TP.HCM chốt việc bảo tồn Thương xá Tax vào phút chótNgày 21/10, UBND TPHCM đã họp bàn về đề nghị bảo tồn một số hạng mục của thương xá Tax tọa lạc giữa trung tâm quận 1, TP.HCM.

Trong cuộc họp, ông Hứa Ngọc Thuận - Phó chủ tịch UBND TP.HCM thay mặt lãnh đạo thành phố ghi nhận đề nghị của đại biểu Quốc hội và cử tri thành phố xung quanh đề án xây dựng liên quan đến thương xá Tax.

Để níu giữ một phần linh hồn của thương xá Tax vào phút chót, việc bảo tồn một số hạng mục của thương xá Tax được đặt ra.

Tuy nhiên, cụ thể sẽ bảo tồn được những hạng mục gì, cách thức bảo tồn ra sao, điều chỉnh thiết kế công trình xây mới như thế nào vẫn chưa có quyết định cuối cùng.

Chia sẻ thông tin với Đất Việt, ngày 21/10, KTS Nguyễn Văn Tất cho biết: "Thông tin về việc bảo tồn hiện nay vẫn còn đang rất lờ mờ, chưa có phương án cụ thể, để đưa ra được phương án bảo tồn thì còn phải tổ chức nhiều cuộc họp bàn nữa".

Đồng tình, KTS Trịnh Duy Anh - Giảng viên Trường Đại học kiến trúc TPHCM bày tỏ: "Có lẽ ý kiến từ phía Đại sứ quán Phần Lan có tác dụng nhất định, ý kiến của công luận thời gian qua, nên UBND thành phố cũng có sự lắng nghe, có cuộc họp bàn, nhưng chưa có quyết định cụ thể về phương án bảo tồn".

"Về các hoạt động xây dựng tòa nhà mới cũng không có xúc tiến mới. Tôi nghĩ chắc chắn phải có tác động", ông Anh khẳng định.

TP.HCM chốt việc bảo tồn Thương xá Tax vào phút chót_0

Thương xã tắc đã trở thành hình ảnh quen thuộc gắn liền với Sài Gòn

Trong khi đó, KTS Trần Đình Nam - Giảng viên Trường Đại học Kiến trúc TPHCM cho rằng: "Tôi được biết họ sẽ thay đổi chủ đầu tư của dự án, giao cho chủ đầu tư đưa ra phương án bảo tồn sao cho hợp lý. Chính vì thế, phương án bảo tồn cũng chưa được đưa ra cụ thể".

Theo quy hoạch kiến trúc khu vực trung tâm TP.HCM đã được thông qua, vị trí thương xá Tax được xây mới nhà cao tầng (dự kiến 40 tầng) và một hạng mục của dự án metro Bến Thành - Suối Tiên.

Việc triển khai các dự án đồng nghĩa với việc toàn bộ thương xá Tax sẽ bị phá hủy, không còn hiện hữu trên thực tế. Theo ông Thuận, vấn đề này sẽ còn được tiếp tục báo cáo Thường trực Thành ủy và các cơ quan có liên quan.


Đầu tháng 10, đại diện Tổng lãnh sự quán Phần Lan tại TPHCM vừa gửi một lá thư cho UBND TPHCM và Bộ VHTTDL đề xuất một số giải pháp nhằm giúp bảo tồn một phần Thương xá Tax sắp sửa bị phá dỡ để xây dựng thành một trung tâm thương mại cao 40 tầng.Trước đó, tại cuộc họp vào chiều 16/10 về kinh tế - xã hội TP.HCM trước kỳ họp lần thứ 8 Quốc hội khóa 13, tiến sĩ Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, đề nghị UBND TP.HCM mời các nhà khoa học, giới trí thức góp ý về đề án phá bỏ thương xá Tax. Lý do vì đây là một cảnh quan lịch sử, gắn liền với trụ sở UBND TP.HCM và Nhà hát thành phố.

TP.HCM chốt việc bảo tồn Thương xá Tax vào phút chót_1

Tượng chú gà trống Gaulois ở thương xá Tax

Nội dung lá thư cho thấy giải pháp được đề nghị trước tiên là giữ nguyên trạng “phần sảnh lobby chính, cùng sàn lót gạch mosaic và cầu thang chính của Thương xá Tax” để sau này sẽ được “tích hợp vào phần thiết kế của tòa nhà mới sẽ được xây dựng thay thế”.

