Cựu người mẫu thẳng thắn cho biết: "Vẫn có vô số người mẫu làm nghề đàng hoàng và sống ổn đấy thôi. Thậm chí còn rất dư dả nữa là khác. Những người mẫu lười lao động mà vẫn đòi thu nhập cao thì... vô lý quá".
Lấy cuộc tình “phi công trẻ lái máy bay bà già” đang đình đám gần đây làm lời mở đầu, Thúy Hạnh đã có những chia sẻ về câu chuyện scandal và thu nhập của người mẫu trong showbiz Việt…
- Thời gian gần đây, câu chuyện cặp bồ già của một siêu mẫu nam được công khai. Chị nghĩ sao về điều này?
- Mọi người vẫn thường gọi những hành động đó là tạo scandal để đánh bóng tên tuổi. Nhưng, để những scandal đó "thành công" thì phải có sự tiếp sức của rất nhiều bàn tay. Một sự kiện được tạo ra mà báo chí không hưởng ứng, khán giả không tò mò xem thì liệu có thành scandal? Và quan trọng là sau những ồn ào đó, nếu không có những lời mời liên tục từ các sô diễn thì liệu người ta có dám làm những việc như thế?
Tất cả những điều đó đều có sự cộng hưởng với nhau và tạo nên giá trị của mộtscandal. Thực tế chứng minh là người mẫu có rất nhiều cái "lợi" khi làm những việc đó. Nhưng đó là những cái lợi trước mắt chứ chẳng được lâu dài. Scandal giúpngười mẫu được chú ý nhưng lại không thể giúp họ đứng vững trong nghề.
|
Thúy Hạnh và ông xã Minh Khang trong một sự kiện
|
- Nói đi cũng phải nói lại, phải chăng vì người mẫu ngày càng nhiều mà ngành công nghiệp thời trang Việt Nam vẫn chưa phát triển kịp nên mới ra cơ sự?
- Nếu nói như vậy thì chẳng lẽ cứ là người mẫu thì phải tạo scandal để gây chú ý? Thế hệ người mẫu của chúng tôi có cần phải làm những điều đó đâu mà mọi người vẫn công nhận đấy thôi. Đừng đổ lỗi cho bất cứ điều gì. Tôi nghĩ, không chỉ trong nghề người mẫu mà bất cứ ngành nghề nào cũng vậy, điều mà bạn nói tới luôn luôn tồn tại và diễn ra. Vấn đề là ở bản ngã của mỗi người khi hòa vào dòng chảy đó.
Xã hội bây giờ phát triển nhanh quá nên con người ta rất dễ bị cuốn theo những thứ hào nhoáng bên ngoài. Người mẫu cũng thế, khi người ta không có thời gian dừng lại để ngồi nhìn về tương lai của mình thì rất dễ buông mình theo những ánh hào quang. Để rồi khi trở về thực tại thì mọi thứ đã không còn thay đổi được. Tôi cảm thấy tiếc khi nhiều người mẫu trẻ không nhìn thấy được điều đó để mà kịp dừng lại. À không, đừng làm những điều đó mới đúng. Ai đi lên bằng năng lực thì sẽ đứng vững, còn ai đi lên bằng scandal thì trước sau gì cũng "chết" vì chính những điều do mình tạo ra.
- Nghe có vẻ bi quan quá...
- Đó chỉ là những suy nghĩ của tôi đối với lớp người mẫu trẻ. Thực ra, những người mẫu làm việc sai trái đó không nhiều đâu. Loanh quanh cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Vẫn còn rất nhiều người mẫu chăm chỉ làm việc và cống hiến. Nhưng chẳng bao giờ họ lên báo để tạo ra scandal cả nên bạn cảm thấy ít.
Có một điều mà không chỉ tôi mà bạn bè xung quanh tôi đều ca thán, tôi lấy một câu trên trang cá nhân của anh Tiến Lợi để diễn tả vậy: "Sáng nay mở báo ra, đọc tin của các nghệ sĩ và môi trường nghệ thuật hiện nay mà cứ tưởng đọc tin cá tháng tư."
- Hình như chị đang trách báo chí?
- Nếu trách báo chí một thì phải trách những con người lợi dụng báo chí 10. Tôi không ngờ là bây giờ các nghệ sĩ trẻ lại sống buông thả đến thế. Đủ các thể loại mang danh nghệ sĩ, làm nghệ thuật để lên báo nói năng toàn những chuyện gì đâu không. Báo chí lá cải bây giờ cũng nhiều quá. Mở ra toàn những thông tin câu khách, giật gân. Trong khi những chuyện đàng hoàng tử tế của người làm nghề thì ít khi nào tôi thấy đưa. Tôi nghĩ truyền thông cũng có lỗi một phần trong chuyện tạo ra những scandal ầm ỹ vừa qua.
