Tùng Dương lên tiếng thông tin "cự tuyệt" vai trò HLV The Voice'Ca sỹ Việt hát tiếng Anh chuẩn ở Việt Nam không nhiều! Người này hát ra được một chút tinh thần của tính thể loại thì lại bị lỗi nhiều về phát âm hoặc ngược lại. Số còn lại thì thụ động học theo cách của thần tượng nên hát rập khuôn'. 

  - Nếu tự đánh giá khả năng nói (hát ) tiếng Anh, Tùng Dương nhận mình được mấy trong thang điểm 10?

Nếu tự đánh giá thang điểm cho mình thì không khách quan lắm! Dương  nghĩ nên để những nhận xét ấy cho khán giả, đặc biệt là khán giả Quốc tế. Rất dễ để đo được phản ứng của họ khi nghe ca sỹ Việt hát tiếng Anh, nếu gật gù lim dim tán thưởng thì có lẽ là tương đối chấp nhận, còn nếu họ căng tai hay nhíu mày thì biết chắc họ không hiểu bạn đang hát gì.

Cá nhân Dương đã tham gia rất nhiều những chương trình festival jazz Châu Âu hay hát với những nghệ sỹ Quốc tế như Ban nhạc Unit Asia hay nghệ sỹ guitar lừng danh Nguyên Lê...nên ít nhiều cũng đã có kinh nghiệm hát những ca khúc tiếng Anh.

- Cảm nhận của anh khi nghe ca sỹ Việt hát tiếng Anh?

Ca sỹ Việt hát tiếng Anh chuẩn ở Việt Nam không nhiều! Người này hát ra được một chút tinh thần của tính thể loại thì lại bị lỗi nhiều về phát âm hoặc ngược lại. Số còn lại thì thụ động học theo cách của thần tượng nên hát rập khuôn. 

Cá nhân Dương trước kia cũng có những lúc vì quá yêu thần tượng nên cứ muốn hát tiếng Anh sao cho giống y chang bản gốc. Dương chợt hiểu ra rằng mình cần phải thay đổi, có thể vẫn chịu ảnh hưởng nhưng phải biến cái hay của họ qua một bộ lọc nữa để thành cái riêng của mình. Hát tiếng Anh cho dân mình nghe thì cảm xúc quan trọng hơn, còn hát trước bạn bè Quốc tế thì phải thật sự tự tin về bộ máy phát âm.

- Liệu ca sỹ Việt có thể 'bơi' ra thị trường quốc tế bằng cách hát nhạc nước ngoài?

Đúng nhưng chưa đủ. Do tiếng Anh phổ cập nên việc hội nhập sẽ là con đường dẫn đến thành công nhanh nhất. Các chuyên gia thẩm định sẽ dễ dàng đánh giá bạn có thực lực hay không cũng qua việc thể hiện những bài hát Tiếng Anh.

Theo Dương Tinh thần 'hòa nhập không hòa tan' vẫn là chìa khóa của thành công. Người Châu Âu cũng sẽ thích thú khi nghe bạn hát jazz hay blues, world music theo cách riêng của bạn chứ không hẳn là phải rập khuôn thành những bản sao của họ. 

Nếu hát được với tâm thế vậy thì Dương tin chắc họ sẽ ngạc nhiên thích thú hơn. Còn để thành danh ở đất Mỹ, phải chấp nhận phải Mỹ hoá bản sắc riêng. Dương dám chắc mỗi đất nước lại có gu thưởng thức khác nhau theo nhiều quan niệm về màu da, sắc tộc ...bởi vậy hãy giữ vững bản sắc riêng từ mỗi Quốc gia bạn sinh ra để rồi từ đó mở rộng và cập nhật với sự văn minh công nghệ của nước bạn.

Tùng Dương lên tiếng thông tin
Theo Dương Tinh thần 'hòa nhập không hòa tan' vẫn là chìa khóa của thành công.

- Là người đã từng cộng tác với các tác giả, ca sỹ và ban nhạc nước ngoài, anh thấy điều gì nhạc Việt phải học tập họ và điều gì họ phải học tập ở nhạc Việt?

Các nghệ sỹ quốc tế có dịp đứng chung với nhau thì bản thân họ cũng đã có cơ hội được giao lưu, hiểu biết thêm về Văn hoá của nhau. Những chuyến đi luôn giúp Dương có thêm nhiều trải nghiệm với nghề nghiệp, nghệ thuật..

Những nghệ sỹ quốc tế có tinh Thần chuyên nghiệp rất cao. Và cách để họ tiếp cận 1 tác phẩm mới đều dựa trên sự dung hoà giữa lý trí và bản năng. Họ ứng tác rất nhanh và thành thạo, rất biết tiến, lùi để làm nổi bật bạn diễn. Sự tiết chế và ngẫu hứng tinh tế, điều mà các nghệ sỹ Việt nên học tập họ. 

Lấy ví dụ như khi Dương hát Một thoáng Tây hồ (Phó Đức Phương) hay Giăng Tơ (Lưu Hà An) theo cách chơi của họ lại làm họ hoàn toàn bất ngờ về những giai điệu, hoà thanh mang âm hưởng và đặc trưng dân gian. Chính cái bản sắc, cái gốc, cội nguồn luôn được các nghệ sỹ quốc tế đánh giá cao.

