Thích đơn độc một mình, tin vào số phận đến mức cho rằng không có sự tồn tại nào trên đời bất hợp lý, trưởng thôn Văn Hiệp có vẻ "AQ" để sống vui dù đời ông cũng không ít nỗi buồn.
Ngày lạnh. Tôi gọi cho nghệ sỹ Văn Hiệp hẹn gặp ông buổi sáng. Ông nói, còn đang bận ghi hình, có thể mai mới gặp được. Thế nhưng, đầu giờ chiều ông gọi lại, “cháu rảnh không, chiều nay gặp luôn cũng được. Bác rảnh rồi!”. Vậy là gặp, nơi ông hẹn hò là quán nước chè của bà lão già ở phía sau Nhà hát Lớn Hà Nội.
Ông hẹn ở đó, có lẽ với nghệ sỹ già này thì quán nước đã trở nên quá đỗi thân thuộc. Chọn một góc sâu trong cùng của quán nước, chúng tôi bắt đầu câu chuyện bên cạnh tiếng ồn ã của đám thanh niên chơi pi- a. Tiếng rít thuốc lào của ông lão Văn Hiệp dăm ba phút lại rít lên từng hồi. Ông nói, đã từng quyết tâm bỏ thuốc lào, từng lên cả ti vi để nói về điều này nhưng không bỏ được dù biết có thể ảnh hưởng đến sức khỏe.
Nhưng người ta mê ông, mê những vai diễn của ông và đôi khi, công chúng gặp Văn Hiệp chỉ muốn ông… rít thuốc lào cho xem có giống trong phim không. Văn Hiệp không từ chối, bởi điều ông thích nhất là được ngồi cùng với những người dân bình thường, trò chuyện với họ ở quán nước đầu làng. Ở đó, trưởng thôn thấy mình như được sống bình dị nhất và thật thà với lòng mình nhất. Dù nghệ sỹ như ông gặp đủ loại thành phần xã hội, cả đại gia, người thành phố, cả các tổ chức xã hội và nhiều nhiều nữa.
Thứ nữa là nước trà, ông thích ngồi uống trà đá, nhưng không phải là tụ tập nhiều người. Ngồi một mình, đi một mình và uống một mình, nhìn và nghe những gì xảy ra xung quanh, chỉ nghe và nhìn thôi, không bình luận.
Hỏi ông là vì sao lại cứ thích một mình như vậy thì ông nói, cũng chẳng có lý do gì đặc biệt. Ông chỉ muốn vậy thôi. Có lẽ mọi sự va chạm đều không khiến ông vui vẻ gì. Thỉnh thoảng ông cũng gặp mấy người bạn già, nhưng rất hãn hữu. Thỉnh thoảng cũng chia sẻ chuyện già, chuyện gia đình, vợ con và văn hóa văn nghệ.
Người vợ xa quê của ông nhất định không chịu trở về khi chưa nhận được chút lương hưu nơi xứ người. Đất không chịu trời thì trời chịu đất, ông Văn Hiệp chờ đợi 20 năm, đứng mũi chịu sào, gánh vác mọi chuyện gia đình và vẫn chờ đợi người đàn bà của đời mình quay về.
Ông bảo mỗi người có một số phận nên chuyện ấy cũng bình thường. Nếu vợ đi xa mà thay đổi thì là điều không hay. Quan trọng vợ mình là người tốt, vì hoàn cảnh gia đình nên phải đi nên ông sẽ chờ, dù có lúc phải cung cấp thêm cả tiền ra nước ngoài cho vợ.
Thế là lại tám về chuyện nghề. Hồi trẻ, ông trưởng thôn còn tự ti về vóc dáng của mình, thiếu chiều cao, mặt không đẹp, mắt lại nhỏ nên có lúc cũng muốn mổ mắt cho to ra. Bởi so về sắc thì ông có lẽ thua nhiều người trong giới nghệ sỹ vốn trọng thanh sắc bên cạnh tài năng.