Còn nếu giải pháp trên không được thực hiện thì lá thư đề nghị “sẽ có một giải pháp khác để tháo dỡ, di chuyển và giữ lại các phần thiết kế (sàn khảm mosaic, lan can, tay vịn và các đầu cầu thang chạm trổ) của cầu thang và lobby sảnh chính”.

Về phía Bộ VHTT&DL, ngày 8/10, cũng đã gửi công văn đề nghị UBND TP HCM giao cho cơ quan chuyên môn nghiên cứu để có phương án xử lý hiệu quả trong việc bảo tồn giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc của Thương xá Tax và có văn bản gửi Bộ sau khi đã có phương án thống nhất.

Trong khi đó, dự kiến vào cuối năm 2014 địa điểm này sẽ được xây dựng thành trung tâm Thương mại Dịch vụ Văn phòng Khách sạn tại Thương xá Tax. Theo thiết kế, Thương xá Tax sẽ được mở rộng và phát triển thành Tax Plaza, một khu phức hợp 40 tầng gồm có trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê, triển lãm quốc tế, phòng hội nghị, hầm đậu xe.


Theo thiết kế, Thương xá Tax sẽ được mở rộng và phát triển thành Tax Plaza, một khu phức hợp 40 tầng gồm có trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê, triển lãm quốc tế, phòng hội nghị, hầm đậu xe. Còn phương án xây dựng bãi đáp trực thăng trên nóc tòa nhà trước đó đã bỏ.Từ năm 2010, UBND TP HCM đã chấp thuận chủ trương cho Satra làm chủ đầu tư thực hiện dự án xây dựng Trung tâm Thương mại Dịch vụ Văn phòng Khách sạn tại Thương xá Tax.

Thế nhưng, phương án thiết kế này nhận được rất nhiều phản đối từ các KTS. KTS.Chu Bình Đà - Hội KTS TPHCM cho biết: "Thương xá Tax phải thuộc diện bảo tồn nguyên trạng, chính vì vậy, phải làm cho tốt, chứ còn thay đổi theo một cái gì khác cái nguyên trạng thì đã không phải là bảo tồn".

Thương xá Tax dù mới chỉ có hơn 130 năm tuổi nhưng nó gắn liền với thành phố này từ thưở sơ khai. Được xây dựng từ thời Pháp, khi chúng ta chưa có KTS, dù nó mang đậm bản chất Pháp, những vẫn được thiết kế mang tính phương Đông.

Trong khi, KTS Trần Trọng Hanh, nguyên Hiệu trưởng ĐH Kiến trúc Hà Nội cho biết, ý kiến của Đại sứ quán rất nên xem xét, quy chiếu những hệ giá trị đó thì đúng.

Trong xã hội hiện nay, không chỉ có quản lý nhà nước mà quản trị rất coi trọng sự tham gia của cộng đồng dân cư. Để thực hiện quản lý đô thị nên có hội đồng chuyên môn, và có đưa ra trên cơ sở phán xét, lấy những ý kiến của dân, có quyết định chính thức trên cơ sở kiến nghị của Phần Lan. Bởi khi đã nêu ra là họ đã có suy nghĩ, có cân nhắc.

Di sản phải để lại dấu ấn lịch sử, có công trình mấy trăm năm cũng không cần giữ lại vì nó hình thành một cách ngẫu nhiên. Rõ ràng, "cái tuổi" chỉ là một tiêu chí, phải gắn với các tiêu chí sau thì "cái tuổi" mới có giá trị.

Theo ông Hanh, chuyện bảo tồn Thương xá Tax cũng như chuyện bảo tồn cầu Long Biên. Nhiều khi mình có thể xây một cây cầu hiện đại hơn, tốt hơn, nhưng giá trị tinh thần của cầu Long Biên quá lớn. Nó đã đi vào ký ức mỗi người dân, người làm văn thơ, kiến trúc, nhà nghệ sĩ. Thế nên, bảo tồn là bảo tồn phần hồn, còn phần chất lâu ngày cũng suy thoái. Mặc dù, phần chất có thể được cải thiện, có thể phục chế. Thậm chí, có khi mất nhiều tỷ đồng bảo tồn một công trình nhưng không đem lại ý nghĩa gì.

"Vậy nên, khi bảo tồn di sản nào đó nên xem xét một cách thận trọng theo đúng hệ tiêu dùng, hệ giá trị có sự nhận định đúng đắn của nhiều đối tượng trong và ngoài nước, đặc biệt sự tham gia của dân cư cộng đồng, từ đó mới rút ra được kết luận" - ông Hanh đề xuất.

Thanh Huyền - baodatviet.vn




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC