Trong khuông khổ các lễ hội quan trọng của Festival Huế 2010, tối ngày 09/6/2010, tại di tích lịch sử Đàn Nam Giao, lễ tế Đàn Nam Giao (lễ Tế Giao) đã diễn ra trong không khí hết sức hoành tráng, trang nghiêm và thành kính.
Điểm đặc biệt năm nay lễ tế Giao có 1000 người tham gia (160 bô lão đến từ 8 làng xã có truyền thống văn hóa tiêu biểu tại Thừa Thiên Huế) với đầy đủ đạo cụ, phục trang, nghi trượng, cờ phướn cùng 1.000 chiếc đèn lồng thắp sáng quanh đàn tế... Đây là những con số đặc biệt nhằm hướng tới Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Nghi lễ tế Giao được tổ chức trang nghiêm, hoành tráng và chân xác hơn so với các kỳ Festival trước góp phần tạo nên lễ hội hoành tráng, hấp dẫn và mang đậm nét nhân văn độc đáo của vùng đất cố đô.
Ở phần lễ tế tại giao đàn, các nghi thức diễn trình được tổ chức một cách trang trọng. Phần nghi lễ ở đàn Nam Giao được xem là phức tạp nhất. Với nhiều trình thức như lễ Nghinh thần, lễ điện ngọc bạch, lễ hiến tửu, lễ Á hiến tửu, lễ triệt hạ, tống thần, đọc chúc văn với hàng trăm nghi tiết đã được nghiên cứu và dàn dựng khá công phu. Nhiều chi tiết tái hiện lịch sử được nghiên cứu khá kỹ lưỡng, đặc biệt là phần thài, là những ca từ trong hệ thống với nhạc lễ cung đình Huế, gắn liền các trình thức của nghi tiết ở lễ tế Nam Giao.
Có thể nói đây là lễ hội cung đình có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, với ước nguyện mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, thiên hạ thái bình, Lễ hội được phục dựng nhằm tôn vinh vẻ đẹp truyền thống trên cơ sở kế thừa, giàu tính nhân văn. Đó cũng là nét đặc trưng tiêu biểu cho một vùng đất có nhiều truyền thống văn hóa tốt đẹp được hun đúc và tiếp diễn theo tiến trình lịch sử.
Theo TTDL.