bạn tốt, người tốt thật khó tìm. Càng ngày, con người sống càng ích kỷ và vì bản thân, cái tôi nhiều hơn. Thanh bảo, những người bạn thân là những người sẵn sàng chia sẻ với mình nhiều thứ, nghe và cùng nhau vượt qua khó khăn, dù lâu không gặp vẫn nguyên vẹn một tình cảm. Họ sẵn sàng bay đến với Thanh nếu anh cần giúp đỡ mà không tính toán, so đo. May mắn cho Thanh, anh cũng có 5 người bạn như vậy.
Đối với Thanh, thành công hay danh tiếng không phải là thứ có ý nghĩa. Nhưng người khác thì không nghĩ như vậy, họ tìm đến với Thanh vì những mục đích mà nó sai đi với ý nghĩa của hai từ bạn bè. Những người đi cùng Thanh 20 năm qua, chạy tung tăng, cười đùa, không chút nổi tiếng, không chút tên tuổi. Và như vậy là Thanh vui, thấy thoải mái.
Thanh bảo, anh đã từng bị tổn thương trong những mối quan hệ bạn bè. Nhưng đó là điều ai cũng phải trải qua. Thanh không sợ bạn thất vọng về mình vì nó cũng giống như rất nhiều những cảm xúc khác. Thanh không sợ những điều như vậy vì nó giúp anh có thêm những cảm xúc để viết nhạc. Anh hiểu cảm giác bị người khác nói xấu sau lưng chỉ để thỏa mãn sự đố kỵ. Anh hiểu cảm giác trong lòng mình giăng đầy sự đắng cay. Với những người như Dương Khắc Linh, Thảo Trang, Hà Hồ, Thanh Bùi tìm thấy được sự sẻ chia, hiểu công việc của nhau, hiểu thông điệp của nhau. Và vì thế, họ có thể chia sẻ với nhau trong âm nhạc.
Nhìn Thanh, người ta sẽ nghĩ dù sống trong một thế giới showbiz với nhiều cám dỗ, bon chen, nhưng anh lại là kẻ đi bên lề, không bị cuốn đi bởi các thế giới ấy. Thanh cười, anh không quan tâm đến chuyện người khác làm, chỉ quan tâm đến những công việc của mình. Thanh bảo, anh chưa từng nghĩ mình sẽ trở về để làm việc tại Việt Nam, không nghĩ công việc lại phát triển nhanh như vậy, nhận được nhiều sự ủng hộ như vậy. Bởi vì, ở Việt Nam, anh không hề quen biết ai.
Thanh ngẫm lại hoạt động nghệ thuật của mình, mỉm cười vì chưa từng dính scandal. Anh chia sẻ, nhiều người hỏi anh rằng, tại sao anh lại có thể yên lành trong khi ai cũng gặp trục trặc trong cuộc đời mình như vậy? Thanh chỉ mỉm cười, anh sống bằng sự tôn trọng mọi người, sống thật nhất. Anh không sợ trả lời bất kỳ điều gì, một cách thật nhất lòng mình. Tất nhiên, trừ những chuyện tình cảm, đó là thứ anh muốn giữ riêng cho mình. Thanh bảo, tất cả mọi thứ đều phơi ra, chuyện tình cảm cũng vậy thì không hợp lý.
Thanh cho hay, khi phóng viên yêu quý, ngồi xuống trò chuyện và viết bài cho mình thì ít ra, mình cũng nên nói thật những điều mình đang nghĩ, đang trăn trở. Thanh không thích phải dùng chiêu, phải bóng bẩy hay ăn mặc cho nó thật sự là nghệ sỹ. Anh không muốn người khác quan tâm đến mấy chuyện bề ngoài. Nhạc sĩ trẻ muốn được quan tâm đến những cái thuộc về bên trong là âm nhạc, những gì anh làm cho xã hội và thế hệ mới. Với ca khúc “Tình về nơi đâu”, Thanh phải mất 6 tháng, 40 lần ngồi chung với Tata Young để có thể hoàn tất ca khúc, một bài hát chất lượng. Thanh muốn tôn trọng khán giả, chứ không phải có tiếng, có tên tuổi rồi thì làm cho qua. Mỗi sản phẩm sau cần phải tốt hơn, sáng tạo nhiều hơn. Đó chính là cách chàng trai này tôn trọng khán giả và bản thân mình nhiều hơn. Một năm, Thanh chỉ cho ra đời 4, 5 ca khúc có ý nghĩa, chia sẻ được cá tính âm nhạc của Thanh. Anh không muốn tự biến mình thành một nồi lẩu thập cẩm.
Năm tới, Thanh sẽ sang Mỹ để phát triển sự nghiệp ở đó. Nhưng trước đó, anh sẽ làm show cho sinh viên. Thanh cũng nói, anh có nhiều khán giả thuộc đối tượng này, do điều kiện nên không được trực tiếp nghe anh hát, xem anh biểu diễn.
