"Tôi coi âm nhạc là cuộc thử thách, sáng tạo chứ không chỉ là cái nghề, cái nghiệp không. Tôi vận động vì nó là bản ngã. Thành công trước mắt là phù du thôi". Tùng Dương chia sẻ.
Tôi là nghệ sỹ cực đoan
- Có vẻ không thỏa mãn với sự nổi loạn trong nghệ thuật, vừa rồi anh tìm đến Cầu âm thanh của Đào Anh Khánh để “rút nỗi lòng”?
- Tôi đang kìm hãm cái điên trong mình. Việc tham gia show Cầu âm thanh chỉ là một trạng thái trong con người tôi. Tôi hiểu là mình diễn gì trong đó. Cái hay của Đào Anh Khánh là kết hợp hài hòa giữa cảm tính và lý trí. Bản năng người nghệ sỹ rất lớn nhưng họ vẫn dùng cái đầu để điều khiển một show diễn đương đại. Thực ra nó là quá trình tổng hòa của sự tích lũy kinh nghiệm, cảm xúc và cả tri thức nữa.
Tôi thấy mình may mắn khi được tham gia một show diễn như thế. Bởi lẽ, ở Việt Nam, show diễn đương đại không nhiều. Hơn nữa, nếu diễn nhiều những show như thế cũng không còn gọi là đặc biệt nữa. Tôi cũng chưa có nhiều đất để bung phá hết những ý tưởng của mình khi tham gia show này. Trong tương lai, tôi sẽ cố gắng để thực hiện dần những giấc mơ của mình khi tôi đủ chín để thực hiện cái gọi là đương đại.
- Tức là trong tương lai anh sẽ không chỉ có hát mà còn cả múa may như Đào Anh Khánh?
- Tôi muốn học để trở thành một DJ. Tôi học để chỉnh nhạc cho mình, hỗ trợ cho mình trong việc chỉnh nhạc và biểu diễn. Học để không dừng lại là một vocalist mà hỗ trợ cho giọng hát bằng biểu diễn như một nghệ sỹ hình thể. Nền tảng âm nhạc của tôi là electronic chứ không chỉ giọng hát. Tôi chỉ là một cá nhân trong dòng chảy âm nhạc đương đại, chứ để là một cái gì to tát thì chưa dám nói tới. Nhưng tôi cũng mong muốn đóng góp chút ít cho âm nhạc những sản phẩm cá tính, ảnh hưởng đến sự phát triển chung của nó. Những ô màu khối lập phương tưởng như khó nghe, kén công chúng nhưng đã đoạt giải thưởng album của năm. Điều ấy giúp tôi có niềm tin rằng đó cũng là một tiêu chí để công chúng lựa chọn âm nhạc để nghe và thưởng thức.
- Nhưng âm nhạc không nên dành cho số ít và số người nghe nhạc anh không nhiều, nếu phát triển theo hướng đó thì càng ít người nghe. Anh không quan tâm mình ít hay nhiều công chúng?
- Ở Việt Nam hay bất kỳ ở đâu cũng sẽ có chuyện cơm áo gạo tiền song hành với nghệ thuật. Người ta vẫn làm nhạc, chơi nhạc và kiếm tiền. Không ai có thể chỉ làm nghệ thuật mà không nghĩ đến chuyện kiếm tiền. Phải có tái đầu tư mới có thể làm nghệ thuật tốt được. Vì vậy, bên cạnh thể loại này, tôi vẫn hát những ca khúc tình ca nhẹ nhàng. Công chúng chưa có nhiều, showbiz khó khăn mà đòi hỏi phủ sóng âm nhạc của mình thì rất khó. Dòng nhạc độc lập đương đại lại càng khó. Có những người đi xem, biết về lối trình diễn, dòng nhạc nhưng chưa hẳn đã thích nghệ sỹ biểu diễn. Đơn giản chỉ là tò mò nhưng cũng là hạnh phúc với những người làm nhạc đương đại vì họ được quan tâm.
- Một số nghệ sỹ tỏ ra ái ngại và không muốn xuất hiện trong những sự kiểu của Đào Anh Khánh và họ cho rằng đó là sự tụ bạ búa xua, không sang trọng?
