Cởi mở suốt cuộc trò chuyện, diễn viên Thanh Thúy không ngại “tố” chồng là một người khá vụng về, đến nỗi nhiều lúc cô không dám nhờ vả vì sợ anh sẽ làm “hư hao” khi đụng đến chuyện không thuộc chuyên môn…
Càng ngày, Thanh Thúy dường như càng trẻ ra dù lúc nào cũng thấy chị tất bật với nhiều vị trí và vai trò: làm vợ, làm mẹ, làm phim và cả làm… học sinh đi học nữa…
Có những điều chỉ con mới làm được
- Cậu bé Cà Phê càng lớn càng dễ thương, chắc hẳn chị cưng chiều con lắm?
- Có một đứa con thật hạnh phúc, bây giờ thì tôi mới thật sự hiểu và thấm thía câu nói “con cái là tài sản vô giá của cha mẹ”. Dẫu có những chuyện không vui trong cuộc sống nhưng về nhà thấy những hành động, lời nói ngô nghê của con trẻ thì những buồn phiền đó nhanh chóng qua đi.
Đó là điều không ai trên đời giúp mình được, kể cả cha mẹ hay chồng mình. Tôi thấy chăm con cực kỳ vất vả và sự vất vả đó ngày càng nhân lên theo số tuổi của con nhưng bù lại, càng lớn, sự đáng yêu của con dường như càng tăng lên làm mình quên đi những nhọc nhằn khi nuôi con.
Tôi cưng con nhưng không chiều, tôi thích dạy con lễ phép và biết tự lập. Trong nhà, tôi có những nguyên tắc mà không bao giờ tôi nương tay với con, ví dụ như giờ giấc đi ngủ hàng ngày chẳng hạn. Bản thân tôi là con một nên mẹ cưng chiều quá và chính sự cưng chiều đó làm tôi ỷ lại. Mẹ quá thương tôi nhưng đôi khi làm tôi cảm thấy không dễ chịu với tình thương đó. Vậy nên tôi sẽ rút kinh nghiệm đối với con mình về chuyện này.
Chồng tôi không thương con bằng lời
- Mẹ thì nghiêm khắc như thế, còn ba Đức Thịnh thì sao nhỉ?
- Anh Thịnh là người ít bày tỏ tình cảm, anh rất thương con nhưng anh chỉ chơi với con được một thời gian ngắn thôi. Anh cũng không thường xuyên đi chơi và tôi luôn luôn để ông xã tự ý thức rằng lâu rồi không đưa con đi chơi, sẽ áy náy và tự… khắc phục. Cũng có khi anh quên thì tôi sẽ nhắc.
- Chị có bao giờ thấy buồn lòng vì điều này?
- Thực sự là không, một phần anh Thịnh cũng là người vụng về trong cuộc sống đời thường. Phần nữa vì là vợ nên tôi đã biết và hiểu tính anh như vậy chứ không phải anh là người không tình cảm, không biết lo cho gia đình. Tính anh thế nhưng khi mình nhắc nhở thì anh sẵn sàng làm ngay.
Mới đây tôi đưa con đi trám răng cùng mình, bữa đó trời mưa đã tạnh nhưng nếu đi ô tô thì ở phòng khám sẽ không có chỗ đậu xe nên tôi chở con đi bằng xe máy. Anh Thịnh thấy vậy liền thắc mắc và mặc dù phải đi diễn nhưng anh vẫn lái xe đưa hai mẹ con tới phòng răng rồi mới đi. Từ lâu tôi đã nghiệm ra rằng anh rất thương hai mẹ con nhưng thường không quen thể hiện sự quan tâm. Do vậy, mình thường phải là người chủ động hướng anh đến sự quan tâm đó.
- Chị có từng cảm thấy mình quá tải hay gặp khó khăn trong việc chăm sóc con cái?
- Ngày xưa Cà Phê chậm nói lắm, hơn 2 tuổi mới bắt đầu bập bẹ tập nói. Bạn bè tôi lúc đó cũng nhiều người có con trạc tuổi con mình, trong khi con họ nói líu lo suốt thì con mình chả nói gì cả, tôi cũng lo sốt vó, cũng tìm hiểu sách vở, đi đâu gặp ai là bác sĩ hay chuyên gia tâm lý cũng hỏi và nhờ tư vấn.
Sau đó có đợt tôi đi quay suốt một tuần ở Đà Lạt và không gặp con. Bình thường thì tôi vẫn nói chuyện qua điện thoại với con nhưng chủ yếu là “độc thoại”, bé chỉ nghe chứ không nói gì cả. Thế mà đến khi tôi từ Đà Lạt về, tự nhên thấy con nói quá trời cho đến giờ. Khi tôi dạy con học Anh văn, tình trạng này cũng lặp lại như chuyện bé tập nói vậy. Tôi cứ dạy hoài, dạy hoài… nhưng chẳng bao giờ bé nói gì. Tôi cũng không biết là mình dạy thế thì có vô đầu con không nhưng cứ tiếp tục. Rồi đến một ngày đẹp trời tự nhiên cu cậu đang chơi thì quay ra nói “mẹ ơi, con voi là elephant, car là xe hơi…” và cứ thế bé nói một tràng làm mình cũng hết hồn. Nghĩa là từ đó đến giờ, cái gì bé cũng để ý, quan sát trong đầu, mình nói gì thì cũng vào đầu con nhưng nó không chịu nói thôi. Giờ thì tôi hiểu rồi, nên cứ dạy con theo cách của mình thôi.
Theo Mẹ và bé.