Những ngày qua, cộng đồng mạng xôn xao chuyện lợi dụng mạng xã hội để xúc phạm uy tín, nhân phẩm của cá nhân với mức phạt cao nhất được cho có thể lên tới 16 triệu đồng.
Đây liệu có phải con số chính xác? Và thực tiễn áp dụng quy định này vào đời sống diễn ra như thế nào?
14,9 hay 16 triệu?
Theo Điều 592 Bộ luật dân sự (BLDS) 2015, mức phạt tối đa đối với hành vi sử dụng mạng xã hội để xúc phạm uy tín, nhân phẩm của cá nhân không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
Tại khoản 7, điều 3, Nghị quyết 86/2019/QH14 của Quốc hội nêu rõ mức lương cơ sở sẽ được nâng từ 1,49 triệu đồng/ tháng lên 1,6 triệu đồng/ tháng từ ngày 1/7/2020. Như vậy, nếu áp dụng đúng theo Bộ luật dân sự thì người nào xúc phạm uy tín, nhân phẩm của cá nhân sẽ bị phạt 16 triệu đồng từ ngày 1/7/2020.
Tuy nhiên, chủ trương khắc phục tác động của đại dịch Covid-19 để phục hồi và phát triển nền kinh tế đất nước, Quốc hội đồng ý chưa điều chỉnh mức lương cơ sở từ ngày 1/7 năm nay. Do đó, mức lương cơ sở áp dụng ở thời điểm hiện tại vẫn là 1,49 triệu đồng.
Vì vậy, mức phạt tối đa với những người xúc phạm uy tín, nhân phẩm cá nhân trên mạng xã hội là 14,9 triệu đồng chứ không phải con số 16 triệu đồng như một số thông tin trên mạng khi đề cập đến Nghị định 15/2020 của Chính phủ.
Tác động của đại dịch Covid-19 khiến mức lương cơ sở chưa thay đổi và vẫn dừng lại ở mốc 1,49 triệu đồng/ tháng. Ảnh minh họa.
Khó xử phạt?
Hành vi chê người khác béo, lùn, xấu,... trên mạng xã hội có thể được xếp vào nhóm hành vi lợi dụng mạng xã hội để ".... xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân" theo Nghị định của Chính phủ.
Tuy nhiên, để có đủ căn cứ xử phạt người vi phạm, cơ quan có thẩm quyền cần chứng minh lời chê bai đó có mục đích rõ ràng là xúc phạm danh dự, nhân phẩm cá nhân chứ không phải lời trêu đùa, giễu cợt thông thường.
Giải thích thêm về quy định này, luật sư Hoàng Trọng Giáp, Giám đốc Công ty Luật TNHH Hoàng Sa cho biết: "Nhiều khi, những lời chê bai diễn ra giữa một nhóm bạn bè và không nhằm mục đích ác ý nào. Để có thể xử phạt vi phạm, cơ quan có thẩm quyền phải chứng minh mục đích, động cơ của người vi phạm là để xúc phạm, bôi nhọ cá nhân trên mạng xã hội".
"Ví dụ như một cô gái có ngoại hình xấu và bị một kẻ khác cố tình chụp ảnh, đăng tải lên mạng xã hội với mục đích bêu rếu. Nhiều người sau đó hùa theo, bình luận với nội dung chê bai, đả kích ngoại hình và khiến danh dự, nhân phẩm của cô gái bị bôi nhọ. Trong trường hợp này, động cơ thực hiện việc làm là để xúc phạm ngoại hình cô gái nên kẻ đăng ảnh có thể bị xử lý theo quy định pháp luật về tội sử dụng mạng xã hội để xúc phạm danh dự, nhân phẩm cá nhân", luật sư Giáp dẫn chứng.
Ông Giáp nói trên thực tế, những lời chê bai có thể chỉ nhằm mục đích trêu đùa, giễu cợt hoặc cũng có thể để xúc phạm cá nhân. Khi làm việc với cơ quan có thẩm quyền, người chê bai có thể chối tội bằng cách cho rằng mình chỉ trêu đùa người khác. Nếu không có bằng chứng cụ thể để chứng minh mục đích xấu của họ, cơ quan có thẩm quyền khó lòng xử phạt những người có hành vi này.
Theo: ZING.VN