Anh cũng bảo, anh sẽ tìm kiếm những tài năng trên khắp đất nước để đào tạo. Hiện, Thanh Bùi đang giúp đỡ bé Nguyễn Đình Tri Giao (Vietnam’s Got Talent). Anh bảo, em hát tiếng Anh quá chuẩn, hát tiếng Việt cũng tốt. Tri Giao có khả năng và anh tin với sự đào tạo bài bản thì không có lý gì không thành công. Sự đào tạo bao giờ cũng phải từ gốc, từ căn bản. Nếu đào tạo từ ngọn, sẽ giống như mì ăn liền, nhanh chóng thành công và nhanh chóng vụt tắt. Anh muốn học trò của mình sẽ được biết đến sau vài chục năm sau.
Từng trưởng thành từ một chương trình truyền hình thực tế, Thanh bảo, đây là một cơ hội rất tốt. Thanh muốn chia sẻ rằng nếu theo âm nhạc thì phải yêu nó, đam mê nó và phải vì nó.
Trở về Việt Nam cùng giấc mơ của cha mẹ
Nhớ lại lý do trở về Việt Nam, Thanh kể, sau 1 tuần rời Australian Idol, anh được mời sang Paris By Night hát “Mirror, Mirror”, bản thân Thanh không thích nhưng anh lại nhận được rất nhiều phản hồi tốt đẹp từ khán giả. Tuần cuối cùng của tháng 10 năm đó, Đức Trí, Ưng Hoàng Phúc, Huy Tuấn, Dương Khắc Linh … đều gửi email cho Thanh Bùi muốn anh trở về Việt Nam để cùng cộng tác với nhau.
Tính chịu chơi, chấp nhận những điều tệ nhất có thể xảy ra và Thanh quyết định trở về. Hồi nhỏ, Thanh về Việt Nam với cuộc đi chơi, để tìm hiểu nguồn gốc của mình. Và về Việt Nam, đi từ Đà Lạt, Quy Nhơn, Nha Trang, đi rất nhiều, 3 tuần liền Thanh bị ốm. Anh không chịu được mùi xăng xe bốc lên và anh ngán những chuyến đi ở Việt Nam. Nó giống như nỗi ám ảnh. Nhưng lần này về, Thanh thấy có nhiều đổi khác, cuộc sống hiện đại và vội vã hơn. Trong vòng 1 tuần, Thanh gặp gỡ tất cả mọi người đã gửi mail cho anh.
Nhưng cuối cùng, Thanh đã đồng cảm được với Dương Khắc Linh, đều sinh sống ở nước ngoài, gia đình rất Việt Nam, không ủng hộ theo âm nhạc nhưng lại rất đam mê. Hai người có cùng một ước mơ, là đưa âm nhạc sánh ngang một số nước phát triển trong khu vực. Và thế rồi, Thanh Bùi trở về để làm việc chung với Dương Khắc Linh. Tất nhiên, từ tháng 11/2009 đến cách đây 3 tháng, Thanh Bùi đã đi lại Việt Nam và Úc đến 40 lần. Giờ với khí hậu ở Việt Nam, Thanh mạnh hơn, sự đề kháng của cơ thể lớn hơn, thích ứng nhiều hơn.
Sinh ở nước ngoài, Thanh Bùi mang trong mình một nỗi mặc cảm. Bước ra đường phố, ăn đồ của người ta, học văn minh của người ta, nói tiếng nói của người ta. Và tư duy cũng Tây nốt. Khi soi mình trong gương, Thanh mới thấy mình là da vàng. Người da trắng, dù không kỳ thị nhưng luôn không tin tưởng về khả năng của người Việt. Nhiều lần Thanh đặt câu hỏi, không biết mình là người Việt hay là người Úc. Ở nhà, anh vẫn ăn mắm ruốc, sầu riêng, bún mắm. Thế nên, khi ra phố, anh thấy mình lạc lõng. Khi về Việt Nam, thấy mọi thứ gần gũi, Thanh thấy mình mạnh hơn, trái tim mình thuộc về nơi này. Thanh thấy niềm tự hào dân tộc. Khi đi nước ngoài làm việc, Thanh biết không chỉ làm cho mình, cho gia đình mà cả cho niềm tự hào dân tộc.
Ngày hôm nay, ở Việt Nam, Thanh tìm được một cách sống phù hợp với mình, lành mạnh và có ý nghĩa. Thanh biết, sống ở Việt Nam thật sự có một lý do. Anh không muốn khi chết, nằm trên chiếc giường của mình thì không còn những ân hận.
Trở về, phải sống xa gia đình, Thanh bảo, cha mẹ anh rất tin vào số phận. Hai người đi coi bói và biết con trai không thể sống chung. Ba mẹ không cho anh sống ở nhà. Đối với Thanh, ba mẹ có ý nghĩa rất lớn. Họ đã sống, đã hy sinh cho hai anh em Thanh rất nhiều, sự hy sinh khủng khiếp để cho các con có cuộc sống tốt đẹp.
Khi ba mẹ không muốn Thanh theo âm nhạc, trái tim anh rất khó chịu. Một nửa anh muốn chạy theo đam mê, một nửa không muốn cha mẹ thất vọng. Cha mẹ muốn anh theo ngành bác sĩ, khi anh thi Idol được top 8, cha anh bắt tay bảo hãy bay đi, hãy sống cho đam mê của mình. Lúc đó, anh khóc một cách ngon lành, không thể tưởng tượng được có lúc như vậy.
