© Ảnh:Ông J. đang trò chuyện với chị Anh qua điện thoai - Ảnh: Trịnh Thanh
Người Việt quá nhân từTối 13.4, tại nhà trọ mà thầy giáo Tây dạy tiến Anh J.D (58 tuổi, người Anh, người cầm bảng đứng xin tiền "giúp mua thức ăn" ở TP.HCM mà Thanh Niên phản ánh) đang ở, mặc dù trời đã tối nhưng vẫn có nhiều người tìm đến tặng quà và chia sẻ khó khăn với người thầy trong cảnh khốn khó.Vợ chồng anh Nam và chị Anh đang sinh sống và làm việc tại thành phố Melbourne, Úc. Ngay khi đọc được câu chuyện của thầy J. trên Báo Thanh Niên, anh chị đã liên hệ với dì mình là bà Trang nhờ chuyển đến thầy sự giúp đỡ nhỏ.
“Thời gian này ai cũng khó khăn cả. Chúng ta đi cùng nhau, hỗ trợ nhau thì sẽ vượt qua tất cả”, anh Nam chia sẻ qua điện thoại.
Ông John nói với người đến thăm, tặng quà hãy để lại cho người khác - Ảnh: Trịnh Thanh |
Đứng trước nhà thầy giáo Tây rất lâu, bà Vũ Thị An (56 tuổi) đang suy nghĩ cách giúp đỡ thầy như thế nào cho hợp tình, hợp lý. Bà chia sẻ: “Tôi thích giúp đỡ những người khó khăn như vậy. Không phải tôi giàu có gì mà chỉ đơn giản là từ tấm lòng của mình, hỗ trợ thầy qua giai đoạn khó khăn. Người Việt Nam mình rất nhân từ! Biết hoàn cảnh của ai, dân mình xuống tận nơi, phải mắt thấy, tai nghe mà tình nguyện giúp chứ chẳng ai ép buộc”.
Tiền đâu cứu con Tuấn ơi! Không chỉ riêng thầy giáo J.D, mà nhiều hoàn cảnh cũng thực sự khó khăn do dịch Covid-19 gây nên. Tấm lòng san sẻ, giúp nhau của đồng bào là rất đáng quý trong lúc này. Cách đây mấy ngày, báo Thanh Niên có đăng bài Nam thanh niên gặp nạn khi chống dịch Covid-19: 'Mẹ lấy đâu ra tiền cứu con, Tuấn ơi!' cũng gây nhiều xúc động cho bạn đọc khi nhân vật Hoàng Văn Tuấn người con trai trong bài bị tai nạn. "Nhìn đứa con nguy kịch trên giường bệnh mà không đủ tiền cứu chữa, mẹ anh Hoàng Văn Tuấn - người bị tai nạn thương tâm sau đêm trực ở chốt phòng chống dịch Covid-19 ở Hải Dương, thốt lên: “Mẹ lấy đâu ra tiền cứu con, Tuấn ơi!”. Anh Hoàng Văn Tuấn (25 tuổi) là tình nguyện viên ở chốt phòng dịch tại ngã tư phường Hoàng Tiến, thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Trong sáng 4.4, sau ca trực đêm và bàn giao nhiệm vụ trở về nhà thì không may anh bị va chạm với xe tải, ngã gãy xương đùi, gãy tay phải, dập gan, vỡ một bên thận dẫn đến hôn mê sâu. Hiện, anh Tuấn đang phải điều trị tích cực tại Khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) với chi phí điều trị từ 20 - 30 triệu đồng/ngày và phải có tiền ghép gan thì mới có cơ may cứu được mạng sống. Thế nhưng, hiện gia đình anh không đủ tiền chạy chữa. Mọi sự giúp đỡ, xin bạn đọc gửi về Báo Thanh Niên theo thông tin sau: Chủ tài khoản: Báo Thanh Niên. Số tài khoản: 1471000.000.0115 - Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và phát triển Việt Nam - chi nhánh Ba Tháng Hai, TP.HCM. Nội dung ghi: Giúp đỡ anh Hoàng Văn Tuấn (tỉnh Hải Dương); hoặc Báo Thanh Niên sẽ nhận trực tiếp tại tòa soạn, các văn phòng đại diện trong cả nước. Chúng tôi sẽ chuyển đến gia đình anh Tuấn trong thời gian sớm nhất. |
Trước hoàn cảnh của thầy J., anh Nguyễn Hồng Nam (45 tuổi) không khỏi chạnh lòng.
