Thời gian vừa qua, các ca sỹ, nhạc sỹ lão làng đồng loạt lên tiếng thể hiện quan điểm của mình về âm nhạc đương đại với nhiều ý kiến khá gay gắt.
Hàng loạt ca sỹ, từ hàng diva đến ca sỹ hạng “sao” đều được đưa ra mổ sẻ. Vì sao lại có hiện tượng đáng chú ý này?
Nhạc sỹ Nguyễn Ánh 9 cho giọng hát của Mỹ Linh, Thanh Lam đẹp nhưng nhiều lúc thiếu cảm xúc. Hồ Hà bị chê giọng yếu, khều khào, Mỹ Tâm hát nhiều bài không tới và giọng hát không để lại ấn tượng gì…Đàm Vĩnh Hưng được nhạc sỹ Nguyễn Ánh 9 xếp vào hạng C, “tầm” ca sỹ hát lót…
Nhạc sỹ Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng: "Nói theo nhạc viện, ca sĩ thì phải đọc được nốt. Thế nhưng thời bây giờ, 99% ca sĩ không đọc được nốt. Kể cả những người xuất thân từ nhạc viện đôi khi cũng đọc không chuẩn xác. Người đọc nốt chuẩn nhất khi ra trường lại làm nghề... sửa đàn".
Nghệ sỹ nhân dân Thanh Hoa chia sẻ: “Tôi rất trân trọng nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 - những điều anh nói rất thật đến đau lòng! Tôi nghĩ cái mong muốn của anh giống tôi - muốn các con cháu mình hay hơn, tình hơn, tinh tế hơn. Không phải là sự áp đặt con cái phải như mình...nhưng quả thật ca sĩ trẻ hiện nay cần nghĩ lại mình-xem lại mình”.
Nghệ sỹ nhân dân Trung Kiên, Trần Hiếu, ca sỹ Lan Ngọc, Ánh Tuyết, nhạc sỹ Đoàn Bổng…cũng bày tỏ những băn khoăn của mình về chất lượng của các ca sỹ hiện nay.
Đây có thể coi là đợt “sinh hoạt chuyên môn” sôi nổi và thẳng thắn trong giới. Nhưng vì sao các nghệ sỹ già lại “không thích” những ngôi sao ca nhạc hiện nay?
Nhiều người cho rằng, sự chênh lệch về thế hệ là nguyên nhân chính khiến cho các nghệ sỹ lão thành cảm thấy không hài lòng với những ca sỹ trẻ. Nhưng nghệ thuật chân chính không bị giới hạn bởi thời gian. Và, nghệ sỹ tài năng thực thụ cũng là những người “không có tuổi”. Do vậy, sẽ là không công bằng nếu cho đây là sự “xung đột thế hệ”.
Các nhạc sỹ, ca sỹ tên tuổi như Nguyễn Ánh 9, Trung Kiên, Trần Hiếu, Thanh Hoa…đều là những người trưởng thành từ trong gian khổ. Tên tuổi của họ đều được xây dựng bằng mồ hôi, nước mắt, thậm chí cả máu. Họ đã hy sinh cả đời cho nghệ thuật để có được thành công như ngày hôm nay.
Tuy nhiên, một số ca sỹ trẻ hiện nay, chủ yếu nổi tiếng chỉ sau một bài hát. Công nghệ lăng-xê cùng những “chiêu trò” đã biến một ca sỹ bình thường trở thành ngôi sao.
Sự nổi tiếng không bằng tài năng không phải là chuyện hiếm trong showbiz Việt. Do vậy, những lo lắng của các nghệ sỹ lão thành không phải không có cơ sở.
Những nghệ sỹ lão thành như Trần Hiếu, Trung Kiên, Thanh Hoa… vẫn luôn luyện thanh mỗi khi tham gia biểu diễn. Nó thể hiện thái độ nghiêm túc, tôn trọng khán giả của họ. Nhưng một số ca sỹ hiện nay chỉ lo “khoe hàng”, hát nhép…mà quên trau dồi kiến thức âm nhạc cho bản thân.
Đây rõ ràng là một hiện tượng đáng được lên án để các ca sỹ trẻ tôn trọng mình, tôn trọng khán giả nhiều hơn. Các ca sỹ trẻ cần học tập thái độ lao động nghệ thuật nghiêm túc của đàn anh để nâng cao trình độ, nâng cao chất lượng các sản phẩm âm nhạc của mình.
Ca sỹ hát không cảm xúc, lời bài hát nhạt nhẽo, vô bổ, vô nghĩa là một hiện tượng thực tế đáng buồn của làng nhạc Việt hiện nay.
Thực trạng đáng báo động này luôn làm đau lòng những người có trách nhiệm với làng nhạc Việt. Lương tâm và trách nhiệm “buộc” họ phải lên tiếng.
Và, các nghệ sỹ lão thành lấy các ngôi sao, các diva trong làng nhạc Việt ra làm “ví dụ”. Bởi, các ngôi sao nổi tiếng nhất làng nhạc còn có những điểm “chưa đạt yêu cầu” như vậy thì những ca sỹ xếp hạng B, hạng C hiện nay sẽ ở mức nào?
Rõ ràng, việc đưa những cái tên như Mỹ Linh, Thanh Lam, Hồ Hà, Mỹ Tâm, Đàm Vĩnh Hưng vào lời nhận xét của mình chỉ là cách để các nghệ sỹ lão thành thể hiện sự lo lắng của mình đối với làng nhạc Việt.
Do vậy, việc đón nhận một cách nghiêm túc những lời nhận xét của các bậc tiền bối chính là cách các ca sỹ trẻ hiện nay thể hiện trách nhiệm của mình đối với nền âm nhạc nước nhà.
Theo Tri thức trẻ.