6 học sinh Việt Nam dự IMO 2024. Ảnh: MOET
Tại Olympic Toán học quốc tế (IMO) diễn ra ở Anh cách đây một tuần, đội tuyển Việt Nam giành hai huy chương bạc, ba đồng, một bằng khen; đứng thứ 33 trên 108 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Không chỉ tụt hạng, đây cũng là thành tích thấp nhất trong 50 năm Việt Nam tham gia sân chơi này.
Lý giải, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng nhiều chuyên gia cho rằng nguyên nhân chính là cấu trúc đề thi năm nay không phủ hợp với thế mạnh của học sinh Việt Nam.
Các thí sinh trải qua hai ngày thi chính thức, mỗi ngày giải ba bài toán trong 4,5 tiếng. Điểm tối đa cho mỗi bài là 7. Quy tắc ma trận đề như sau: bài 1 và 4 ở mức độ dễ, 2 và 5 trung bình, còn 3 và 6 khó. Các bài 1, 2, 4 và 5 phải đủ bốn chủ đề đại số, số học, tổ hợp và hình học.
TS Hà Duy Hưng, Tổ trưởng tổ Toán, trường THPT chuyên Đại học Sư phạm, đồng thời là quan sát viên tại IMO 2024, cho biết học sinh Việt mạnh hình học, nhưng năm nay đề thi chỉ có một bài hình (bài 4), lại ở mức dễ. Năm ngoái, số bài hình là hai. Trong khi đó, đề có tới hai câu tổ hợp, ở mức trung bình (bài 5) và khó (bài 3).
"Học sinh giải bằng tiếng Việt, sau đó các thầy dịch lại", thầy Hưng nói. "Những bài tổ hợp phải làm tới 6-7 trang trong thời gian ngắn, khi dịch sang tiếng Anh, bản dịch sẽ rất khó thuyết phục ban giám khảo".
Dù barem chấm có cho điểm quá trình, nhưng nếu thí sinh không làm trọn vẹn, hoặc ra kết quả không giống với đáp án, bài gần như không có điểm. Thầy Hưng lấy ví dụ với trường hợp của Trần Duy, em làm được một nửa bài 3 theo đúng hướng, nhưng chỉ được chấm 2 trên 7 điểm.
"Với hai bài này, bạn nào làm được sẽ đạt tối đa, còn không thì chỉ 1-2 điểm", thầy nói.
Ngoài ra, phương trình hàm số cũng là sở trường của đội tuyển Việt Nam, nhưng năm nay, câu hỏi này (bài 6) có cách ra đề mới, lại ở mức cực khó, nên chỉ 3 trên 6 học sinh giành 1-2 điểm.
Trần Duy, học sinh trường THPT chuyên Đại học Sư phạm, giành huy chương bạc với 24 trên 42 điểm, cao nhất đoàn Việt Nam năm nay, cho biết bản thân học tốt tổ hợp, nhưng cũng "không thể vượt qua được" bài 5. Duy đánh giá câu hỏi này dễ khiến thí sinh hiểu lầm và giải sai hướng.
Đức Anh, bạn cùng trường và cùng đi thi với Duy, lại có sở trường về hình học, nên không đạt kết quả như mong muốn.
"Đề khá nặng về số học và tổ hợp. Những bạn học tốt hai phần này, tương đối ổn về hình sẽ thể hiện tốt", Đức Anh nói.
Một điểm bất lợi nữa là một số học sinh trong đoàn bị ốm, ảnh hưởng phần nào tới phong độ làm bài.
Theo TS Trần Nam Dũng, Phó hiệu trưởng trường Phổ thông Năng khiếu, Đại học Quốc gia TP HCM, từ trước đến giờ, đề thi học sinh giỏi toán gồm cả đại số và hình học. Tuy nhiên, trừ cấp quốc gia, đề thi ở cấp dưới gần như không có phần tổ hợp, còn học sinh lại có xu hướng luyện theo dạng đề của từng kỳ thi. Đến khi tham gia đội tuyển để chuẩn bị cho IMO, học sinh mới được học thêm về tổ hợp nên không thể nhuần nhuyễn dạng này trong vài tháng.
Từng là thí sinh IMO năm 1983, nhiều năm tham gia bồi dưỡng học sinh giỏi, thầy Dũng nhấn mạnh cần có sự tương thích giữa đề thi các cấp.
"Hạn chế của học sinh Việt hiện nay là các em chưa có nhiều cơ hội để làm quen với dạng đề quốc tế từ sớm", thầy đánh giá, đồng thời đề xuất kỳ thi các cấp bài bản, có định hướng rõ ràng hơn, giúp thí sinh có nền vững chắc tại nhiều dạng bài.
Ngoài ra, ông cho rằng IMO góp phần khích lệ phong trào học tập chung, nhưng không nên thần thánh hóa kết quả này vì nó không đủ để đánh giá toàn diện nền Toán học của một đất nước.
"Thất bại ở IMO không có nghĩa học sinh không thể làm tốt ở những đấu trường khác", thầy nói.
IMO được tổ chức thường niên kể từ năm 1959. Việt Nam tham gia sân chơi này vào năm 1974.
Năm nay, cuộc thi được tổ chức tại Anh từ ngày 11 đến 22/7 với hơn 600 thí sinh. Tỷ lệ đạt giải chính thức là 50%, điểm đạt huy chương vàng là 29, bạc 22 và đồng 16.
Dương Tâm - Hằng Lệ
Nguồn: VNEXPRESS.NET