- Họ không đến có thể do không cập đến tư duy âm nhạc đó được hoặc là cái tôi của họ quá lớn. Vậy hãy xem họ có thể làm được những gì trong cuộc đời nghệ thuật của mình. Có thể họ cũng làm được như vậy hoặc hơn thì quá tốt. Tôi không quan trọng nghệ sỹ đến xem nhau hay không. Tuy nhiên, tôi cho rằng nghệ sỹ xem nhau là văn hóa và đáng trân trọng. Cũng như vậy, tôi không quan tâm là tôi hát có những ai đi xem. Nó không ảnh hưởng đến lựa chọn âm nhạc của tôi.
- Thế là anh gián tiếp trách móc và hạ bệ văn hóa của đồng nghiệp rồi?
- Các nghệ sỹ hoạt động độc lập, theo đuổi lý tưởng của riêng mình, có khán giả riêng và không ai giẫm đạp lên ai. Vì vậy cũng không ai phải soi ai, âm nhạc cứ phát ra và đánh giá thuộc về người nghe. Tôi cũng là cá thể làm nhạc đương đại, dùng giọng hát để hoàn thiện một phần nhạc đương đại. Những người làm nhạc đương đại có cái tôi quá lớn, cái đó đáng tôn trọng, chẳng có gì để phê phán cả.
- Thực ra, ý của tôi không phải là nhố nhăng mà là sự hỗn tạp. Tôi nghĩ nhố nhăng chỉ là một bộ phận. Nó đang hình thành, không tập trung. Nhưng mỗi dòng có khán giả riêng của mình. Tôi nghĩ nó chỉ mang tính thời điểm chứ không kéo dài mãi. Một số người hiểu sang ý là tôi thích phê phán đồng nghiệp. Nhưng không phải thế, tôi nghĩ người có tâm với âm nhạc thì mong muốn nó càng ngày càng tốt đẹp và cân bằng hơn giữa thị trường và nghệ thuật. Âm nhạc Việt Nam đang ở thế chao đảo quá.
Tôi nuôi niềm tin với cái đỉnh mà mình vươn tới. Tôi không phê phán ai nhưng xem xong vài clip của một số bạn được gọi là ca sĩ với âm nhạc kiểu ca từ "yêu là để vui chơi một khi” - không thể coi là âm nhạc được. Tôi khái tính nên phê phán vậy thôi.
- Anh đang muốn đính chính về phát ngôn “Nhạc Việt nhố nhăng” của mình?
- Không, tôi chẳng có gì để đính chính. Tôi chỉ là người dũng cảm nói ra điều ấy thôi. Bản thân nghệ sỹ thì cực đoan. Tôi cũng vậy nhưng cá tính đã là thế rồi. Nhưng nếu không có tâm sẽ không nói ra những điều khó nghe. Nhưng nói cũng là để nói thôi, một mình tôi cũng không thể thay đổi cả showbiz. Món ăn ngon trong âm nhạc thì nhiều nhưng công chúng chưa chọn lọc hết được. Trong suy nghĩ của tôi về âm nhạc thì không dễ dàng và thích nghi với những điều như vậy.
Càng thành công càng thấy đỉnh sâu hun hút
- Anh biến hóa trong các dòng nhạc nhưng có vẻ rất lựa chọn. Có khi nào anh thấy tự mình làm khó mình?
- Sự biến hóa cũng tùy thuộc vào năng lực từng người. Có người biến hóa thành công, có người thì không hiệu quả. Tôi mong khán giả chấp nhận sự biến hóa của mình. Không phải lúc nào cũng nghe được âm nhạc u tối, khó gần. Bởi vậy mà tôi thử sức trong thể loại âm nhạc trữ tình lãng mạn. Tôi hy vọng nó sẽ được nghe lúc có cảm xúc bay bổng, lãng mạn.
- Cảm xúc con người có lúc mệt mỏi, đau khổ, hạnh phúc và vui sướng, những lúc đó sẽ lựa chọn những dòng nhạc khác nhau để nghe cho phù hợp. Có những lúc tôi bức bách, bức bối, những màu xám u tối trong bức tranh đời sống của mình. Đó là thử nghiệm để tôi khám phá mình chứ không phải để cân bằng.
- Anh là người thành công, khoảng u tối của anh xuất hiện thế nào trong lúc bận rộn triền miên?
