"Nếu đem lồng tiếng Hàn, tiếng Thái, tiếng Hoa vào các phim đang thịnh hành ta không còn nhận ra đó là phim Việt Nam hay phim Hàn Quốc, phim Hồng Kông hay phim Thái Lan", ĐD Đặng Nhật Minh.
Sáng 30/8, Hội Điện ảnh Việt Nam, Trung tâm nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam cùng Hội đồng Lý luận VHNT trung ương đã tổ chức hội thảo "Tính dân tộc trong phim truyện Việt Nam".
Hơn 20 bài tham luận của nhiều nhà phê bình, nhà báo, nhà biên kịch, nhà làm phim được tập hợp trong một cuốn tài liệu dày cộp. Rất nhiều vấn đề được đặt ra và mổ xẻ nhiều chiều, từ nội dung phim, trang phục, nhạc phim, những điều nổi cộm của điện ảnh hiện tại. Tuy nhiên, do chủ đề cuộc hội thảo đặt ra quá rộng, có tầm bao quát và mang ý nghĩa tổng kết chặng đường 60 năm của điện ảnh Việt Nam nên vô hình chung lại thiếu những trọng tâm, nhiều bài tham luận quá lan man.
Và thật đáng tiếc, hầu hết những người tham gia chủ yếu chỉ đọc lại tham luận đã có sẵn khiến không khí trở nên tẻ nhạt và đến khi kết thúc hội thảo thì đã có quá nửa người ra về.
Phim độc hại ngày càng nhiều
Cảnh "nóng" trong phim "Mùa hè lạnh" được nhắc đến ngay ở đầu cuộc hội thảo như một sự lai căng. |
NSND Đặng Nhật Minh dù không tới hội thảo do ông đang ở Hàn Quốc nhưng các bộ phim nổi tiếng ông làm như Bao giờ cho đến tháng mười, Thương nhớ đồng quê, Đừng đốt... lại được nhắc đến rất nhiều trong các bài tham luận bởi những bộ phim ông làm tiêu biểu cho chất Việt Nam và tính dân tộc. Đạo diễn Đặng Nhật Minh cũng dùng những lời lẽ khá mạnh và thẳng thắn trong bài tham luận của mình gửi đến hội thảo.
"Mãi đến bây giờ, thời mở cửa, khi mấy chữ "lợi nhuận", "thị trường", "đầu vào, đầu ra"... luôn được nhắc đến trên cửa miệng của mọi người, khi phim ảnh, đĩa phim ngoại nhập tràn ngập khắp thôn cùng xóm vắng, khi một số nhà làm phim đua nhau bê lên màn ảnh đủ mọi thứ lai căng bắt chước, thậm chí cóp py nguyên xi cả cốt truyện của nước ngoài thì khái niệm bản sắc dân tộc, những thuộc tính của nó, vai trò quan trọng của nó mới được nhắc đến", ông nói.
Chính xu hướng thương mại đang thịnh hành trong điện ảnh VN hiện nay đã làm lu mờ tính dân tộc trong phim ảnh vốn có một thời. Vị đạo diễn 75 tuổi dẫn chứng: "Nếu đem lồng tiếng Hàn, tiếng Thái, tiếng Hoa vào các phim đang thịnh hành ta không còn nhận ra đó là phim Việt Nam hay phim Hàn Quốc, phim Hồng Kông hay phim Thái Lan. Không thể tìm thấy tính dân tộc trong những phim 'hàng nhái' ấy".
Ông thừa nhận 'trong các phim mà tôi đã làm, dù còn rất nhiều yếu kém và bất cập nhưng đó không phải là phim Hồng Không, Đài Loan, Hàn Quốc, hay Hollywood. Phim của tôi làm là phim Việt Nam".
GS Hoàng Chương cũng đồng tình với quan điểm này: "Tính dân tộc trong phim truyện VN là linh hồn, là xương sống của điện ảnh VN tức là điện ảnh của ta chứ không chấp nhận những cảnh lai căng đầu Ngô, mình Sở". Ông nhận xét: "Những bộ phim mang tính dân tộc ngày càng ít, ngược lại dòng phim thương mại, phim độc hại chịu ảnh hưởng mảng tối của văn hóa nước ngoài ngày càng nhiều".
