Cách đây vài chục năm, những phụ nữ Châu Âu đến nước ta được nhiều người gọi là "bà đầm", ai đó lấy vợ người Âu sẽ được coi là chuyện lạ.
Gần bốn trăm năm trước, có một người Việt Nam sống ở Thăng Long đã “lấy vợ đầm”. Đúng ra, ông có ít nhất là sáu bà vợ, trong đó có một người là dân Hà Lan. Ông là vua Lê Thần Tông.
Trong cuốn sách Tường trình về Đàng ngoài (còn có tên là Lịch sử vương quốc Đàng ngoài) của linh mục Alexandre de Rhodes, ghi rất nhiều việc về nước ta. Trong đó, có ghi chuyện người Việt Nam đầu tiên lấy vợ người châu Âu, là Lê Duy Kỳ, sinh ngày 19/11 năm Đinh Mùi 1607, con trưởng của vua Lê Kính Tông và bà Trịnh Thị Ngọc Trinh.
Sau này, năm Kỷ Mùi 1617, Duy Kỳ lên ngôi vua với hiệu là Lê Thần Tông. Duy Kỳ là cháu ngoại của chúa Trịnh Tùng, được đưa lên làm vua lúc mới 12 tuổi, sống mũi cao, da trắng trẻo, lớn lên rất đẹp trai, thông minh, học rộng, giỏi văn chương, làm vua được 24 năm thì nhường ngôi cho con trai mới 13 tuổi là Lê Duy Hựu (hiệu là Chân Tông).
Chùa Mật Sơn, phía Nam thành phố Thanh Hóa thờ 6 bà vợ của vua Lê Thần Tông. |
“Lê Chân Tông lên ngôi, tôn vua cha làm Thái thượng hoàng, Hoàng hậu Trịnh Thị làm Hoàng thái hậu…” (Đại Việt sử ký toàn thư). Thế nhưng, ở ngôi chỉ được 7 năm thì Lê Chân Tông ốm, chết, nên Thái thượng hoàng Lê Duy Kỳ trở lại làm vua. Đến năm Nhâm Dần 1662, Lê Thần Tông qua đời. Nối ngôi Thần Tông là con trai thứ của ông, tên là Lê Duy Vũ (hiệu là Huyền Tông), ở ngôi 9 năm thì ốm, chết.
Kế vị cũng là một con trai nữa của Lê Thần Tông tên là Lê Duy Hợi (hiệu là Gia Tông). Lê Gia Tông ở ngôi 4 năm thì ốm, chết. Nối ngôi là con út của Lê Thần Tông, tên là Lê Duy Hợp (hiệu là Hy Tông).
Như vậy Lê Duy Kỳ là người duy nhất trong số 108 vị vua chúa Việt Nam có hai lần lên ngai vàng làm vua. Cũng xin lưu ý bạn đọc, Lê Duy Kỳ (1607-1662) làm vua với hiệu Thần Tông, không phải là Lê Duy Kỳ (1765-1793) cũng làm vua nhưng với hiệu Chiêu Thống. Lê Duy Kỳ (Thần Tông) còn có một kỷ lục nữa là có tới 4 người con liên tiếp lên làm vua.
Lê Duy Kỳ (Thần Tông) còn tạo ra kỷ lục đặc biệt nữa, là đã có ít nhất sáu bà vợ. Bà vợ đầu tiên tên là Trịnh Thị Ngọc Trúc. Sách Đại Việt sử ký toàn thư có ghi việc này: “Vào năm Canh Ngọ 1630, niên hiệu Đức Long thứ 2, tháng 5, Vua lấy con gái Vương (Trịnh Tráng) là Trịnh Thị Ngọc Trúc, lập làm hoàng hậu. Trước, Ngọc Trúc đã lấy người bác họ của Vua là Cường quận công Lê Trụ, sinh được 4 con. Khi ấy Lê Trụ bị giam, Vương đem Ngọc Trúc gả cho Vua, Vua lấy vào cung. Triều thần là Nguyễn Trực, Nguyễn Danh Thế nhiều lần dâng sớ can. Vua không nghe mà nói rằng: “Xong việc thì thôi, lấy gượng vậy”. Từ hôm ấy trở đi, trời mưa dầm ngày đêm không ngớt…”.
Sau bà Hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc, ông Lê Thần Tông còn có 5 bà vợ nữa, và rất lạ, mỗi bà thuộc một dân tộc: bà vợ thứ 2 là người Thái, bà vợ thứ 3 là người Mường, bà vợ thứ 4 là người Hán, bà vợ thứ 5 người Lào và bà vợ thứ 6 người Hà Lan.
