Thời gian vừa qua, Đàm Vĩnh Hưng luôn trở thành tâm điểm chỉ trích của dư luận. Từ việc đến viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến việc hóa trang trong lễ hội Halloween thành bác sỹ Cát Tường của Mr Đàm đều bị cho là “thiếu văn hóa”. Phải chăng văn hóa ứng xử của Đàm Vĩnh Hưng có vấn đề hay dư luận đã quá khắt khe?
Lễ hội Halloween là lễ hội truyền thống của các nước phương Tây và được phổ biến trên toàn thế giới. Trang phục truyền thống của Halloween là những con quái vật, con ác quỷ, bộ xương, phù thủy…Thời gian gần đây, trang phục được mở rộng bao gồm các nhân vật trong tiểu thuyết, những người nổi tiếng,…
Như vậy có nghĩa là, việc hóa trang thành những nhân vật như bác sỹ Nguyễn Mạnh Tường là việc bình thường. Đó có thể coi là cách Đàm Vĩnh Hưng tỏ thái độ của mình đối với bác sỹ mất nhân tính của thẩm mỹ Cát Tường.
Lúc hóa thân thành bác sỹ Tường, có thể Mr Đàm cũng muốn thể hiện sự khinh rẻ và kinh tởm đối với bộ mặt ác quỷ đằng sau chiếc áo blouse trắng kia. Đó cũng có thể coi là một cách mà các nghệ sỹ thể hiện thái độ của mình đối với sự tàn ác, vô cảm của một bộ phận những người mang danh “từ mẫu”.
Việc hóa trang thành bác sỹ Cát Tường có thể coi là việc làm bình thường trong lễ hội hóa trang Halloween |
Điều đó có nghĩa, Đàm Vĩnh Hưng không “đáng” phải chịu sự chỉ trích của dư luận bởi một “trò đùa” vô thưởng vô phạt trong một lễ hội hóa trang đầy màu sắc kinh dị ấy.
Dù sự việc không có gì đáng nói nhưng Mr Đàm vẫn trở thành tâm điểm của dư luận. Nhiều người cho rằng Mr Đàm có văn hóa ứng xử kém, thiếu văn hóa, vô cảm,… khi mặc trên mình chiếc áo của thủ phạm gây ra vụ án chấn động trong và ngoài nước.
Việc bị chỉ trích ngay cả với những sự việc không đáng có khiến chúng ta phải đặt vấn đề: Vì sao độc giả lại chỉ “ném đá” Đàm Vĩnh Hưng?
Trong các bài trả lời phỏng vấn trước, Mr Đàm thường đặt ra “nghi vấn” người ta muốn “mượn” tên tuổi của anh để gây sự chú ý. Phải chăng, trong trường hợp này, Mr Đàm cũng đang bị “mượn tên tuổi”? Dù vẫn là một cái tên “hot” nhưng Mr Đàm đã bị “xuống dốc” rất nhiều trong vài năm trở lại đây. Anh không còn đủ sức “hô mưa hoán vũ” như thời còn hoàng kim nữa. Những scandal không mấy hay ho đã làm cho hình ảnh của Mr Đàm xấu đi rất nhiều trong mắt người hâm mộ. Do đó, sẽ là ưu ái cho Mr Đàm nếu cho rằng, các tờ báo, các trang mạng xã hội vẫn tha thiết với chuyện “mượn tên tuổi” của anh để câu view hay gây sự chú ý.
Phải chăng, sau những scandal “hôn sư”, từ mặt những người thẳng thắn “phê bình” giọng hát của mình như Nguyễn Ánh 9, Thanh Lam,…Hình ảnh của Mr Đàm trở nên quá xấu xí. Và, người ta lên án Đàm Vĩnh Hưng theo kiểu mà các cụ ta đã đúc kết “ghét nhau ghét cả đường đi lối về”? Sẽ là hồ đồ khi cho đó là lý do. Bởi dư luận là tất cả nhưng cũng chẳng là ai. Điều đó cũng có nghĩa, không có một sự “ghét” hay “yêu” một cách tuyệt đối của cái gọi là dư luận. Và khi dư luận đã phản đối, cũng có nghĩa là người bị “ném đá” phải xem lại bản thân một cách nghiêm túc và cầu thị. Mọi sự hối lỗi chân thành sẽ được dư luận ghi nhận và bao dung.
Nguyên nhân khiến Đàm Vĩnh Hưng bị ném đá xuất phát từ chính bản thân anh |
Cũng có người cho rằng, sự phản đối Đàm Vĩnh Hưng chỉ là cách phản ứng “dây chuyền”. Bởi trong suốt một chuỗi sự kiện gần đây, Mr Đàm luôn là tâm điểm của sự chỉ trích. Nhiều người cố gắng “xăm soi” để tìm ra kẽ hở của Đàm Vĩnh Hưng mà “ném đá”. Nhưng tại sao chỉ mỗi Đàm Vĩnh Hưng bị cái gọi là phản ứng dây chuyền ấy? Có rất nhiều nghệ sỹ cũng dính scandal liên tiếp và họ cũng có sức nóng không kém gì Đàm Vĩnh Hưng. Vậy sao họ không bị “phản ứng dây chuyền” bủa vây?
Tất cả các nguyên do trên đều cho thấy, nguyên nhân thực sự xuất phát từ chính bản thân Đàm Vĩnh Hưng. Sự tự tin thái quá cùng những chiêu trò gây sự chú ý của anh đã không còn hiệu quả như xưa. Nói cách khác, Đàm Vĩnh Hưng không còn ở trên vị trí của một “ông hoàng” để tha hồ hô mưa hoán vũ nữa. Chính vì vậy, những chiêu trò của anh (nếu là trước đây sẽ được tung hô) trở thành trò lố. Không ít người cảm thấy “chướng tai gai mắt”. Đó có thể là nguyên do khiến Đàm Vĩnh Hưng bị “soi” nhiều hơn so với những nghệ sỹ khác.
Cũng có thể, “văn hóa ứng xử” của Đàm Vĩnh Hưng thực sự có vấn đề. Nếu chỉ có một việc Mr Đàm mặc áo blouse Cát Tường thì anh sẽ không bị ném đá. Nhưng khi người ta xâu chuỗi những sự việc từ khi anh “hôn sư”, "ăn miếng trả miếng" với nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 đến khi tạo dáng chụp hình trong lễ tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp thì việc mặc áo blouse vừa qua bị quy về phạm trù “văn hóa ứng xử” là điều dễ hiểu. Hơn nữa, cách Mr Đàm đùa vui với chiếc áo blouse Cát Tường trong khi nạn nhân của vụ án vẫn chưa tìm thấy xác khiến người ta cảm thấy xót xa. Nó lý giải vì sao Mr Đàm ngay lập tức phải “hứng đá” từ hành động có phần “vô tư” của mình.
Công bằng mà nói, những phản ứng gay gắt của một số người với Đàm Vĩnh Hưng trong lễ Halloween vừa rồi có phần hơi quá. Tuy nhiên, qua sự việc này, Đàm Vĩnh Hưng cũng nên nhìn nhận lại những việc làm của mình trong thời gian qua. Chỉ khi lấy lại được lòng tin và sự yêu mến của khán giả, anh mới có thể giúp mình thoát khỏi những rắc rối không đáng có.
Theo GDVN.