Giờ ba mẹ vẫn sống ở Úc, còn Thanh thì ở Việt Nam nhưng tất cả mọi người đều không nghĩ họ lại sống rất xa nhau. Luôn có sự kết nối mạnh mẽ nào đó ở xung quanh của họ. Thanh bảo, khi em trai có vợ, cha mẹ sẽ trở về Việt Nam sống cùng anh. Hiện, cha mẹ của Thanh đã nghỉ hưu. Công việc may vá suốt 20 năm khiến tay bà bị tê, không còn cảm giác ở tay, giờ cầm chiếc ly một lát là không được. Cha Thanh thì bị độc bụi vải do vắt sổ, nên cũng mắc bệnh khó nghe, xương bị thoái hóa. Ở Úc, trời lạnh, không chịu đốt máy sưởi, họ may vá trong hoàn cảnh đó.
Tuổi thơ, nhìn thấy những khó khăn của cha mẹ, Thanh cũng biết chia sẻ cùng cha mẹ. Sau giờ học tập, anh vẫn giúp cha mẹ may vá và vắt sổ. Thanh được giao nhiệm vụ may những chiếc túi quần. Vẽ một cái túi được nửa xen, may một cái túi, Thanh có 1 xen. Nhưng chưa bao giờ, Thanh thấy mình khổ, mình vất vả. Cha mẹ anh, chỉ dạy anh sống thế nào cho có ý nghĩa. Tiền sẽ đến rồi sẽ đi đâu đó, quan trọng nhất là sống với nhau tình cảm.
Giờ, với Thanh, nếu không thành công gấp cha mẹ 100 lần thì coi như thất bại. Cứ nghĩ đến ba mẹ, cứ thấy những năm tháng tuổi thơ là Thanh lại bồi hồi xúc động. Thanh bảo, cha mẹ anh rất yêu nước, họ bảo chiến tranh là đời sống, là khoảnh khắc của lịch sử. Ở nước ngoài, nhưng họ luôn ý thức mình là người Việt. Họ dạy con cái văn hóa Việt Nam, không cho con nói tiếng Anh khi trở về nhà. Họ tạo ra cho con cái mình suy nghĩ thật đẹp về đất nước.
Trải qua tuổi thơ ở Úc nhưng Thanh sống trong ngập tràn truyện cổ tích của Việt Nam. Hồi nhỏ, cha mẹ vẫn nói, đất nước mình đẹp và có nhiều khó khăn vì chiến tranh, một ngày nào đó, con trở về và sẽ phải đóng góp vào sự lớn mạnh của đất nước. Thanh vui vì sống trong sự giữ gìn văn hóa Việt Nam. Sinh ra ở nước ngoài nhưng Thanh lại hoàn toàn thuần Việt. Càng ngày, Thanh hiểu mình thuộc về đâu, lý do cha mẹ đào tạo mình như thế.
Năm 2000, khi đi học đại học, sau khi ngồi xuống, thuyết phục cha mẹ trong 7 tiếng, họ đi đến một thỏa thuận. Cha mẹ nói, nếu Thanh không học đại học, sẽ không được nhìn nhận nữa. Vì thế, anh tìm một khóa học phù hợp, đó là kinh tế điện toán trong 4 năm, lại còn được học bổng. Thanh xin học rút xuống thành 3 năm, thay vì học 8 môn một năm, anh học lên tới 15 môn, học không nghỉ hè. Sau 3 năm, tặng bằng đại học cho cha mẹ, Thanh bỏ đi tour. Quen với áp lực công việc, trong lúc đi học, Thanh đã làm nhiều việc, trong đó có cả công việc của âm nhạc.
Hiện, Thanh Bùi ý thức con đường âm nhạc mà anh theo đuổi là sự hòa quyện các dòng nhạc Soul, Electronics và Pop.
“Trong ý niệm của tôi, tôi nhận ra rằng không ai có thể thật sự kể lại được câu chuyện của một đứa trẻ nhập cư. Tôi bắt đầu với những năm tháng của sự trớ trêu, cảm nhận sự cô độc, nhìn thấy những nỗi lo trong ánh mắt ba mẹ, và nhìn nhận được những mâu thuẫn của cuộc đời”.
“Sau tất cả những chuyện đã xảy ra, tôi xem đó như là những bài học mà bất kỳ một người trưởng thành nào cũng phải trải qua, không phân biệt tôn giáo nào cả. Trở thành một người Việt Nam trên mảnh đất Australia thật sự mang cho tôi nhiều lợi thế hơn” – Thanh Bùi từng chia sẻ.
Thanh Bùi đã chia sẻ rằng anh muốn trở thành một trong những người Châu Á có được sự thành công nhất định trong làng âm nhạc quốc tế. Hiện, Thanh Bùi đang mơ đến giải thưởng Grammy cho sự nghiệp âm nhạc của mình.
Theo Đang yêu.