Có thể vua còn có nhiều vợ khác nữa, chúng tôi chỉ nói tới sáu bà đã lưu lại hình dáng, là sáu bức tượng gỗ tạc chân dung các bà, bày tại chùa Mật Sơn, ở chân núi Mật, phía nam thành phố Thanh Hóa.
Sáu pho tượng này, mỗi người một nét dung nhan khác nhau và thấy rõ trang phục của mỗi bà đúng theo y phục dân tộc của từng người. Đặc biệt, y phục, váy áo của pho tượng tạc bà người Hà Lan, dù là tượng thờ, cổ áo trong vẫn trễ xuống để lộ một mảng ngực.
Tương truyền, ngôi chùa Mật Sơn do sáu bà vợ của vua Lê Thần Tông bỏ tiền công đức để xây dựng. Đó cũng là lý do sáu pho tượng của sáu bà bày tại chùa này. Việc sáu bà vợ cùng lòng cùng sức bỏ tiền công đức xây một ngôi chùa và lại cùng nhập thần vào những bức tượng ở bên nhau mãi mãi, cũng là một điều thật lạ lùng. Có thể coi đó là kỷ lục thứ tư của vua Lê Thần Tông!
Cho đến năm 1959, những pho tượng các bà vợ vua Lê Thần Tông đã được rước về đền Nhà Lê chỉ cách chùa Mật Sơn chừng hơn cây số, thuộc địa phận phường Đông Vệ. Đền Nhà Lê đã được xếp hạng Di tích lịch sử cấp nhà nước. Những pho tượng thờ các vua Lê, trong đó có sáu pho tượng sáu bà vợ vua Lê Thần Tông, ngày nay vẫn ở đền Nhà Lê, mọi người có thể đến chiêm bái, thăm viếng.
Vào khoảng những năm 20 của thế kỷ XX, nhà sử học Charles Robequin có viết cuốn Le Thanh Hoa (Xứ Thanh Hóa), một cuốn sách nghiên cứu về lịch sử, địa lý, phong tục, ngành nghề, dân cư, đặc sản… của Thanh Hóa. Trong sách đó có ghi việc ông Lê Duy Kỳ là người Việt Nam đầu tiên lấy vợ người châu Âu.
Việc Đàng ngoài có khá nhiều kiều dân châu Âu đến làm ăn buôn bán từ đầu thế kỷ XVII thì một số thư tịch cổ đã ghi. Ngay ở Thăng Long, phường Giang Khẩu (sau đổi thành Hà Khẩu), nay là khu vực phố Hàng Buồm, Nguyễn Siêu, bên cửa sông Tô nối với sông Hồng, trên bến dưới thuyền tấp nập, không chỉ có người Trung Quốc mà còn có nhiều người Hà Lan, Anh, Bồ Đào Nha… đến buôn bán, mở nhiều cửa hàng.
Trong sách Tường trình về Đàng ngoài của linh mục A. de Rhodes cũng có nói đến việc người Hà Lan chiếm số đông và có ưu thế hơn những người châu Âu đến làm ăn ở Đàng ngoài.
Sách đã ghi việc chúa Đàng ngoài đã cầu cứu các thương gia người Hà Lan khi ấy đã chiếm đóng Java (Indonesia), xin cung cấp cho một số tàu tròn… và người Hà Lan đã đồng ý ngay vì biết vua chúa Đàng ngoài cần những tàu đó để tiến đánh chúa Đàng trong. Mà, chúa Đàng trong những năm đó đã công khai tỏ ra thù địch với người Hà Lan… việc liên minh có tính quân sự của Đàng ngoài với người Hà Lan đồng thời với việc người Hà Lan đến miền Bắc Việt Nam làm ăn nhiều hơn.
Đơn cử, công ty Đông Ấn của Hà Lan đã liên tục lập những thương điếm ở Phố Hiến, ở Kẻ Chợ… mở mang thêm nhiều cuộc làm ăn buôn bán với Đàng ngoài. Trong bối cảnh cuộc sống xã hội như vậy, vua Lê Thần Tông, một người rất đẹp trai, sống mũi cao, da trắng, thông minh, học rộng, giỏi văn chương, đã lấy các bà vợ người Mường, Thái, người Lào và người Hán, thì có thêm bà vợ người Hà Lan cũng là việc dễ hiểu.
Chúng tôi từ nhỏ đã biết đến chùa Mật Sơn và đền Nhà Lê, có được thấy bức tượng các bà, rất đẹp và cao quý, mãi rất lâu sau này mới biết đó là những bà hoàng nhà Lê. Sáu bà hoàng hóa thân thành sáu bức tượng thờ, ở cùng với nhau mãi mãi, cũng là chuyện lạ trong đời sống dân tộc ta.
Theo TCHV.