- Nhưng khán giả phải xem thì báo chí mới đăng chứ?
- Thì chính vì vậy nên mới nói là không chỉ có nghệ sĩ bị ảnh hưởng vì sự phát triển quá nhanh của xã hội mà khán giả cũng thế. Nghệ sĩ sa đà chăm chỉ tạo scandal và khán giả thì chỉ chờ những scandal được ra đời để có cái mà tán hươu tán vượn. Thỉnh thoảng, đi cà phê với bạn bè, tôi vẫn để ý nghe những câu chuyện xung quanh. Toàn là những scandal của showbiz.
- Một số người mẫu sa chân vào con đường sai trái, khi bị phát hiện đều cho rằng vì thu nhập của nghề quá thấp nên họ mới phải làm như thế. Chị thấy điều này đúng chứ?
- Không chính xác. Sao mà thấp được, so với mặt bằng nghề nghiệp chung của xã hội thì thu nhập từ nghề người mẫu vẫn rất cao. Còn nếu so với trong showbiz thì vẫn cao hơn khối nghề. Ví dụ như với nghề diễn viên kịch nói, diễn viên múa chẳng hạn. Người ta thu nhập thấp hơn người mẫu rất nhiều mà có than vãn, có đi làm những chuyện động trời đâu.
Tôi nghĩ cao hay thấp là tùy vào suy nghĩ mỗi người. Ham xe hơi, nhà lầu và những thứ xa xỉ thì tất nhiên sẽ thấp. Còn biết chi tiêu dành dụm và hoạt động nghề chân chính thì tất nhiên là sẽ cao. Vẫn có vô số người mẫu làm nghề đàng hoàng và sống ổn đấy thôi. Thậm chí còn rất dư dả nữa là khác. Những người mẫu lười lao động mà vẫn đòi thu nhập cao thì... vô lý quá.
- Còn với những người mang danh người mẫu để mưu toan cho những việc riêng?
- Tôi cực kỳ ghét. Thật tình là chẳng biết phải làm sao với họ. Nhưng tôi tin "vải thưa không che được mắt thánh". Làm điều xấu thì trước sau gì cũng lòi ra. Hôm nay, mình bán thân xác để có được một hai nghìn đô thì cũng chẳng có giàu lên bao nhiêu. Mà có mất đi nhiêu đó tiền thì cũng sẽ chẳng thể nghèo đi được. Danh dự - một khi đã bán thì sẽ không bao giờ có lại được.
- Sau những ồn ào tiêu cực liên quan đến đạo đức của các người mẫu thì giá trị của nghề trong mắt công chúng đang ngày càng giảm. Chị có cảm thấy như thế?
- Đâu phải bây giờ mà từ trước đến nay nghề người mẫu vẫn bị nhìn với cái nhìn không thiện cảm mà. Đại loại như "chân dài óc ngắn"... Điều đó khiến cho những người làm nghề chân chính như tôi và các bạn đồng nghiệp cùng thời cảm thấy rất chạnh lòng. Mình cố gắng xây dựng hình ảnh người mẫu trong sáng, đẹp đẽ bao nhiêu thì chỉ cần một vài sự cố mà các người mẫu trẻ gây ra như vừa qua là mất sạch.
- Với khả năng của mình, chị sẽ làm gì để thay đổi những quan niệm đó?
- Đến bây giờ, tôi vẫn tự hào là hơn 20 năm qua tôi vẫn sống được với nghề bằng chính sức lao động của mình. Khi dạy cho các người mẫu trẻ, bài học đầu tiên bao giờ tôi cũng nhắc đến đó chính là đạo đức nghề. Nghề nào cũng cần đạo đức nhưng người mẫu lại càng cần hơn gấp bội phần vì môi trường của nghề rất dễ khiến người ta chao đảo.
Tôi luôn dạy các em phải biết đặt vấn đề đạo đức lên hàng đầu khi làm nghề. Phải làm sao để mình có thể ngẩng cao đầu mà bước đi trên sàn catwalk mà không phải e sợ hay nhún nhường bất cứ điều gì. Và cuối cùng, tôi thường dặn các em là đừng bao giờ dùng nghề người mẫu để làm bàn đạp bước chân sang những cái khác không trong sáng. Làm như thế là có tội với những nghề ở lại với nghề lắm.
Theo The Box.