"Tiếng ta còn, nước ta còn"Một người bạn tôi sau chuyến du lịch Đan Mạch mùa hè vừa rồi có nhận xét là người Đan Mạch ít dùng tiếng Anh hơn người Việt. Nhận xét này hoàn toàn chính xác.

Ngay tại thủ đô Copenhagen, hầu hết các bảng, biển hiệu đều được viết bằng tiếng Đan Mạch, chỉ những nơi tập trung nhiều du khách như sân bay, khách sạn, trung tâm phục vụ du lịch... mới có thêm tiếng nước ngoài. Điều này không có nghĩa người dân xứ này kém tiếng Anh mà vì họ chỉ sử dụng tiếng Anh khi thấy cần thiết và đúng chỗ.

Điểm đặc biệt nữa là tuy các trường học tại đây đều dạy môn tiếng Anh từ cấp I hay cấp II (tùy theo trường) nhưng thanh niên Đan Mạch rất hiếm chêm tiếng Anh khi nói chuyện, dù họ vẫn chịu khó xếp hàng đi mua vé xem những buổi biểu diễn của Madonna, Justin Timberlake... Đại diện Đan Mạch khi tham dự cuộc thi hát toàn châu Âu Eurovision vẫn hát bằng tiếng Anh.

Tại các nước Bắc và Tây Âu khác cũng vậy, tiếng bản ngữ luôn chiếm vị trí ưu tiên dù rất nhiều người biết một hay hai ngoại ngữ. Dường như trong tình hình khối EU ngày càng mở rộng, nhiều “màu sắc” hơn thì ý thức giữ gìn bản sắc dân tộc lại càng trở nên quan trọng hơn bao giờ.

Hơn thế nữa, đối với người dân những nước phát triển thì tiếng Anh chỉ là một công cụ hay một phương tiện cần thiết trong làm việc hay giao dịch, chẳng có liên quan gì đến đẳng cấp hay địa vị xã hội của một người. Nhiều người Việt đến Tokyo lần đầu thường ngạc nhiên khi thấy xung quanh toàn là tiếng Nhật, do người Nhật chỉ học tiếng Anh khi công việc của họ đòi hỏi điều đó, còn ngoài ra họ chỉ luyện tiếng Nhật vì đối với họ khả năng sử dụng tốt tiếng mẹ đẻ mới là thước đo trình độ của một người.

Còn nhớ ngày tôi còn nhỏ, Sài Gòn những năm 1960 có nhiều người hay chêm tiếng Pháp khi nói chuyện. Điều đáng nói là không phải ai trong số này cũng giỏi tiếng Pháp, rất đông chỉ cố dùng một vài từ tiếng Pháp để chứng tỏ mình “Tây” hay để lòe người khác. Giờ thì nhiều người Việt lại thích chen tiếng Anh như một cách thể hiện đẳng cấp, hay đơn giản chỉ vì xem đó là “mốt”.

Tiếng Anh xuất hiện mọi lúc mọi nơi, trong những ngữ cảnh mà tiếng Việt hoàn toàn đủ khả năng diễn đạt và không phải lúc nào người sử dụng cũng rành tiếng Anh. Thậm chí có một ca sĩ khá nổi tiếng còn tung ra thị trường trong nước một đĩa hát với phần thuyết minh trên bìa viết bằng tiếng Anh sai be bét cả ngữ pháp lẫn từ ngữ. Những cách chứng tỏ kiểu này ngày càng nhiều cho dù cung cách ấy chẳng thể nào giúp cải thiện chất lượng sản phẩm hay nâng tầm quan trọng của một cá nhân.

Đối với nhiều người Việt ở nước ngoài, chuyện gìn giữ tiếng Việt là cả một nỗ lực lớn lao, có khi của nhiều thế hệ. Nhiều thanh thiếu niên thuộc thế hệ thứ ba không nói sõi tiếng Việt nhưng lại biết hát nhờ karaoke. Nhiều gia đình đã chọn giải pháp hát karaoke để cho con cái luyện tiếng Việt khi không có điều kiện, thời gian để dạy con học hay đưa đến các trường dạy tiếng Việt của cộng đồng.

Những năm gần đây có thêm một giải pháp nữa cho việc học tiếng Việt là xem phim VN qua Internet hay VTV4. Đây cũng là một trong những lý do khiến phim truyền hình trong nước rất phổ biến ở cộng đồng người Việt tại nước ngoài dù họ không thiếu các tiện nghi giải trí và không phải bộ phim nào cũng đáng xem.

Học giả Phạm Quỳnh từng nói: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn”. Trong bối cảnh khi ấy đất nước ta còn bị người Pháp đô hộ, câu nói này cần được hiểu là học giả muốn ám chỉ sự cần thiết của việc giữ gìn những tinh hoa của tiếng Việt trước mối nguy nền văn hóa của ta bị “Tây hóa”. 

Sự lo ngại này tới nay vẫn còn nguyên giá trị, nhất là trong thế giới phẳng hiện nay, việc gìn giữ bản sắc của một dân tộc lại càng có ý nghĩa hơn bao giờ.

Theo Tuổi trẻ.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC