Với nhạc cổ điển, ngay cả việc vỗ tay tán thưởng cũng có quy định riêng, nhưng thật tiếc không phải ai cũng hiểu được những quy tắc nghiêm cẩn đó.
Từ sân khấu kinh kịch Trung Hoa đến sàn diễn thời trang Paris hay những show trình diễn nghệ thuật thị giác đương đại ở New York đều không thể thiếu một yếu tố hết sức quan trọng: khán giả. Nghệ thuật có bao nhiêu hình thức thì cũng có bấy nhiêu kiểu khán giả. Song có lẽ không gì phức tạp bằng việc trở thành một khán giả mẫu mực của dòng nhạc cổ điển.
Có những phòng hòa nhạc danh tiếng ở London, Paris hay New York mà ngay cả khi bạn là VIP và vô cùng giầu có, bạn vẫn phải đặt chỗ trước, đôi khi đến cả năm trời mới có được một cặp vé. Điều này dường như lại quá dễ dàng tại Việt Nam.
Chẳng cần phải bay cả chặng đường dài bằng chuyên cơ riêng, ngay tại Hà Nội hay TP.Hồ Chí Minh, bạn cũng có thể tham dự những chương trình đặc sắc với sự trình diễn của những nghệ sỹ hàng đầu thế giới, từ huyền thoại cello Mstislav Rostropovich, ảo thuật gia trên phím dương cầm Jean-Yves Thibaudet đến nghệ sĩ vĩ cầm đoạt giải Grammy Hilary Hahn hay thần đồng piano trẻ tuổi Lang Lang…
Không quá khó để cảm nhận vẻ đẹp của nhạc thính phòng giao hưởng nhưng chẳng dễ chút nào để trở thành khán giả sành điệu của dòng nhạc bác học này bởi nó đòi hỏi sự tuân thủ nghiêm ngặt nhiều quy tắc từ vẻ thanh lịch trong trang phục, sự tinh tế trong giao tiếp, đến kiến thức về âm nhạc cổ điển, mà nếu không khéo, cái nỗ lực tiếp cận loại hình nghệ thuật cao cấp này của bạn sẽ bị biến thành thói “trưởng giả học làm sang” ngay lập tức.
Từ chuyện y phục “chỏi” kỳ đức…
Có một nghịch lý là ai cũng thích mặc đẹp, song không phải ai cũng biết cách mặc đẹp. Đi nghe nhạc cổ điển tất nhiên là rất khác với đi xem phim, kịch ngoài rạp nên khán giả đương nhiên nếu không là những quý bà sang trọng sánh bước bên quý ông lịch lãm thì cũng là nam thanh dắt tay nữ tú, chứ nhất định không phải là lớp người bình dân, ít học trong xã hội.
Thế nhưng cái đám người được (hay tự) coi là ưu tú, cấp tiến ấy không phải lúc nào cũng hành xử đúng như lẽ-ra-phải-thế! Lễ phục cho nam và đồ dạ hội cho nữ là điều bắt buộc cho khán giả ở những nước phát triển khi đến nhà hát thì ở ta lại có không ít người dường như chưa từng biết tới điều ấy, khiến một văn sĩ đã phải bức xúc thốt lên, đại ý: dân mình đi siêu thị thì diện hơn cả Tây đi nghe opera, còn đi tới nhà hát thì diện đồ picnic!
Đành rằng với khí hậu nhiệt đới nóng ẩm như ở Việt Nam thì việc khoác lên người những bộ smoking lượt thượt kể cũng hơi bất tiện, song không vì thế mà người ta có thể dễ dãi đến mức mặc áo T-shirt, quần lửng, đi dép xỏ ngón hay diện những tấm váy chỉ xứng với không gian phòng ngủ… Vẫn biết cái áo chẳng làm nên thầy tu, nhưng nếu đặt mình vào vị trí của người nghệ sỹ, khi bước ra sân khấu nhìn thấy những khán giả ăn vận thiếu tề chỉnh thì tôi dám chắc cái cảm hứng cống hiến của bạn 10 phần cũng bị rơi rụng đến chín ngay tức khắc.
… đến phép vua thua lệ làng
Một cố tật của người Việt phải kể đến là thói quen “giờ cao su”. Để tăng thêm chú ý cho sự hiện diện của mình, các ngôi sao có thể cố tình đến muộn trong các buổi tiệc cocktail (chứ không ai dại gì mà đến muộn trong các sự kiện hay các buổi chiêu đãi trang trọng). Nhưng cái việc bắt chước các ngôi sao trong đêm hòa nhạc thật sự là một tai họa.
Sự xuất hiện hấp tấp, vội vàng của bất cứ một khán giả nào khi tấm màn nhung đã được kéo ra, không chỉ thể hiện sự kém cỏi của bản thân họ trong việc quản lý thời gian mà nghiêm trọng hơn, nó còn tác động xấu đến tâm trạng của các nghệ sỹ và những khán giả xung quanh. Đêm nhạc cổ điển chẳng phải đêm trao giải Oscar mà cũng lắm người tận dụng cái cơ hội này để khoe khéo một bộ váy mới đặt may, một đôi bông tai Monblanc hay chiếc ví Gucci mới tậu đến thế.
Thế là thay vì đến đúng giờ để nghe nhạc, họ lại muốn trở thành “người ngoài hành tinh” để cả thiên hạ được dịp “khó chịu” chiêm ngưỡng mình, để cả dàn nhạc phải “mất hứng” mà vẫn phải chơi tiếp.
Không kèm trẻ em, không sử dụng điện thoại di động là những yêu cầu bắt buộc tưởng chừng ai cũng (phải) hiểu. Ấy thế mà cái việc giữ cho thánh đường âm nhạc một không gian yên lặng cần thiết vẫn cứ là điều biết rồi, khổ lắm (mà vẫn cứ phải) nói mãi. Chẳng thấy ở nước nào như Việt Nam, trước giờ biểu diễn nhạc giao hưởng mà khán phòng vẫn ỉ eo tiếng trẻ con khóc mếu.
Người phương Tây ngạc nhiên khi đứng trước cửa soát vé ở nhà hát lớn là mấy ông bố bà mẹ Việt nằn nì xin cho phép con nhóc 3 tuổi được vào thưởng nhạc cùng. Trẻ con chả quan tâm đến văn hóa nghe giao hưởng đã đành, nhưng người lớn cũng giả điếc trước cái nguyên tắc tối thiểu ấy thì đúng là báo hại cho cả một đêm nhạc đã được chuẩn bị hết sức trang trọng.
Còn chuyện điện thoại di động hồn nhiên tò te tí ngay trong khán phòng trang trọng thì cứ như những chuyện dài kỳ, nói mãi vẫn chưa tới hồi kết. Thời buổi công nghệ số, định vị toàn cầu, dễ hiểu khi điện thoại di động trở thành vật bất ly thân với nhiều người. Nhưng ngay cả khi đã được yêu cầu tắt máy hoặc tắt chuông thì tiếng chuông điện thoại vẫn vang lên rất vô duyên, bất chấp mọi quy định cũng như sự tự trọng cần thiết.
Một số nhạc trưởng bỏ qua và các nghệ sỹ cố lờ đi song không ít lần nhạc trưởng đã dừng cả dàn nhạc lại trong sự ức chế không che giấu. Trong vài chục đêm nhạc mà người viết đã từng tham dự suốt gần mười năm qua thì số đêm nhạc hoàn toàn không có tiếng chuông điện thoại chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay. Một câu chuyện cười ra nước mắt: dàn nhạc đang say sưa cống hiến bỗng từ dưới khán phòng réo rắt vang lên khúc dạo đầu bản Phiên Chợ Ba Tư từ máy di động!
Nghệ sỹ violon Bùi Công Duy |
Dàn nhạc dừng lại chờ cho tiếng nhạc tắt, và vị khán giả này chuồn êm, không thấy quay lại ghế ngồi (không hiểu vì việc quan trọng phải về ngay hay quá ngượng!) Lần khác, tệ hơn, chủ nhân hùng hồn bắt máy ngay giữa khán phòng với âm lượng cao vói: “Đang ở Nhà hát lớn, tí gọi lại nhé” ra chiều mắng cái người bất lịch sự đã làm phiền họ đúng lúc họ đang làm quen với âm nhạc bác học.
Thay cho lời kết, xin được trích lại tâm sự của nghệ sỹ Bùi Công Duy: “Một đêm nhạc mà khán giả vẫn còn để những tiếng chuông điện thoại reo inh ỏi, vẫn nhai kẹo cao su, vẫn thì thầm chuyện riêng... cho dù người nghệ sĩ trên sân khấu có nỗ lực biểu diễn thành công đến mấy thì đêm nhạc vẫn thất bại”.
Theo SD.