GS-TSKH Tô Ngọc Thanh hầu như luôn ở trên những "nẻo đường folklore". Có ở nhà ông cũng bộn bề với khách Nam, khách Bắc mà chủ đề bao giờ cũng là câu chuyện mang hơi thở từ sâu thẳm những miền văn nghệ dân gian.
Năm 2010 được coi là dấu mốc của "Tầm nhìn 2010" do Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam (VNDG) đặt ra nhằm "sưu tầm tối đa những gì có thể để lưu giữ vốn văn hóa phi vật thể của dân tộc", cội nguồn của sáng tạo hôm nay và mai sau.
- Thưa GS, Đại hội IV (2000-2005) của Hội VNDG Việt Nam đã vạch kế hoạch cho "Tầm nhìn 2010" và 5 năm sau thì "Tầm nhìn 2010" trở thành tên của Đại hội V. Mục tiêu là "huy động toàn bộ lực lượng hội viên và cộng tác viên nhằm sưu tầm tối đa những gì còn sưu tầm được trong vốn văn hóa VNDG". Thưa GS, sự thôi thúc phải có "Tầm nhìn 2010" có phải xuất phát từ nguy cơ đứt mạch truyền thống văn hóa dân tộc giữa các thế hệ?
- Đó chính là một trong những thách thức mà chúng ta phải đối mặt. Tôi xin nhấn mạnh lại đôi nét về sự cần thiết phải có "Tầm nhìn 2010". Kể từ sau kỳ họp Đại hội đồng UNESCO lần thứ 25 (1989), người ta bắt đầu ghi nhận, tìm hiểu và nhận ra điểm khác biệt của văn hóa phi vật thể chính là ở sự tồn tại của nó trong trí nhớ con người; mang yếu tố thời gian và của diễn trình chứ không phải không gian. Con người là chủ thể toàn diện: sáng tạo, trình diễn, ghi nhớ, truyền đạt lại. Thế nhưng di sản văn hóa phi vật thể của các nước trên thế giới đều dần mất đi sau Đại chiến thế giới lần thứ 2. Khi thế giới bước vào hiện đại hóa, người ta nhầm hiện đại hóa của văn minh và hiện đại của văn hóa. Văn minh có tính chất thay thế. Văn hóa là sự tiếp nối và sáng tạo.
Ở nước ta, vốn VNDG được sáng tạo và lưu truyền chủ yếu từ Cách mạng Tháng Tám trở về trước, khi đó những nghệ nhân có hiểu biết hoặc nắm được vốn đó ít nhất đã 15 tuổi. Đến năm 2000 thì họ đã ở vào độ tuổi "nguy cơ cao" 60-70.
Muốn lưu giữ vốn di sản văn hóa ấy thì không chỉ phải nhờ cậy các nghệ nhân dân gian (NNDG) mà còn phải biết khẩn trương. Chúng tôi đặt ra "Tầm nhìn 2010", mục đích là sưu tầm tối đa những gì còn có thể sưu tầm được để giữ gìn lại cho con cháu.
- Vậy tính đến nay, chúng ta đã kịp làm những gì để gìn giữ vốn di sản ấy, thưa GS?
- "Tầm nhìn 2010" cho kết quả đáng quý. Thứ nhất, là kịp cứu nhiều vốn quý ví như hát dô ở Liệp Tuyết (Quốc Oai, Hà Tây cũ, nay là Hà Nội). Khi chúng tôi đến, ở đó chỉ còn một cụ 94 tuổi, rồi nhờ cụ truyền dạy mà tạo nên một lớp nghệ nhân mới ở độ tuổi 40-50. Đến nay, đã 10 năm rồi, ở đó vẫn duy trì việc truyền dạy, lớp trẻ cứ 15 tuổi là vào lớp ấy, rất chủ động và nền nếp. Với nhiều loại hình khác cũng thế, đó là cách thức hữu hiệu để bảo tồn VNDG. Thứ hai, là tôn vinh, động viên các cụ lưu giữ vốn di sản. Đến nay, chúng tôi đã có 128 nghệ nhân khắp các vùng miền, đại diện cho các lĩnh vực khác nhau. Tới Đại hội lần thứ VI (5-2010) số nghệ nhân được phong tặng có thể lên tới 150 người. Thứ ba, là nâng cao ý thức chăm sóc nghệ nhân, điều này cho kết quả đáng mừng ghê lắm. Biểu hiện rõ nhất là các xã có nghệ nhân quý các cụ lắm, thường xuyên thăm nom, có chế độ vào dịp lễ, tết. Đặc biệt, giữa các địa phương có sự thi đua nhau trong việc chăm sóc nghệ nhân, truyền dạy vốn cổ. Để làm được những việc này, chúng tôi dành một khoản tiền của Hội cùng với nguồn kinh phí của Quỹ Ford - khoảng 5 tỷ đồng cho giai đoạn từ năm 2005 đến nay.
Nhờ "Tầm nhìn 2010" mà chúng tôi đã thực hiện được cuộc tổng kiểm kê, đủ tư liệu để tới Đại hội VNDG VI có thể in một cuốn sách gần 1.000 trang, giúp tra cứu loại hình VNDG nào có ở đâu, hỏi ai để tìm hiểu…
- Thưa GS, ông có thể chia sẻ một kỷ niệm gắn liền với danh hiệu NNDG mà Hội đã kiên trì thực hiện?
- NNDG là những người thầy lớn của chúng tôi. Con người tôi hôm nay chỉ có 1/4 là kiến thức nhà trường, còn 3/4 là do đã được biết bao nghệ nhân dạy. Danh hiệu NNDG được trao cho người giỏi nhất về một ngành nào đó, những người có học trò và sẵn sàng cống hiến hiểu biết của mình cho việc sưu tầm, nghiên cứu. Các nghệ nhân sẽ có một bằng công nhận danh hiệu, một kỷ niệm chương và 600 nghìn đồng theo quy chế khen thưởng.
Tôi nhớ mãi nghệ nhân đầu tiên được phong là nghệ nhân hát chèo tầu ở Đan Phượng (Hà Tây cũ) đã hơn 90 tuổi. Một năm sau khi phong, tôi đến chúc Tết thì cụ bảo: "Chú này, chú nhìn mà xem! Cái phong bì mấy trăm Hội cho tôi, tôi vẫn để dành". "Thế sao bà bác không tiêu đi?" - cụ nói ngay: "Chú này nói dại, đó không phải là tiền mà là vàng bạc đấy. Mà tôi mổ mất 3 con lợn rồi, để đáp lễ bà con tới thăm, chúc mừng!".
Năm sau nữa thì cụ mất. Tình cảm, tấm lòng cụ thực xúc động!
- Xin chia sẻ với những tâm huyết và tình cảm của GS với các NNDG. Thưa ông, năm 2010 đã tới, ông có những dự định gì?
- Tôi năm nay đã 76 tuổi, thời gian còn lại không nhiều mà lòng thì muốn tập trung vào 3 việc lớn đối với cá nhân mình. Đó là tiếp tục tìm kiếm nguồn kinh phí để cho nhân dân kịp khôi phục những giá trị văn hóa có nguy cơ mất đi. Thứ hai, là phải viết thu nhận của tôi về nền âm nhạc dân tộc Việt Nam, vì tôi vốn là nhạc sĩ. Và công việc thứ ba, nếu còn thời gian thì sẽ ghi lại một số sự kiện đáng nhớ trong cuộc đời mình.
- Xin cảm ơn GS và chúc ông khỏe mạnh để thực hiện được những công việc ý nghĩa trên.
Theo HNM.