Nhưng khi vượt qua những hạn chế về mặt hình ảnh, ông xây dựng được cho mình một cá tính nghệ thuật với chất giọng sang sảng, đài từ tốt. Ngoài chuyện ấy thì cũng chẳng có gì đáng gọi là cay đắng trong đời nghệ thuật. Và ông lại nhắc về số phận. Tôi phản biện có nhiều người muốn thay đổi số phận của mình. Ông nói, làm quái có cái gì trái quy luật. Cái gì hợp lý thì nó tồn tại. Và cái gì tồn tại thì tức là nó hợp lý. Không thể ra nước ngoài kéo chân để người ta cao hơn. Mọi biến chuyển trong đời sống xuất phát từ cái đầu của con người.
Ra tết, ông vào Nam quay một phim 30 tập. Người ta mời ông rồi và ông cũng nhận lời rồi. Ra tết là rong ruổi trên phim trường với một vai diễn mới nhưng không phải trong bóng dáng một trưởng thôn mà là một hình ảnh khác.
Hỏi ông có hài lòng với những gì mình đạt được trong cuộc đời nghệ sỹ hơn 40 năm của mình thì Văn Hiệp bảo: Bình thường thôi. Có nhiều vai diễn được nhắc đến nhiều, được yêu mến đến mức đặt cả biệt danh theo vai diễn nhưng đó là công việc, là đam mê nên không có gì để gọi là thành công hay không thành công. Cứ diễn và diễn thôi!
Nghỉ hưu rồi, nhưng show diễn của ông vẫn dày đặc. Người ta mời ông vì ông có tiếng, vì ông vẫn được yêu mến. Và vì họ yêu mến ông, yêu mến sự nhiệt tình, xởi lởi và tình cảm chân thật của ông.
Đến mức năm trước, 29 tết, họ vẫn “bắt” ông diễn. Mệt quá, về nhà ốm lăn ra. Thế là mất ăn tết. Năm nay thì sức khỏe đã khá hơn nhiều rồi, Văn Hiệp nói. Nhưng thật thà, có lúc lão “trưởng thôn” cũng muốn nghỉ ngơi, thèm nghỉ vì sức khỏe, vì đến cái tuổi muốn rong chơi dù công việc cũng khiến ông vui vẻ và vì nhu cầu kinh tế bản thân và hỗ trợ cho con.
Tết rồi, Văn Hiệp tham gia nhiều chương trình hài tết. Ông nói, ngày tết cần vui nên làm hài thì hợp quá. Nghe nhiều người tỏ ra không hài lòng về hài tết, ông nói, người chê cũng chẳng phải khó tính. Trong cái vui cũng cần có ý nghĩa chứ cũng không nên nhạt quá. Tất nhiên, hài tết cũng như rau muống, luộc hay xào thì cũng đều ngon nếu nó được gia giảm hoặc chấm với gia vị ngon. Món này hợp với nhiều người ăn nên được chú ý. Ông chê cũng chẳng được, hài tết vẫn có nhiều người xem, nhiều người thích và cũng phải hấp dẫn mới thu hút được các nhà tài trợ.
Một ngày lạnh, mưa như trút nước lạ lùng. Ông Văn Hiệp phải diễn một sô ở rạp xiếc. Ông nghĩ chuyện lười đi, lười ra đường. Nhưng rồi buộc phải rời chiếc giường, mặc áo mưa tới nơi diễn. Điều khiến ông ngạc nhiên và sung sướng là xe của người đi xem vẫn trật như nêm, vào trong rạp thì người xem ngồi kín hết. Hóa ra, công chúng vẫn dành nhiều tình cảm cho những người làm nghệ thuật như ông, vẫn nhiều người đội cả mưa gió, giá lạnh đi xem nghệ thuật. Vì thế, nó càng củng cố cho ông trưởng thôn một niềm tin và một tình yêu để thêm một năm cống hiến thật nhiều cho công chúng!
Theo VTCNew.