- Khoảng u tối xuất hiện trong khoảng không của tôi, càng được ghi nhận, càng thành công càng là thách thức đến nghiệt ngã, ghê gớm. Nhiều nghệ sỹ tìm đến cái chết vì không vượt qua được ngưỡng của mình. Con người luôn vận động và duy trì thành công của mình hay lựa chọn lý tưởng cho mình. Đường đến thành công, càng lên càng sâu hun hút và không ai đi đến đỉnh. Vượt qua chính mình là khó nhất. Càng biết nhiều, càng lung lay, càng dốt đi, càng vỡ vạc, càng thấy mình muốn khám phá.
Trạng thái con người không thể lý giải. Họ có những cuộc đấu tranh cho bản ngã của mình. Tôi hơn người khác cái này không có nghĩa là hơn tất cả. Mỗi người có một thế mạnh.
- Trạng thái đó, cụ thể là gì?
- Có thể người ta nhìn một ly nước là nhìn ngang nhưng tôi nhìn từ đáy cốc nhìn lên. Vạn vật xung quanh được tôi nhìn gai góc hơn. Đợt tôi làm “Những ô màu khối lập phương” cũng là giai đoạn tôi chia sẻ được đỉnh điểm các thân phận, đi hết những nối đau tâm trạng của những người phụ nữ hay đàn ông. Tôi không thốt lên được bằng lời, không phải nhà văn để có thể trút ra trang giấy. Tôi đi tận cùng những cảm xúc ấy bằng cảm nhận, cảm xúc của mình thông qua âm nhạc.
- Như vậy mỗi thành công đều không khiến anh hài lòng?
- Thậm chí khiến cho tôi hồi hộp, suy nghĩ về những gì sẽ làm tiếp theo. Tôi đã suy nghĩ chín chắn hơn khi bắt đầu làm nghề. Có những người đứng yên. Có những người muốn bứt phá, thử thách. Tôi coi âm nhạc là cuộc thử thách, sáng tạo chứ không chỉ là cái nghề, cái nghiệp không. Tôi vận động vì nó là bản ngã. Thành công trước mắt là phù du thôi.
- Anh thành công nhiều mới nói như vậy chứ nếu một người rất cố gắng mà luôn đối mặt với thất bại sẽ nhìn thành công không phải phù du?
- Cũng có thể anh đúng. Nhưng cuộc sống có hai mặt. Tôi muốn đạt đến lý tưởng nhiều hơn là những thành công. Tất nhiên thành công là thước đo để mình vượt qua các đỉnh. Ở đời sự thành công của mình có thể là lớn nhưng quá nhỏ bé so với người khác. Nhiều người vỗ ngực vì những thành công nhưng tôi dám cá rằng họ đều muốn đi hết đam mê hơn là những thành công. Những danh hiệu đoạt được khiến người ta càng cố gắng và làm khó cho nghệ sỹ nếu họ muốn bung phá tiếp.
- Từ liveshow đang bị lợi dụng. Tôi muốn làm đêm nhạc và có thể thỏa sức sáng tạo, tri ân, tri kỷ với bạn yêu âm nhạc của mình. Tôi không muốn là ngựa con háu đá. Cuộc đời nghệ thuật đâu chỉ là hai đêm nhạc rồi vò vò cày cuốc trả nợ.
- Âm nhạc của anh thì càng ngày càng quái mà thời trang thì càng ngày càng đơn giản so với xưa?
- Việc mặc thế nào cũng được tôi tính toán. Nó là gu thẩm mỹ của tôi, phù hợp với âm nhạc của mình. Sự thay đổi là do nhận thức.
- Chọn Đức để thu âm đĩa nhạc điện tử sắp tới, dường như anh cũng kém tin tài của các nhạc sỹ hòa âm, phối ký Việt Nam?
- Chủ đề những bài hát trong album là Con cò, Con nhện, Giăng tơ đều rất Việt Nam nhưng sử dụng trên công nghệ âm nhạc châu Âu. Có rất nhiều lý do để tôi chọn Đức làm album nhưng về công nghệ, âm thanh thì chưa bao giờ mình thỏa mãn về việc thu thanh hát live ở Việt Nam. Nó dường như rất nghiệp dư. Âm thanh làm kìm nén sự sáng tạo của mình. 5 thì 10 họa mới thấy một album có âm thanh tốt. Tôi muốn làm tới nơi tới chốn, không làm theo kiểu giả cầy. Hơn nữa âm nhạc điện tử kết hợp với giao hưởng có thể ở nước ngoài sẽ tốt hơn.
- Xin cảm ơn anh!
Theo VTCNew.