- Mới đây, trên một tờ báo uy tín có nêu ra nhận xét của chồng nghệ sỹ Giáng Son khi xem các thí sinh The Voice hát bằng tiếng Anh. Theo người đàn ông Anh này thì ông ta không hiểu các thí sinh đó đang hát cái gì. Vậy, theo anh tại sao fan của Việt Nam vẫn thấy hay, vẫn phát cuồng vì những ca khúc ấy?

Dương thấy đó là những trường hợp rất dễ hiểu thôi. Như Dương đã nói ở trên, hát tiếng Anh cho người Việt Nam thì dân mình trú trọng tới cảm xúc nhiều hơn. Bạn hãy thử đặt vào trường hợp ngược lại khi nghe một anh Tây hát tiếng Bèo dạt mây trôi mà phát âm ngọng líu ngọng lô thử xem có 'vui' không?

Theo Dương nếu đã chọn hát tiếng Anh trên truyền hình thì phải chuẩn bị những kỹ năng và phát âm chuẩn thì hãy hát. Còn nếu chưa đủ những điều kiện đó thì sẽ gây hiệu quả ngược chiều, như trường hợp phàn nàn của chồng Giáng Sol . 

- Ca sỹ Trần Thu Hà, người đã sống ở Mỹ khá lâu đã có lần thú nhận trên báo rằng cảm thấy 'xấu hổ' khi nghe lại những bài hát bằng tiếng Anh của mình trước kia. Phải chăng, trình độ Anh ngữ càng cao thì người ta càng sợ hát bằng tiếng Anh?

Người nghệ sỹ có lòng tự trọng thì họ sẽ rất tỉnh táo trước khi công bố 1 sản phẩm của mình. Họ biết rõ thế mạnh, điểm yếu của mình để khắc phục chứ không nhắm mắt làm liều, không cẩu thả. Đó là cách Tôn trọng khán giả và tôn trọng chính bản thân mình. Xấu hổ để rồi từ đó sẽ vươn lên thay đổi, để hoàn thiện, để chiến thắng chính mình.

- Có vẻ những ca khúc hát bằng tiếng nước ngoài tại Giọng hát Việt lại được giám khảo đánh giá rất cao. Phải chăng đó là trào lưu sính chạy theo thị hiếu?

Có thể món ăn Tiếng việt bấy lâu đã quá quen thuộc với công chúng nên 1 số bộ phận khán giả trẻ tiếp nhận những xu hướng mới mang tính cập nhật. Điều đó cũng rất đáng khích lệ nếu tiếp nhận 1 cách bài bản, sâu sắc và tỉnh táo mà không dễ dãi.

Hát tiếng Anh chưa hay và chưa đúng thì có thể rèn luyện rồi sẽ thành công. Dương lại thấy việc đáng lo ngại và đáng báo động là việc internet phát triển quá nhanh, quá nhiều thông tin ồ ạt không chọn lọc, các chương trình truyền hình tư nhân kiểu 'thực tế' mà lại đang quá 'diễn' nên dẫn tới các bạn trẻ hoang mang không tự định hướng được cho bản thân. 

Chọn nghe những dòng nhạc, những bài hát tiếng Việt có ca từ não nuột, bi lụy và sến...Để rồi xuất hiện những thảm họa...càng nhiều những thảm họa thì càng nguy hiểm cho sự phát triển của âm nhạc.

- Trở lại chuyện hát bằng tiếng Anh của ca sỹ Việt, phải chăng vì không hiểu họ đang hát cái gì nên một bộ phận công chúng cũng nhao nhao lên tán thưởng để chứng tỏ cho thiên hạ thấy mình cũng không quá 'dốt' về tiếng Anh?

Nên nhìn nhận cảm thông hơn với họ thay vì suy xét. Bởi đó là show truyền hình thực tế tìm kiếm Tài năng với format hoàn toàn mới lần đầu tiên tại Việt Nam. Dương nghĩ có thể mọi người đang trú trọng tới giọng hát nhiều hơn mà quên đi mất những khía cạnh khác.Công chúng dễ yêu nhưng cũng dễ quay lưng nếu sớm tỉnh táo nhận ra những điều đúng đắn ! 

- Có tin đồn, anh đã từ chối tham gia làm HLV The Voice để tham gia Sao Mai Điểm hẹn. Phải chăng, anh cảm thấy 'đẳng cấp' của The Voice không bằng Sao mai hay vì một lý do nào khác?

Dương nghĩ mình là người nghệ sỹ nhưng lại không thích ồn ào. Dương tự thấy mình đứng ngoài showbiz. Dương là người nhuận ngôn nhưng lại không phải là người hoạt ngôn nên tự cảm thấy không phù hợp với những chương trình trú trọng nhiều tới tính giải trí.

Dương thích đưa ra những lời nhận xét góp ý thẳng thắn, chân thành để các bạn trẻ nhìn nhận đúng về thực lực của bản thân...Hơn nữa Sao mai Điểm hẹn  là nơi đã chắp cánh cho tiếng hát của Dương tới với đông đảo công chúng.Vậy hãy coi như đây là dịp Dương trả ơn Đài truyền hình nhé! 

Theo GDVN.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC