TS Nguyễn Sĩ Phương cho rằng: "Thế giới hiện đại không chỉ bảo vệ văn hoá nước mình mà cả văn hoá nước khác, nhất là của những dân tộc sống trong nước mình, bởi có thế mới tạo nên một kho tàng văn hóa nhân loại phong phú".
LTS: Sau khi đọc bài viết của nhà văn Đỗ Chu với tựa đề Để dân tộc không bị "diệt chủng tinh thần" trên Tuần Việt Nam. TS. Nguyễn Sĩ Phương có đôi lời bàn thêm. Để rộng đường dư luận, chúng tôi giới thiệu bài viết thể hiện góc nhìn riêng của ông. Mời độc giả suy ngẫm cùng trao đổi thêm.
Thế giới hiện đại không chỉ bảo vệ văn hoá nước mình mà cả văn hoá nước khác, nhất là của những dân tộc sống trong nước mình, bởi có thế mới tạo nên một kho tàng văn hóa nhân loại phong phú, giải thích tại sao nước Đức theo đuổi một xã hội đa văn hoá; hàng chục sắc dân nhập cư được hưởng lợi từ chính sách đó; nhiều đảng phái, chính khách, nhân vật tên tuổi tiên phong bảo vệ cho họ.
Trong khi đó, văn hoá Việt ở Đức lại trở thành nạn nhân của những quan điểm tư tưởng đối nghịch chính trị cực đoan của chính người Việt, được ông André Holst, nhà báo, phóng viên Đài Truyền hình Đức MDR, mổ xẻ, nhân vụ Chương trình ca nhạc Vietnam By Night do công ty Andresen Productions và BUI Medienproduktion đồng tổ chức, với sự tham gia của những "siêu sao" người Việt trong và ngoài nước, được chuẩn bị bài bản cho lễ ra mắt vào dịp Noel năm qua, đến phút chót buộc phải đình hoãn.
Theo ông, Văn hoá tự nó phi chính trị, có thể trong điều kiện lịch sử nhất định bị thế lực chính trị này khác chi phối, nhưng dù qua bao thể chế thăng trầm hoặc đối nghịch nhau, rốt cuộc vẫn là sản phẩm, tinh hoa dân tộc, cần phải được bảo vệ - nói theo quan niệm của người Đức, văn hoá trên chính trị.
Bài viết của ông tuy chỉ liên quan đến một vụ việc cụ thể, nhưng rất đáng tham khảo để đưa văn hoá Việt hội nhập cùng thế giới, rất cần đến vai trò của người Việt sống ở nước ngoài, nhận thức thông thoáng của chính giới về thời đại, tâm huyết của văn nghệ sỹ trong và ngoài nước!
Ông viết: Trong thời gian chuẩn bị tổ chức sự kiện "Vietnam By Night", Ban Tổ chức bất ngờ gặp phải một chiến dịch kêu gọi "tẩy chay" của Hội Người Việt lánh nạn Hamburg (HNVLN Hamburg). Đầu tiên là một tác giả được gọi là "nặc danh" vu cáo trên trang mạng của Hội rằng: ba đồng nghiệp trong Ban tổ chức, hoạt động trong vỏ bọc của những kẻ "nằm vùng chính trị".
Công ty BUI Medienproduktion đã nhanh chóng xin được trát Toà án đình chỉ tức thời đối với bài viết, lệnh bài viết phải được lấy xuống lập tức từ trang mạng của Hội, và phải chịu mọi án phí. Chưa hết, một bài được gọi là Tuyên cáo chính thức chống lại chương trình "Vietnam By Night" gửi đi bằng e-Mail và phát tán khắp nơi ở Hamburg bên cạnh những áp-phích quảng cáo.
Trong Bản Tuyên cáo này, việc tẩy chay chương trình đã được kêu gọi công khai và chụp mũ phục vụ cho chính quyền Việt Nam. Đối với bài viết này, BUI Medienproduktion một lần nữa cũng đã xin được trát lệnh Toà án đình chỉ tức thời. Bản Tuyên cáo phải được hủy bỏ trên trang mạng của Hội và tất cả những bản in phát tán công cộng phải được thu hồi.
Nhưng đã quá muộn, những người Việt Nam trong các cộng đồng Bắc Đức cảm thấy bất an qua vụ lộn xộn này, không thể hiểu hết thực hư ra sao. Việc bán vé trước ngày diễn đã bị sụp đổ. Ban tổ chức không còn cách nào khác buộc phải lùi lại chương trình sang tháng Tư năm 2010.
Với vụ bê bối bức xúc này, thực ra đã ẩn nấu điều gì đối với Ban Chấp hành Hội, vì với những chương trình ca nhạc khác trong năm 2009 ở Oldenburg hay trong năm 2008 tại Khu Triển lãm CCH ở Hamburg, đâu có lời kêu gọi tẩy chay nào; và khi Hội hữu nghị Đức-Việt Hamburg tổ chức trong Phòng Thương mại và Thủ công vào năm 2007 một Đại chương trình chỉ với những nhà tạo mẫu và nghệ sỹ đến từ Việt Nam, Hội NVLN Hamburg cũng không hề kêu gọi tẩy chay.
Vậy điều gì đã làm cho Hội đột nhiên trực tiếp cản trở một doanh nghiệp ở Đức tổ chức một chương trình văn hoá đặc sắc Việt Nam? Tại sao Ban đại diện của Hội đã công khai kêu gọi tẩy chay "Vietnam By Night" và cố tình tung ra những thông tin vu khống như vậy mà không được tìm hiểu về triết lý, nội dung, mục đích của sự kiện, hay ít ra là được hỏi qua trực tiếp ? Lẽ ra với một Hội đoàn có tôn chỉ mục đích dấn thân cho những phẩm cách tốt đẹp của con người, họ phải hiểu hơn ai hết về điều đó. Giá họ gọi điện trước, lẽ ra họ đã có thể đặt ở chỗ biểu diễn một quầy thông tin miễn phí, để có thể quảng bá hoạt động hữu ích của họ. Chúng tôi tuyệt đối không có điều gì chống lại việc tự do phát biểu ý kiến, khi nó được tranh luận công khai! Nếu thực sự, họ không có mối quan tâm về kinh tế được che dấu ở phía sau, mà tất cả chỉ thuần túy là động cơ lý tưởng, thì tôi hoàn toàn bị sốc không thể hiểu nổi !
Trò hề này của Ban Đại diện Hội hoàn toàn không nhằm vào những đối thủ chính trị của họ, mà chỉ làm tổn hại đến đất nước và những con người tuyệt vời của Việt Nam. Tôi có cảm tưởng rằng Ban lãnh đạo Hội không hiểu biết nhiều về Việt Nam ngày hôm nay và tư duy của thế hệ trẻ. Tôi nghĩ rằng, họ còn chưa rõ được những vấn đề gì cần phải được giải quyết trong nước. Đối với việc đó, những con người này đã quá xa vời với quê hương của họ - về thời gian, địa lý và tình cảm! Chiến tranh đã chấm dứt từ nhiều thập kỷ, hơn 50% người Việt trong nước chưa từng kinh qua nó.
Có thể quý ông bà trong Ban đại diện Hội chưa ghi nhận được rằng, nước Đức đã thành công như thế nào với việc thực hiện sự thống nhất trong sự tôn trọng và phẩm cách? Sự thống nhất của hai hệ thống khác nhau đến như vậy chỉ đạt được với một trong nhiều nguyên nhân cực kỳ quan trọng là mặc dù có những dị biệt về chính trị và khác nhau về tư tưởng, từ nhiều năm trước đây đã có sự trao đổi cởi mở trong đồng bào của chúng tôi. Việc trao đổi văn hóa đều luôn quan trọng đối với cả hai bên.
Ví dụ, khi ở Tây Đức có buổi trình diễn của nghệ sỹ đến từ CHDC Đức, họ được đón tiếp ở đây bằng những vòng tay mở rộng và sự chân thành thực sự. Ngay cả khi chính quyền Đông Đức cho phép, thậm chí hỗ trợ những buổi trình diễn của nghệ sỹ Tây Đức qua, để thu ngoại tệ, đã không bao giờ có cảnh một người Đức kêu gọi tẩy chay một người Đức, cản trở buổi trình diễn của họ! Và qua những kỳ Thế vận hội chúng ta cũng đã biết được rằng, kêu gọi tẩy chay làm sức ép chính trị tuyệt đối không mang lại điều gì !
Tôi nghĩ rằng, HNVLN Hamburg, qua thái độ của họ, đã bỏ qua một cơ hội rất lớn để được coi trọng về mặt xã hội chính trị trong tư cách của một Tổ chức nghiêm túc. Những thành viên của Ban Đại diện sống trong thế giới này nhưng muốn tước đi ở những người đồng hương, những nghệ sỹ đến từ Việt Nam, quyền "Tự do chọn lựa" và qua đó tự tách rời mình khỏi xã hội chúng ta. Hành động này chẳng danh giá gì và hoàn toàn xa lạ với những thành tựu tinh thần của xã hội châu Âu.
Theo Tuanvietnam.