Lỗi tại khán giả hay tại nhà sản xuất?
Đạo diễn Vũ Xuân Hưng nhận xét: "Đặc biệt trong những năm gần đây, khi nhà nước hạn chế đầu tư cho điện ảnh, còn điện ảnh tư nhân lại ngày càng phát triển thì xuất hiện một xu hướng không mấy tốt lành cho điện ảnh Việt Nam. Đó là tính dân tộc trong rất nhiều tác phẩm bị mờ nhạt, bị mất hẳn, thậm chí bị sai lạc, bị lợi dụng".
"Hello cô ba", bộ phim được xếp vào hàng siêu nhảm lại đạt kỷ lục doanh thu Tết 2012 với hàng chục tỉ đồng. |
Đạo diễn Vũ Xuân Hưng cho rằng một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng này chính là một bộ phận khá lớn khán giả, nhất là khán giả trẻ không hứng thú với những bộ phim có tính dân tộc đậm nét mà chỉ hướng tới những bộ phim giải trí thuần túy, trong đó có không ít phim có chất lượng nghệ thuật nhạt nhòa, thậm chí thấp kém.
"Không may là số khán giả này lại quyết định không nhỏ tới doanh thu của các rạp và tất nhiên là tới cả doanh thu của các nhà đầu tư làm phim, khiến họ không dám mạo hiểm đầu tư vào những dự án phim có hàm lượng tính dân tộc cao, còn các chủ rạp cũng không mấy mặn mà với loại phim này".
Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến việc càng ngày càng có nhiều phim được sản xuất nhưng không mấy người nhớ tên. Những bộ phim có doanh thu "khủng" được nhắc đến ở một thời điểm nào đó về độ "hot" ngoài phòng vé nhưng nhanh chóng bị quên lãng chỉ trong một thời gian ngắn. "Chỉ còn lại với thời gian những tác phẩm chứa đựng thân phận, tính cách của những con người Việt Nam, trên mảnh đất Việt Nam trong những thời điểm nhất định của Việt Nam", NSND Đặng Nhật Minh nói.
Nhiều phim Việt rất "hot" trong nước nhưng mang ra nước ngoài không ai mua. |
Tuy nhiên, tính dân tộc cũng có "biểu hiện hai mặt" của nó. Nhà biên kịch Đoàn Tuấn đã đưa ra nhiều ví dụ trong phim Việt về những cảnh quay, những tình huống dù người Việt xem ai cũng hiểu nhưng lại khó hiểu với khán giả nước ngoài. Thậm chí nhiều phim truyền hình khá hấp dẫn và "hot" ở VN như Ma Làng, Gió làng Kình, Chạy án... nhưng khi mang sang Hội chợ phim Hồng Kong bán thì không ai mua. Nhiều phim của Phillipines, Singapore, Thái Lan... đang chiếu trên kênh Today TV thì lại thu hút rất đông khán giả.
"Những nhà làm phim của ta đang gặp bức tường lớn là câu chuyện mà họ kể khiến người nước ngoài khó hiểu. Trong khi đó, những nhà làm phim của Singapore hay Phillipines không gặp phải vấn đề này. Phải chăng tính dân tộc có những hạn chế mà chúng ta cần tìm cách vượt qua để hội nhập?", NBK Đoàn Tuấn đặt câu hỏi.
Xin mượn lời của NSND Đặng Nhật Minh thay cho lời kết: "Đã có nhiều hội thảo được tổ chức để bàn về việc giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc trong phim ảnh Việt Nam nhưng xem ra guồng máy lạnh lùng của thị trường phim ảnh vẫn im lặng mỉm cười như muốn nói rằng: Các anh bàn cứ bàn, hội thảo thì cứ hội thảo, dân tộc hay không dân tộc tôi không cần biết, làm sao moi được thật nhiều tiền trong túi người xem, đó là việc của tôi". Bởi "Hình như tất cả đều là những việc làm trong bốn bức tường, viết trên giấy hoặc nói cho nhau nghe trong lúc guồng máy hoạt động của điện ảnh và văn nghệ nói chung lại vận hành theo một quy luật khác".
Theo Vietnamnet.