Bài viết của hoạ sỹ Trịnh Cung đương nhiên không làm thay đổi bất cứ điều gì về con người và tác phẩm của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn. Bởi sự chứng minh có sức mạnh và ý nghĩa nhất của một nghệ sỹ chính là tác phẩm của con người nghệ sỹ đó.
Bài viết của hoạ sỹ Trịnh Cung về nhạc sỹ Trịnh Công Sơn trên một trang web nước ngoài đang gây lên phản ứng dữ dội của những người yêu nhạc Trịnh, của các văn nghệ sỹ và trí thức Việt Nam. Mỗi người có một cách phản ứng khác nhau, nhưng đều tập trung vào ba điều cơ bản:
Một: Khẳng định tài năng và nhân cách của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn;
Hai: Khẳng định những sự kiện trong bài viết mà hoạ sỹ Trịnh Cung đưa ra để chứng minh luận điểm của ông là hoàn toàn sai sự thật;
Ba: Khẳng định một nhân cách kém cỏi của hoạ sỹ Trịnh Cung và mục đích không trong sáng trong bài viết của ông về nhạc sỹ Trịnh Công Sơn.
Với tôi, bài viết của Trịnh Cung về nhạc sỹ Trịnh Công Sơn có thể coi là thể loại chân dung, và tôi muốn nói đến nhân cách của những người viết chân dung ở Việt Nam trong những năm gần đây mà cụ thể là nhân cách viết chân dung của hoạ sỹ Trịnh Cung.
Viết về người đã khuất phải thận trọng và có lương tâm
Trịnh Công Sơn cùng các họa sĩ Đinh Cường, Trịnh Cung và nhạc sĩ Văn Cao (năm 1987) |
Quả thực, nhân cách của hoạ sỹ Trịnh Cung lâu nay đã được các văn nghệ sỹ bàn đến khi có những liên quan. Không ít văn nghệ sỹ đã cảnh báo những ai đó hãy cẩn trọng khi có quan hệ với hoạ sỹ Trịnh Cung.
Họ sợ sự phản bội bạn bè mà hoạ sỹ Trịnh Cung đã từng làm với những đồng nghiệp của ông. Nhưng chưa một ai viết về những chuyện đó và đưa lên báo chí cả.
Cho dù thái độ cá nhân của họ như thế nào với Trịnh Cung nhưng khi viết về một con người đặc biệt là con người đó đã mất thì càng phải thận trọng và có lương tâm.
Chỉ khi hoạ sỹ Trịnh Cung công khai viết về một người mà ông vẫn thường tuyên bố rằng đó là một người tri âm tri kỷ của mình, nhạc sỹ Trịnh Công Sơn thì dư luận mới lên tiếng.
Trước đó, trong không ít bài viết của hoạ sỹ Trịnh Cung liên quan đến những văn nghệ sỹ khác, người ta luôn luôn thấy ở đó một thái độ hằn học.
Mới đây, với những gì mà hoạ sỹ Trịnh Cung đã trả lời phỏng vấn trên báo , ông cũng đã gây ra những phản ứng gay gắt của các văn nghệ sỹ nhất là các văn nghệ sỹ ở TP.HCM.
Họ cho rằng: hoạ sỹ Trịnh Cung không đủ tư cách để dạy người khác phải ứng xử với nhau có văn hoá như thế nào. Vì ông ấy đã ứng xử một cách phi văn hoá với bạn bè lâu nay.
Nhưng trong bài viết của mình, tôi không bàn sâu đến chuyện đó. Bởi nếu tôi kể ra những câu chuyện tôi nghe được về Trịnh Cung hay phỏng vấn những người đã từng chứng kiến nhân cách của hoạ sỹ này thì bài viết của tôi sẽ gây cho bạn đọc một cảm giác tôi đang không công bằng với ông. Tôi chỉ đề cập đến những gì ông viết trong bài về nhạc sỹ Trịnh Công Sơn.
