Trung Quốc ban hành loạt quy định với giới nghệ sĩ, trong đó có cấm sao nam ẻo lả, nữ tính hóa.  

Ngày 2/9, Tổng cục Phát thanh, Truyền hình ra các quy định nhằm tăng cường quản lý nghệ sĩ, chương trình truyền hình. Hiện tượng "nương pháo" - chỉ nam giới điệu đà, nữ tính hóa - bị cho là "mốt thẩm mỹ lệch lạc", không được phép xuất hiện ở các chương trình.

Cơ quan quản lý yêu cầu nghệ sĩ và chương trình giải trí cần truyền thông điệp "thẩm mỹ đúng đắn". Đơn vị sản xuất show phải kiểm tra chặt chẽ phong cách biểu diễn, trang phục, lối trang điểm của người tham gia.

1 Trung Quoc Cam Sao Nam Eo La

Tờ Guangming Daily từng dùng ảnh ca sĩ Thái Từ Khôn để minh họa cho bài viết phê phán nghệ sĩ nam "nương pháo". Ảnh: Cai Xukun Studio

Trên Weibo, quy định này dấy nhiều tranh cãi. Tài khoản Zhang Xiaoyang ủng hộ vì cho rằng trên phim, ngày càng khó phân biệt nhân vật nam - nữ, bởi ai cũng mặt hoa da phấn, đeo hoa tai, phong cách mặc giống nhau. Tuy nhiên, nhiều người phản đối quy định, cho rằng quá áp đặt. Tài khoản Qingluo nhận 16.000 like với bình luận: "Đây là kỳ thị giới tính". Những khán giả khác viết: "Thẩm mỹ nên đa dạng hóa", "Vì sao thẩm mỹ của cá nhân cũng bị quản lý?"...

Ngoài quy định trên, Tổng cục yêu cầu nghệ sĩ, chương trình giải trí nước này không gây chú ý bằng việc khoe giàu có, tin đồn tình ái. Đài truyền hình, nền tảng video không được phép phát chương trình về con cái của sao. Nghệ sĩ cũng như các chương trình cần tự tin văn hóa, tăng cường quảng bá văn hóa truyền thống của nước này.

Tổng cục yêu cầu không phát bất kỳ show đào tạo thần tượng nào. Các chương trình tìm kiếm tài năng phải đảm bảo công bằng trong bỏ phiếu, bằng cách chỉ bỏ phiếu ở hiện trường buổi ghi hình. Giới chức cấm các hình thức khán giả chi tiền để bỏ phiếu cho thí sinh. Theo National Business Daily, quy mô thị trường kinh doanh liên quan thần tượng ở Trung Quốc đạt 100 tỷ nhân dân tệ (15,4 tỷ USD) năm 2020. Nhìn thấy tiềm năng đó, những năm qua các công ty quản lý, nhà đài, nền tảng video đổ xô tổ chức chương trình đào tạo thần tượng. Nhiều nền tảng video yêu cầu fan ủng hộ thí sinh bằng cách mua tài khoản hội viên. Từng có khán giả đóng tiền hội viên trên nền tảng Youku trong 409 năm để tăng điểm cho thần tượng.

Các nghệ sĩ, công ty sản xuất chương trình, phim ảnh còn phải tuân thủ quy định cátxê, tránh hiện tượng sao nhận thù lao quá cao, làm hợp đồng giả để trốn thuế. Những sao vi phạm đạo đức, pháp luật, phát ngôn thất đức, không có lập trường chính trị đúng đắn đều không được phép hoạt động giải trí.

Nghinh Xuân (Theo National Business Daily)

Nguồn: vnexpress.vn




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC