Hoa hậu không nhất thiết phải là người có câu trả lời ứng xử thông minh nhất. Tuy nhiên, câu trả lời ấn tượng, hay đơn giản là sự chân thành nhưng cá tính cũng có thể thuyết phục hội đồng giám khảo.
Trước đây, thí sinh dự thi hoa hậu thường được phát các câu hỏi và câu trả lời có sẵn, sau đó học thuộc lòng và sau đó cầu trời khấn phật cho "trúng tủ". Khi đó, người đẹp nào giữ được bình tĩnh, "diễn" lưu loát thì coi như chắc thắng mười mươi. Tuy nhiên, càng về sau, người ta nhận thấy đây là con dao hai lưỡi bởi với câu trả lời có sẵn này cũng đồng nghĩa với việc làm mất đi sự sáng tạo và quan trọng hơn, sự giản dị, chân thành trong suy nghĩ, trong cách sống của thí sinh không được bộc lộ ở câu trả lời.
Tại cuộc thi Hoa hậu Thế giới người Việt 2010, một số phóng viên theo dõi cuộc thi từ vòng sơ khảo cho đến bán kết đã nhận thấy sự thay đổi vượt trội của các thí sinh qua 2 vòng thi. Đó là phần thi ứng xử chuyên nghiệp hơn, thông minh hơn và đặc biệt là súc tích hơn.
Mang thắc mắc này chất vấn người "cầm cân nảy mực" là đạo diễn Đỗ Thanh Hải, anh khẳng định: "Toàn bộ các câu trả lời của thí sinh, không cần để ý kỹ lắm cũng đều nhận thấy nó hoàn toàn không được "mớm" trước. Bởi các câu trả lời tuy khác biệt hơn, thông minh so với vòng sơ khảo nhưng đều được thể hiện khá tự nhiên, giản dị, đúng với tuổi đời của các em.
BTC và BGK không huấn luyện các em thành những con vẹt với những câu trả lời có sẵn mà chỉ hướng dẫn các em cách thức trả lời làm sao để ghi điểm. Ví dụ, các câu trả lời cần phải ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề, không dài dòng... và quan trọng nhất là phải thể hiện được cái tôi, quan điểm riêng của người nói".
Một điều rất hay được so sánh giữa cuộc thi sắc đẹp trong nước với thế giới rằng, tại sao các người đẹp nước ngoài đều khá tự tin, diễn tả lưu loát các câu hỏi ứng xử, trong khi đó, người đẹp Việt Nam lại khá lúng túng và ít khi giữ được bình tĩnh trước công chúng.
Điều này cũng được đạo diễn Đỗ Thanh Hải lý giải: "Đó là do thói quen ngại xuất hiện trước công chúng của phần lớn thí sinh và đó là nhược điểm chung của người Việt Nam. Những lỗi thường xảy ra trong các phần thi ứng xử phần lớn là do thí sinh khá run khi không quen đứng trên sân khấu lớn chứ không phải vì các em kém thông minh. Chính vì thế, trong những tình huống cụ thể, BGK sẽ không đánh giá mức độ đúng sai của vấn đề, mà quan trọng hơn là quan điểm, là cái riêng của mỗi thí sinh".
Một kinh nghiệm cho thấy tại các cuộc thi sắc đẹp, một câu hỏi không thể thiếu đó là gắn với danh hiệu, đến tiêu chí của cuộc thi. Ví dụ: "Nếu được chọn là hoa hậu của đêm nay, việc đầu tiên em mong muốn được làm nhất là gì?"; Hay: "Em hình dung thế nào về những thay đổi sau khi đăng quang?".
BGK đánh giá cao câu trả lời tự nhiên, chân thành, nhưng không vì thế mà thí sinh sẽ thật thà đến mức... nghĩ sao nói vậy, rằng: Thay đổi đầu tiên đó là sự nổi tiếng, là giá trị giải thưởng (như đã có thí sinh từng trả lời). Câu trả lời thông minh và ghi điểm nhất vẫn là những ước mơ và việc làm có ích cho cộng đồng, song cũng không nên quá cường điệu với những mục đích cao siêu, khiến công chúng nghi ngờ về hiện thực giữa lời nói với việc làm.
Tiêu chí của cuộc thi cũng là điều mà thí sinh cần phải nắm vững. Với cuộc thi Hoa hậu thế giới, thường trung thành với tiêu chí tìm gương mặt có nét đẹp dịu dàng, nữ tính và đặc biệt là vẻ đẹp có hồn, tự nhiên; Không quá chú trọng về chiều cao đạt chuẩn như một siêu mẫu nhưng lại coi trọng học thức, trình độ học vấn cao. Trong khi đó, cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ lại thiên về hình thức nhiều hơn, các chỉ số về hình thể đều phải chuẩn. Chính vì thế, cuộc thi này chấp nhận giải phẫu thẩm mỹ ở dạng "tiểu phẫu".
Tương tự, từ chủ đề của cuộc thi Hoa hậu Thế giới người Việt năm nay là "Trí tuệ-sự đoàn kết-sắc đẹp của phụ nữ Việt Nam trên toàn cầu" cũng đã cho thấy, cuộc thi đề cao sự hiểu biết, thông minh của người phụ nữ, sự hồn hậu thân thiện, sau đó mới là sắc đẹp. Trong khi đó, cuộc thi Hoa hậu Việt Nam lại mang nặng tính chính thống khi gắn với sự kiện trọng đại 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội và Phụ nữ Việt Nam nghìn năm hương sắc. Chính vì thế, thí sinh cần phải có những hiểu biết nhất định về sự kiện lớn này.
Càng ngày các câu hỏi trong phần thi ứng xử sẽ càng tiệm cận với các cuộc thi sắc đẹp trên thế giới, nghĩa là có độ mở rất lớn để thí sinh thoải mái bay bổng và thể hiện. Câu trả lời trên sân khấu rất ngắn nhưng nó là sự đúc kết của tri thức và sự hiểu biết của thí sinh trong suốt một quá trình giáo dục và rèn luyện. Để có những câu trả lời ứng xử thông minh, các người đẹp cần không ngừng trau dồi tri thức. Còn với công chúng, đó là trang bị sự kiên nhẫn và hi vọng.
Theo Gia đình và Xã hội.