Tiết lộ cát-xê đóng quảng cáo của NSƯT Phạm BằngNSƯT Phạm Bằng cho biết có những hợp đồng quảng cáo giúp mình thu về cả năm, bẩy chục triệu.

 - Cửa hàng bánh trôi tầu nghỉ bán lâu quá rồi nhỉ, ông không sợ khách hàng quên mất thương hiệu "Bánh trôi tầu bác Bằng hói" sao?

Cô quản lý chính của cửa hàng tôi đang trong thời gian ở cữ. Cô ấy nắm tất cả công thức nấu nướng pha chế. Mà cô ấy không làm thì chỉ có tôi mới làm được thôi. Tôi thì bận quá! Thế nên mùa đông năm nay cửa hàng vẫn nghỉ bán.

Đáng lẽ ra khoảng thời gian này đang rộ, đang đông lắm đấy, bắt đầu lạnh mà. Nhưng biết sao được, thôi đành phải để sang năm vậy.

- Nghe nói cái thời bao cấp đói khổ ngày xưa, cửa hàng bánh trôi tầu này đã cứu được ông và gia đình?

Tôi mở hàng bánh trôi tàu này cách đây hơn 30 năm rồi. Thời đó vẫn đang bao cấp, khó khăn vô cùng. Mà nói khó khăn thế chứ thực ra là đói. Gạo chỉ đủ ăn chừng 20 ngày thôi, lương cũng thế, mà tôi còn con cái.

Lúc đó tôi còn làm trong nghề diễn, đời sống cũng như bây giờ, đối với quần chúng có nhỉnh hơn 1 chút vì có phần nhà nước cho. Mở cửa hàng này tôi suýt bị bên Nhà hát đuổi việc vì thời đó vẫn cấm cán bộ nhà nước tiểu thương.

Tôi phải ơn cái cửa hàng này nhiều lắm. Nó đã cứu tôi đúng lúc tôi đói quá! "Dĩ thực vi tiên". Cái đói kinh khủng lắm, nó hành hạ con người ta. Thời đó tôi biết nhiều người vì đói mà phải làm điều này điều khác. Nhưng quan điểm của tôi là đừng vì cái đó mà làm những điều trái với lương tâm hay những điều đồi bại.

Hình ảnh bác Phạm Bằng lúi húi bán bánh trôi tầu đã quen thuộc với rất nhiều thực khách Hà Nội

Hình ảnh Phạm Bằng lúi húi bán bánh trôi tầu đã quen thuộc với rất nhiều thực khách Hà Nội

 

- Mở ra để cứu đói thế mà thương hiệu "Bánh trôi tàu bác Bằng hói" đến nay đã nổi tiếng quá rồi...

Tôi có quan điểm rất rõ ràng là đã làm gì thì phải làm cho tử tế chứ không làm lăng nhăng. Lúc tôi vào đoàn kịch khoảng độ 5 năm, tôi đã hỏi luôn các anh Đình Nghi, Thế Lữ - những người có kinh nghiệm trong nghề xem tôi có thể đọng được không. Nếu không được thì mình cũng nên chuyển nghề sớm chứ không vài năm nữa thì biết làm gì. Thế rồi được các anh ấy động viên là mình sẽ phát triển được nên tôi đã ở lại và cố gắng cho đến tận bây giờ.

Tôi nghĩ làm bất cứ nghề gì, nhất là nghề diễn viên, nếu như anh đuối quá chỉ chạy cờ ba lăng nhăng thì cũng nên nghĩ xem có thể làm gì khác không. Làm thợ mộc, thợ nề thôi nhưng anh giỏi anh vẫn có thể kiếm được chứ tội gì ...

- Ông gắn bó với hài một thời gian lâu như vậy có mục đích gì khác không, vì có vẻ như thu nhập từ hài cũng không nhiều lắm...

Trong cuộc sống có rất nhiều thói hư tật xấu khiến nhiều người không ưa nhưng không phải ai cũng nói ra được. Tôi nghĩ rằng mình là cái anh nghệ sĩ chân chính thì phải khai thác cái đó. Mình phải nói ra được những điều người ta nghĩ, người ta muốn bằng những hình tượng nghệ thuật.

Khi sống bằng những hình tượng, thông qua vai diễn của mình thì có thể truyền đạt được cái chất giáo dục của nghệ thuật, phổ cập ngay vào nhãn quan, suy nghĩ tư duy của người dân. Những anh hài làm cái này nhanh và tốt lắm. Chứ bây giờ đọc cả cuốn tiểu thuyết dăm bẩy trăm trang người ta cũng lười ...