“Bản thân tôi cũng là giáo viên. Thấy thầy cũng là một giáo viên, phải cầm bảng đứng ngoài đường xin tiền như vậy tôi rất buồn. Trong tôi có chút gì đó vừa đồng cảm và vừa xót xa. Hơn nữa, thầy là giáo viên nước ngoài, sống nơi đất khách quê người đâu có nơi nương tựa”, anh Nam chia sẻ.
Trời càng tối thì lượng người đến càng đông - Ảnh: Trịnh Thanh |
Anh nhớ lại thời gian đi dạy thêm ở trung tâm cũng có các giáo viên nước ngoài. Họ rất khó chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống với người Việt mặc dù là đồng nghiệp của nhau. Vì vậy, anh cho rằng hoàn cảnh của thầy giáo Tây thật sư đáng thương và cần nhận được sự giúp đỡ.
‘Tôi ổn rồi, xin nhường cho người khác’
Bà Mỹ Phương (55 tuổi) là hàng xóm với ông J. Bình thường, hai người ít trò chuyện, tiếp xúc nên khi ông đưa tờ giấy mượn tiền khiến bà ngỡ ngàng. “Ông viết trong tờ giấy là cho mượn 100.000 đồng để mua đồ ăn, khi nào đi làm lại tôi trả.
Thấy tờ giấy mà tôi xót xa. Tôi buôn bán những ngày này cũng khó khăn nhưng thấy ông vậy có ít thì cho mượn ít”, bà Phương nói. Trời càng tối, người đến thăm thầy càng đông. Những món quà trao tận tay thầy với tình cảm chân thành và mong muốn sẻ chia.
“Tôi thật sự đã ổn. Cả ngày nay tôi nhận được rất nhiều sự giúp đỡ từ mọi người. Thậm chí bây giờ tôi có quá nhiều công việc mà không thể làm hết. Tôi xin phép từ chối để nhường những điều đó cho người khó khăn khác”, ông J. chia sẻ.
Anh Hồng Nam và vợ đến giúp đỡ ông J. sau khi xem tin tức - Ảnh: Trịnh Thanh |
Những đơn vị, tổ chức và cá nhân muốn giúp đỡ ông có công việc để trang trải cuộc sống đang quá nhiều. Bản thân ông không thể nhận hết. Vì vậy, ông quyết định chia sẻ đầu việc cho những người bạn ngoại quốc đang gặp khó khăn như mình.
“Thật sự, tôi rất cảm ơn tấm lòng của mọi người. Rất nhiều người đề nghị giúp đỡ qua điện thoại và tôi cũng tiếc vì không gặp mặt họ được nhưng có lẽ tôi sẽ tắt điện thoại trong một vài ngày tới để chuẩn bị cho công việc của mình”, ông J. tâm sự.
Bà Lương Ngọc Hà (68 tuổi) biết ông J. một thời gian, nhìn nhận ông là người tự trọng. Những người đến cho, tặng tiền, quà ông đều từ chối. Bản thân ông cũng không mong muốn mọi sự giúp đỡ tập trung vào mình. Cuộc sống là sẻ chia. Ngoài kia, không chỉ người ngoại quốc mà cả người Việt đang chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh.
“Sự giúp đỡ luôn cần thiết trong cuộc sống. Nhưng với tôi hiện tại đã rất ổn. Mọi người đừng lo lắng cho tôi mà hãy giúp đỡ thêm người khác”, thầy giáo Tây bộc bạch. Ý nguyện của thầy J.D là rất đáng cảm kích, cũng rất mong mọi người tôn trọng quyết định này của thầy.
Tấm lòng mà mọi người Việt, những bạn đọc của Thanh Niên dành cho thầy J.D thật đáng quý, hiện thầy đã được nhận hỗ trợ rất nhiều và theo như lời thầy thì thầy sẽ rất ổn trong thời gian tới.
Bên cạnh thầy J.D vẫn còn những hoàn cảnh Việt cũng khốn khó không kém trong dịch Covid-19 lần này, rất nhiều trường hợp vẫn đang rất cần sự chung tay, giúp sức của cộng đồng vào lúc này!
Nguồn: Báo Thanh Niên điện tử