Trong cuốn sách "Tật xấu người Việt", nhà văn Di Li cho rằng "Người Việt vốn hay sĩ diện, sĩ diện cả về những điều mà ai cũng biết tỏng đi rồi".

Đầu tháng 12, Nhã Nam ra mắt cuốn sách Tật xấu người Việt của nhà văn Di Li. Tác phẩm nằm trong bộ đôi sách khảo cứu về tính cách người Việt hiện đại: Tật xấu người Việt và Tính tốt người Việt (chưa phát hành).

Cuốn sách gồm 48 câu chuyện về những thói, tật xấu của người Việt, như: tính tự ái, trọng tình hơn lý, thích đổ lỗi, lười cảm ơn, lười đọc sách, vô duyên, trọng nam khinh nữ...

Nhà văn Di Li mất 15 năm để hoàn thành tác phẩm, biết rằng "sẽ gây nhiều tranh cãi, bởi quan điểm là thứ không thể "định lượng", nên sẽ không bao giờ có đáp số chung nhất".

Báo Dân trí trích đăng 4 phần nội dung trong cuốn sách, gồm: Bệnh sĩ, Bệnh đố kỵ, Xin đừng vô duyên và Mong một lời xin lỗi.

Bệnh sĩ

Ngày Quốc tế Lao động 1/5, mẹ con tôi ra tiệm gội đầu gần nhà để sửa sang tí chút dung mạo. Thấy cô chủ tiệm, chồng cô ấy và hai thằng nhóc đang om sòm về việc thằng út nhèo nhẹo đòi đi chơi, tôi nghe một lúc sốt ruột quá bảo thôi cho nó đi, ngày lễ bắt trẻ con ngồi cửa hàng sao nó chịu được.

Cô chủ nghe thấy phải nên sau đó quyết định để ba bố con đi chơi công viên. Ba bố con xúng xính đi lấy xe máy, nhưng vừa ra đến cửa thằng lớn lại quay vào, "Nhưng mà chưa có tiền mẹ ạ".

Mẹ quát: - Ra công viên cái gì cũng miễn phí sao phải tiền.

- Vâng, nhưng còn tiền gửi xe.

- Ừ thì tiền gửi xe thôi.

- Thế cho 10 nghìn.

Cô chủ im lặng chải đầu cho khách. Con trai lớn kiên nhẫn đứng đợi. Con trai nhỏ ngồi sẵn yên xe. Bố thì lấp ló bên ngoài ngó vào xem binh tình sẽ được ký duyệt bao tiền. Tôi kinh ngạc ngó ra. Anh trai trẻ 8X cao to đầu húi cua thấy khách nữ nhìn thì ngượng quá lủi ra ngoài mất.

Về đến nhà tôi ngậm ngùi bảo con gái cũng chứng kiến việc ấy: Con thấy chưa. Ngày lễ Tết mà cả ba bố con chỉ được đi chơi công viên gần nhà với 10 nghìn đồng. Lại còn phải hồi hộp chờ xem có được duyệt chi 10 nghìn không.

Đất nước chúng ta còn nghèo. Nhân dân ta còn nhiều người khổ trong khi con tiêu tiền vô tội vạ. Một bộ tóc giả và lens mắt của con đủ cho một gia đình như thế đi chơi suốt ngày nghỉ lễ. Con đừng tưởng không tiêu tiền tham nhũng, trộm cướp, lừa đảo, chỉ tiêu tiền mừng tuổi của mình thì không có tội.

Lãng phí là một trong bảy tội của Kinh thánh. Lãng phí tiền mừng tuổi trong khi còn nhiều người khổ cũng là có tội.

Cô nàng bé nhỏ nghe chừng thấy bùi ngùi, im lặng không cãi câu nào vì bản thân cũng chứng kiến trọn vẹn cảnh ấy. Cô cháu gái tôi đứng đó nghe ké cũng lặng lẽ lấy sách vở ra học, lòng hối hận vì thấy tiêu 10 nghìn cho một gói xôi sáng vẫn còn lãng phí quá.

Nhưng thế nào mà bỗng dưng lúc ấy có một ánh vàng xoẹt qua vỏ não khiến tôi buột miệng kêu lên:

- Ấy, nhưng sao cả hai vợ chồng nhà đó đều dùng iPhone 14 nhỉ.

Hai đứa kia cười như nắc nẻ. Thế là đi tong một bài học tiết kiệm. Chả nhẽ lại đính chính: Đất nước ta còn nghèo, nhân dân ta còn nhiều người sĩ diện.

Có hẳn một vở kịch mang tên Bệnh sĩ của cố tác giả Lưu Quang Vũ, viết từ thập niên 80 mà đến giờ vẫn còn được công diễn vì chủ đề ấy chưa khi nào thôi nóng hổi.