- Nhiều người thích những thứ xem xong cười xong rồi ngẫm, số không nhỏ lại có xu hướng thích xem những thứ mì ăn liền, cười để thỏa mái đầu óc xong rồi thôi ...

Đấy là điều nguy hiểm! Các bạn trẻ bây giờ hiếm có trình độ lắm, học cũng không sâu sắc, bằng giả thi giả đầy. Mà hình như cũng bàng quang với những vấn đề của xã hội. Ngay như một số người trẻ tôi biết cũng thế, chẳng quan tâm điều gì cả cốt là đi làm kiếm vài chục triệu mỗi tháng thôi chứ thời sự đất nước, cuộc sống thế nào cũng chẳng cần biết.

- Được biết ngoài đời NSƯT Phạm Bằng sống vô cùng nghiêm túc, thế thì ông lấy chất liệu hài ở đâu để diễn?

Tôi khác với mọi người. Tôi đóng hài, nhưng tôi không mang cái hài trên sân khấu và màn ảnh vào cuộc sống, gặp người nọ người kia ở chỗ uống rượu uống bia cũng hài. Tôi không làm thế được.

Có một anh nhà văn nói với tôi là nhìn tôi ngoài đời như thế này thì làm sao có thể đóng được tay lý trưởng hài sâu cay đến như thế (vai lý trưởng trong Hồn Trương Ba da hàng thịt - PV). Tại anh ấy thấy ngoài đời tôi quá nghiêm túc, không tin được rằng tôi có thể có những tác phong, lời nói cử chỉ như vậy trên sân khấu. Nhưng đó mới chính là phong cách của tôi.

- Sống nghiêm ngắn nhưng lại đóng được hài có mâu thuẫn không?

Hai cái đó khác nhau chứ! Cuộc sống bình thường của anh là cuộc sống, còn sân khấu là sân khấu. Không phải ở ngoài đời anh cứ hài hước thì lên sân khấu mới hài được. Đối với tôi cái đó là chân lý và đồng thời rất hợp lý.

- Hiện giờ Phạm Bằng đã là một cái tên rất nổi tiếng và "đắt khách" rồi. Vậy thu nhập của từ sự nổi tiếng đó có giúp ông có được một sống cuộc sống đầy đủ, thỏa mái?

Thú thật rằng đối với đại đa số quần chúng lao động hiện nay còn nhiều khó khăn thì cuộc sống của tôi có nhích lên 1 chút. Bây giờ người ta đi làm cả tháng, ngồi 8-9 tiếng/ngày mà chỉ kiếm được đôi ba triệu thôi còn tôi có thể kiếm được vài chục triệu chỉ trong 1 ngày.

Nhưng mà cứ so sánh như thế thì nó vô kể vì tất cả mọi sự so sánh đều khập khiễng. Giờ so sánh tôi với các nghệ sĩ khác thì có khi mình cũng chỉ là cái anh vớ vẩn.

- Có những ngày ông kiếm được vài chục triệu?

Tôi làm quảng cáo có 1 ngày thôi, họ có thể trả tôi 50 triệu. Khi đóng phim cũng thế! Có những bộ phim Tết tôi chỉ làm trong 1 tuần mà cũng có 60 - 70 triệu, thậm chí có những phim trả hàng trăm triệu. Trong miền Nam thì có khi phải hơn trăm triệu, 2 trăm triệu.

Tuy nhiên, đó cũng chỉ là thu nhập của diễn viên hài thôi, vì cái hài hiện nay ở đất nước ta vẫn đang "ăn khách". Chứ sân khấu giờ khủng hoảng lắm. Diễn viên có khả năng vẫn sống được nhưng họ phải làm thêm nhiều việc khác. Nhiều diễn viên tỉnh phải đi bán rau, bán cỏ để mưu sinh ...

Một cảnh <span class=

Một cảnh diễn đóng quảng cáo của NSƯT Phạm Bằng

- Vậy đóng hài ngoài việc mang lại cho ông nguồn thu nhập tốt, còn mang đến cho ông điều gì khác nữa không?

Chẳng phải giầu sang phú quý gì nhưng tôi thấy trong tâm hồn mình được trong sáng, nhẹ nhàng, không có nhiều ưu tư. Cuộc sống người với người sống với nhau chan hòa, tử tế, không thủ đoạn, không mánh lưới này khác.

- Trước ông đã từng chia sẻ rằng bà cụ thân sinh không muốn ông theo nghề này và ước mơ đầu đời của Phạm Bằng cũng là trở thành phi công chứ không phải diễn viên hài. Vậy ở thời điểm hiện tại nếu để chọn lại, ông sẽ chọn nghề gì?

Chắc chắn tôi vẫn sẽ làm nghề này!

Theo Tri thức trẻ..




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC