Không nên ảo tưởng về sức mạnh vạn năng của văn hóa: các giá trị văn hóa rất mong manh, dễ bị phản bội, xuyên tạc...
Vẫn có quan niệm cho rằng văn minh không hẳn là văn hóa?
- Theo chỗ tôi biết, nguồn gốc của sự đối lập này bắt nguồn từ nước Đức thế kỷ XVIII. Bấy giờ Đức là nước lạc hậu so với các nước Âu Châu khác. Nhưng, nó lại rất phát triển về triết học, văn học, nghệ thuật… Lấy niềm tự hào về Kant, Goethe, Beethoven… để bù lại sự nghèo nàn lạc hậu! Nhưng, sau khi thất trận nhục nhã trước Napoléon, nước Đức đã tỉnh ngộ.
Nền văn hóa “tinh thần” phải được nâng đỡ bằng nền văn minh “vật chất”. Fichte, và sau đó, Humboldt đảm nhận sứ mạng cải cách giáo dục và khoa học, làm tiền đề để đưa nước Đức thành nước hùng cường về mọi mặt từ thế kỷ XIX. Mô hình “Đại học Humboldt” trở thành chuẩn mực ở phương Tây, và năm ngay người ta đang chuẩn bị kỷ niệm 200 năm ngày thành lập của nó.
Nhưng sau đó là một cú “sốc” chấn động, làm thay đổi hầu như toàn bộ nhận thức về văn hóa: tội ác khủng khiếp của chế độ quốc xã phát xuất từ một nước vốn rất tự hào về các giá trị văn hóa và nhân văn, đến nỗi Adorno, một trong những triết gia và nhà văn hóa hàng đầu của nước Đức thế kỷ XX, phải kêu lên: “Sau Auschwitz [tên một trại tập trung khét tiếng của Hitler], mọi văn hóa trở thành rác rưởi!”. Tại sao có thể như thế được? Hai nhận thức cay đắng được rút ra:
- Không nên ảo tưởng về sức mạnh vạn năng của văn hóa: các giá trị văn hóa rất mong manh, dễ bị phản bội, xuyên tạc, nói ngắn: văn hóa có thể chết!
- Không còn một trung tâm để ban phát, trái lại, phải có cách ứng xử mới, khác trước.
Nhận thức ấy sâu sắc đến nỗi được gọi là “bước ngoặt văn hóa” (cultural turn), sau “bước ngoặt ngôn ngữ” (linguistic turn) nổi tiếng trong lịch sử tư tưởng đương đại. Các bộ môn văn hóa học được bổ sung bằng triết học văn hóa với nhiều lý thuyết mới mẻ. Triết gia Jürgen Habermas được gọi công khai là “người thầy cải tạo của quốc gia”: “cải tạo” khỏi di sản phát xít.
Tôi được may mắn chứng kiến quá trình “đổi mới tư duy văn hóa” ấy và nghĩ rằng điều ấy cũng đã và đang diễn ra ở Nhật, một nước có hoàn cảnh tương tự.
Nhận thức mới về văn hóa mang lại hệ quả gì về mặt lý luận mà chúng ta cần quan tâm?
- Trước hết, văn hóa không còn mang tính đặc tuyển, chỉ dành cho một số ít người. Bởi khi đó người ta sẽ căm ghét văn hóa. Một nhân vật phát xít đã từng tuyên bố: hễ nghe đến văn hóa là muốn rút súng ra bắn! Đó là sự căm ghét văn hóa. Cần làm cho văn hóa trở thành cái gì “dễ thương” với mọi người, mọi dân tộc. Người ta có thể xếp hạng mọi thứ, nhưng không được xếp hạng các nền văn hóa theo các thước đo thông thường: lớn nhỏ, hơn kém, già trẻ. Một nền văn hóa đồ sộ, lâu đời, nhưng chỉ cần vài chục năm sai lầm vẫn có thể bị phá hủy hoặc mất tín nhiệm.
Tại sao nhiều cách đặt vấn đề về quan hệ giữa truyền thống và hiện đại dễ đi tới bế tắc?
- Theo tôi, đó là vì quan niệm văn hóa như một vật sở hữu có thể bị lấy mất. Quả thật, hàng ngày hàng giờ, bao nhiêu ngôn ngữ và nền văn hóa bản địa bị diệt vong. Quá trình toàn cầu hóa có thể dẫn đến sự diệt vong nhanh hơn bao giờ hết. Vì thế chỉ có sự phát triển mới là cách bảo tồn tốt nhất. Sức mạnh đích thực của một nền văn hóa là ở sức sáng tạo của nó chứ không phải số lượng di sản của nó. Tự nó phải có sức sống chứ không phải phục dựng mà không có sức sống. Anh có cục vàng mà không biết đối xử với nó, có khi nó còn gây họa cho anh.
Người ta vẫn thường báo động về tình trạng xuống cấp của văn hóa trong thời kinh tế thị trường, ông nghĩ gì về vấn đề này?
- Trước đây người ta thường quan niệm văn hóa là thượng tầng. Như vậy là tách bạch nó với hạ tầng kinh tế. Thực tế thì ranh giới đó rất mong manh. Một sự đối lập máy móc sẽ dẫn đến chỗ cho nó không phải là cơ bản, chưa cấp thiết, chưa cần quan tâm. Cuộc sống con người không tách bạch như vậy đâu.
Nếu xem văn hóa là thượng tầng, kinh tế là hạ tầng thì đồng tiền sẽ chi phối tất cả. Nếu máy móc là hạ tầng còn tri thức, khoa học là thượng tầng thì sẽ không có nền kinh tế tri thức, bởi bản thân máy móc cũng là sản phẩm của con người. Sau những chấn động của lịch sử, người ta đã có những cách nhìn nhận khác đi rồi. Văn hóa cũng phải nằm trong hạ tầng!
Nên hiểu cụ thể như thế nào về văn hóa?
- Người ta phát hiện trở lại quan niệm thâm thúy của Ernst Cassirer về con người như là “sinh vật biểu trưng”, hay, nói khác đi, sinh vật có năng lực văn hóa. Hòn đá trong tự nhiên là tự nhiên, nhưng khi trưng bày trong vườn, nó là văn hóa.
Hoa anh đào chỉ là một loài hoa, nhưng lễ hội hoa anh đào lại là một sự kiện văn hóa. Nếu ta chỉ tranh nhau bông hoa để sở hữu về mình, đó không phải là hành vi thuộc về văn hóa, bởi văn hóa là những gì có ý nghĩa và có giá trị quan thiết với con người. Nó là hiện thân những giá trị mà con người đặt vào, gởi gắm vào trong thế giới tự nhiên. Tôn trọng hoa anh đào là tôn trọng những giá trị của con người. Khi Vedan bức tử sông Thị Vải, họ bức tử mọi dòng sông trên trái đất, kể cả của quê hương họ.
Nhưng văn hóa không phải là sản phẩm từ trên trời rơi xuống mà nó được sinh ra trong bối cảnh xã hội cụ thể?
- Đúng vậy. Nếu văn hóa là quá trình gán cho sự vật các ý nghĩa thì phải tạo cho văn hóa một môi trường, trong đó sự sáng tạo diễn ra liên tục. Chỉ là văn hóa khi đã thoát ra khỏi những nhu cầu bình thường. Ở đâu còn có sự bức bách của kinh tế, của tình thế, của tinh thần phục hận, hơn thua, ở đó văn hóa khó tồn tại chứ chưa nói đến phát triển. Không thể ngắm bông hoa đẹp khi người ta chỉ có sự sợ hãi trong lòng, vì nó đi ngược lại việc xây dựng những ý nghĩa, những giá trị.
“Bước ngoặt văn hóa” ở Phương Tây mang lại những nhận thức và thành quả thiết thực gì trong cuộc sống của chúng ta hôm nay?
- Phương Tây đã có nhiều cố gắng để sửa chữa các khuyết tật của chủ nghĩa văn hóa “lấy châu Âu làm trung tâm” trước đây. Ai cũng nhận thấy thế hệ trẻ hiện nay khác rất nhiều thế hệ cha anh họ. Ta đừng quên những thanh niên Bắc Âu hiền hòa ngày nay là hậu duệ của “hải tặc Viking” khét tiếng hung dữ xưa kia!
Riêng nước Đức, họ càng thấy bức thiết phải giải quyết bài toán “hòa hợp dân tộc” sau một thời kỳ xung đột ý thức hệ kéo dài, và thực sự đã đạt nhiều tiến bộ. Khi nước Đức mới thống nhất, hai miền vẫn còn có tư tưởng thắng bại, hơn kém. Không phải Trời cho người Đức khả năng hòa hợp mà nhờ họ có nhận thức mới. Chính các học thuyết văn hóa góp phần hóa giải sự mâu thuẫn. Dần dần người bên này sang bên kia thấy những gì ở đó là thú vị, hấp dẫn, học hỏi được, cần giữ gìn. Người ta cảm thấy sự phong phú, thay vì sự xa lạ, khó chịu.
Từ chỗ phải chấp nhận, rồi tôn trọng đến chỗ quý trọng sự khác biệt của nhau là một chặng đường dài. Điều ấy dần đạt được là nhờ văn hóa, giáo dục, môi trường. Khi có môi trường dân chủ, cởi mở thì sẽ có sự tôn trọng và quý trọng cái khác mình. Dân tộc nhờ thế mà lớn mạnh, trưởng thành.
Trở lại với chúng ta hiện nay, ông có suy nghĩ gì về công cuộc hiện đại hóa văn hóa?
- Tôi thấy mình không đủ thẩm quyền để trả lời câu hỏi này, vì thế chỉ có thể có một cảm nhận: nước ta có nhiệm vụ nặng nề và khó khăn gấp đôi. Phải làm những gì người khác đã làm xong từ lâu: xây dựng những chuẩn mực của văn hóa hiện đại, mà hàng đầu là luật pháp và giáo dục. Lại phải làm trong nhận thức mới chứ không chỉ nhằm “phú quốc cường binh” theo kiểu cổ điển. Tuy không thể hiểu hết tâm sự của Nguyễn Trường Tộ, nhưng tôi luôn cảm thương và xúc động trước câu thơ lâm ly của ông: “Nhất thất cước thành thiên cổ hận” (“Lỡ một bước chân để hận muôn đời!”).
Cảm ơn ông!
Theo Thanh niên