1 Trich Sach Tat Xau Nguoi Viet Phan 1 Benh Si

Bìa sách "Tật xấu người Việt" (Ảnh: Nhã Nam).

Hồi năm 2016, tôi sang Heerlen, Hà Lan trợ giảng ở một trường đại học. Sinh viên được giao làm một bài tập nhóm. Hôm ấy các trò lên trả bài với đề tài được giao từ tuần trước là tìm hiểu tất cả thông tin về cộng đồng người Việt ở Hà Lan.

Đại diện từng nhóm lên thuyết trình qua các slide trình chiếu với thông tin khá đầy đủ về quá trình hình thành cộng đồng định cư Việt Nam ở những vùng miền Hà Lan qua nhiều thời kỳ di dân, nhưng tôi nhớ mãi lời bình luận của một học trò tóc hồng:

"Rất khó xác định được tình trạng sống của các Việt kiều vì với đặc thù văn hóa là luôn sĩ diện và ngại mất mặt trước người khác nên họ không bao giờ chia sẻ những khó khăn của mình để người khác biết mà còn giúp đỡ. Nếu có ai hỏi thì họ luôn trả lời là họ ổn".

Khái quát này có lẽ các trò tìm được từ những nguồn có sẵn trên mạng như một định nghĩa về người Việt do các nhà xã hội học đúc kết chứ cũng không tự nghĩ ra được. Ừ thì thôi cái gì đúng mình nhận. Người Việt vốn hay sĩ diện, sĩ diện cả về những điều mà ai cũng biết tỏng đi rồi. Tôi cũng… sĩ diện, nên nghe trò ngoại quốc thuyết trình về dân tộc mình thế đâm hơi ngượng.

Mới đây tôi đọc cuốn tiểu thuyết Vùng cách ly của nhà văn Lorenzo Angeloni, cũng lại thêm một lần ngượng nữa.

Lorenzo Angeloni là cựu đại sứ Ý tại Việt Nam, đã kết thúc nhiệm kỳ từ đầu năm 2016 nhưng trải qua nhiều năm sống ở Hà Nội, ông trở nên am hiểu tính cách Việt đến nỗi cuốn tiểu thuyết được lấy bối cảnh phần lớn ở Việt Nam mà trong đó, nhân vật Lượng, một người Hà Nội đã hùng hồn tuyên bố "Vẫn còn nhiều người không chịu thừa nhận thất bại của chính bản thân mình. Giữ sĩ diện bên ngoài là văn hóa của chúng tôi rồi".

Trong một lần trò chuyện, tác giả cũng công nhận rằng người Việt ưa chuộng sự xa xỉ bề ngoài và tôn sùng hàng hiệu nhất thế giới: "Người Ý chúng tôi mặc một trang phục vì nó đẹp và phù hợp với mình, dù có thể giá tiền của nó ở mức trung bình, vừa phải. Nhưng người Việt luôn thích những bộ cánh đắt tiền và chỉ vì đắt tiền mà họ nghĩ rằng chúng đẹp".

Nhà giáo dục Nguyễn Văn Huyên nhìn thấy căn tính này ở cả những nhà nông nghèo khó, có nhẽ là dù giàu hay nghèo người ta đều sĩ như nhau, chỉ có "cách sĩ" là khác nhau mà thôi.

"Ở nông thôn, vấn đề thể diện có một tầm quan trọng xã hội hàng đầu. Người nông dân rất thích nổi bật trước mắt kẻ khác và thích nên danh nên giá. Họ sẵn sàng nhịn hẳn thịt cá và các món ăn ngon lành trong cả năm, hay mặc những bộ quần áo vá chằng vá đụp, chỉ cốt để có tiền tổ chức những bữa khao vọng linh đình nhân được thụ phong một loại bằng sắc nào đó", ông viết.

Cũng trong những năm tháng kề cận 1945 ấy, nhà nghiên cứu Hoa Bằng đã bày tỏ thái độ dị ứng với căn bệnh có tính "di truyền" này: "Người ta chơi câu đối? Phần đông không phải vì thích chữ tốt yêu văn hay, nhưng vì muốn sĩ diện ở mấy cái lạc khoản có chức tước. Người ta in danh thiếp? Không phải vì cốt thông tính danh, tỏ địa chỉ, mà hình như chỉ cốt trưng những chức sắc, tước trật, phẩm hàm".

Như thể bệnh căng thẳng tất sẽ dẫn đến bệnh đau dạ dày, bệnh sĩ cũng liên quan mật thiết đến bệnh hiếu danh, bệnh chuộng hư danh là vậy.

(Còn tiếp)

Nguồn: Báo điện tử Dân trí




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC