Trung tâm chiếu phim quốc gia vừa công bố điều tra xã hội học về nhu cầu thị hiếu khán giả xem phim Việt Nam. Kết quả điều tra cho thấy, phim Việt Nam dường như đã “án ngữ” trong lòng khán giả về những cái dở.
Chỉ có 13% khán giả chọn phim Việt
Điều tra chỉ thực hiện trên một quy mô vừa tại các rạp chiếu của Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh trong thời gian từ 20/11 - 20/12/2008, nơi có phần lớn khán giả tiếp xúc thường xuyên với phim chiếu rạp. Báo cáo cho thấy, khi so sánh giữa phim Việt Nam với các “ông lớn” như Mỹ, Trung Quốc, Hồng Kông, Hàn Quốc thì những cái “dở nhất” luôn thuộc về phim Việt Nam.
Việc khán giả không mặn mà và “chê không tiếc lời” với phim Việt là “chuyện thường ngày”. Và, những con số cụ thể được nêu trong điều tra này khiến các nhà làm phim Việt không thể không suy nghĩ.
Trong số 5.000 phiếu phát ra chỉ có 650 phiếu muốn xem phim Việt Nam, chiếm 13% với những cảm nhận mà nhiều nhà làm phim phải “chịu chết”. Cụ thể có, 49% số khán giả cho rằng phim Việt không gây được ấn tượng sâu sắc, thoại phim còn sáo rỗng, không thật.
Đặc biệt có đến 65% số khán giả trẻ đến rạp cho rằng ít phim Việt có nội dung phù hợp với giới trẻ hiện đại, kịch bản sơ sài, thiếu tính logic, người xem dễ đoán trước được ý tưởng của phim và kết quả sẽ diễn ra trong phim.
Điều tra cũng cho thấy, khán giả đến rạp xem phim không chỉ để thưởng thức một tác phẩm nghệ thuật mà còn để giải trí. Vì thế, “sao đẹp” đã trở thành một yếu tố để hút khán giả. Vậy nhưng, nhiều khán giả cho rằng, phim Việt chưa tạo ra được “thần tượng”, trang phục của diễn viên không hấp dẫn, cảnh phim không đẹp.
Những bộ phim hiện đại thì có phong cách lai tạp của Hàn Quốc, Trung Quốc... Diễn viên không sống bằng cuộc sống của nhân vật nên không thuyết phục người xem.
Làm được phim hay bây giờ là điều... phi thường
Trong khi điện ảnh Việt Nam đang tìm hướng đi thì xu hướng làm phim theo thị hiếu là cách để tạo thói quen đến rạp cho khán giả. Thị hiếu ở đây cũng được xác định rõ là cho giới trẻ, bởi lứa tuổi từ 15-25 chiếm tới 65%. Vì thế, những phim về đề tài chiến tranh, lịch sử khó thu hút khán giả khi chiếu rạp.
Ông Ngô Thảo - Phó giám đốc hãng phim BHD kể: “Có một nhà báo nói với tôi rằng tại sao lại làm một bộ phim rẻ tiền như “Đẹp từng centimet”. Nếu muốn kiếm tiền thì tốt nhất là nên đầu tư vào bất động sản chứ đừng làm những bộ phim phản cảm chỉ cởi và hôn như thế”. Chúng tôi biết phim của mình làm ra vẫn còn nhiều ý kiến chê nhưng do thị hiếu của khán giả thì vẫn phải làm".
Trong hoàn cảnh hiện nay, nếu làm được một bộ phim Việt Nam hay là một điều... phi thường. Kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long sắp đến mà cả nước không làm nổi một bộ phim về Lý Thái Tổ, nguyên nhân có nhiều nhưng chủ yếu vẫn là vì chúng ta không có phim trường. Suy rộng ra nghĩa là chúng ta thiếu tiền, thiếu tài năng để làm phim có chất lượng.
Không đủ điều kiện để sản xuất một bộ phim theo ý mình là cái khó chung của các nhà làm phim tư nhân bởi họ phải được đảm bảo bằng việc phim phải có khán giả và có lợi nhuận. Nhưng vì mải chạy theo bài toán thương mại mà các nhà làm phim cũng quên mất làm thế nào để giữ chân khán giả.
Nhiều bộ phim làm ra được quảng cáo đình đám nhưng khi xem phim nội dung không như mong đợi khiến khán giả thất vọng và cảnh giác với những màn quảng cáo cho phim sau.
Bà Đinh Thị Thanh Hương - Giám đốc Hãng Thiên Ngân cho rằng: “Một bộ phim chỉ có vài tỉ thì khó mà làm cho hay được. Chúng tôi sẵn sàng bỏ ra 30-40 tỉ để làm phim nhưng thị trường Việt Nam hiện nay chưa đáp ứng được nên khả năng thua lỗ là rất lớn”.
Đã có nhiều cuộc hội thảo đi tìm câu trả lời cho việc “làm thế nào để có một bộ phim hay?”. Câu trả lời là, nếu đầu tư cả triệu đô la để làm phim thì chúng ta cũng chưa thể làm nên những siêu phẩm như Hollywood được. Vấn đề chính là chúng ta thiếu những tài năng. Và vì thế, để trả lời cho câu hỏi đó thuộc về những người làm ra điện ảnh chứ không phải vấn đề kinh phí.
Theo Gia đình và xã hội.