Trong bài viết của mình, hoạ sỹ Trịnh Cung dựng chân dung nhạc sỹ Trịnh Công Sơn là một kẻ tham vọng làm quan cả trong thời gian trước và sau năm 1975. Nhưng vì không được tin dùng nên nhạc sỹ Trịnh Công Sơn đã chán chường và buông xuôi.
Cách nhìn nhận này của hoạ sỹ Trịnh Cung về nhạc sỹ Trịnh Công Sơn đã xuyên suốt cả bài viết dài của ông. Đây là một nhận định sai lạc, thiếu tính khoa học và không lương thiện. Với một kẻ luôn luôn kiếm tìm cơ hội để đạt được những dục vọng của mình thì kẻ đó không thể nào có được một tâm hồn lớn như tâm hồn nhạc sỹ Trịnh Công Sơn.
Ông là một nghệ sỹ chân chính bởi những gì ông sáng tạo từ buổi đầu tiên cho tới khi giã biệt thế gian không bao giờ xu nịnh và thoả hiệp với bất cứ ai, mà ở đó chỉ vang lên giọng nói của những khát vọng chân chính và tình yêu nhân loại.
Chúng ta đều biết rằng: ngay lúc này, có hàng triệu thanh niên Việt Nam mê đắm nhạc Trịnh. Họ không biết gì về quá khứ của con người Trịnh Công Sơn. Họ chỉ biết những tác phẩm ông để lại đã đánh thức những vẻ đẹp và tình yêu thương trong họ.
Tất nhiên, cũng có những kẻ sống đầy cơ hội đớn hèn và đầy dục vọng cũng đã làm ra được một tác phẩm nào đó có cảm xúc. Việc này không có gì lạ. Tôi sẽ quay lại bàn về sự mâu thuẫn kỳ lạ giữa nghệ sỹ và tác phẩm của họ vào một dịp khác.
Với một vài “điểm đen” trong cuộc đời Trịnh Công Sơn như Trịnh Cung viết, cho dù có thật đi nữa cũng không hề làm lu mờ một chút nào tài năng và nhân cách của Trịnh Công Sơn. Nhưng tại sao Trịnh Cung lại dày vò ghê gớm đến như thế mấy chục năm để cuối cùng nói ra với một thái độ không phải là chia sẻ, không phải là thương xót và không phải là sự cảm thông, mà là một thái độ không lương thiện?
Viết chân dung để dựng lên số phận nhân loại
Viết chân dung một nghệ sỹ là thông qua con người nghệ sỹ đó dựng lên số phận nhân loại cùng với những buồn vui và những giấc mơ của nhân loại trong thời đại mà nghệ sỹ đó sống và sáng tạo. Nhưng không ít văn nghệ sỹ Việt Nam đang viết chân dung hay hồi ký hay tự truyện là nhằm bôi nhọ hay bóp méo nhân vật và dựng một nhân vật khác là chính người viết nên.
Một câu nói tục nếu có vào một lúc nào đó của Trịnh Công Sơn đâu phải là một “tư liệu” cần mang đến cho bạn đọc. Một khoảnh khắc lưỡng lự của tư tưởng nếu có trong một lúc nào đó của Trịnh Công Sơn có phải là một sự kiện quan trọng trong đời sống và sự nghiệp sáng tạo lớn lao của Trịnh Công Sơn không?
Nếu viết chân dung là đưa tất cả thượng vàng hạ cám ra thì sau này ai đó viết về Trịnh Cung mọi chuyện sẽ như thế nào? Viết chân dung, kể cả viết chân dung một người mà ta không hề yêu quí hay không cùng chí hướng, thì cũng không phải là để lăng mạ người đó để thoả mãn dục vọng thấp hèn của mình mà nhằm lý giải con người đó như lý giải cái thế giới người phức tạp này.
Khi trả lời một tờ báo nước ngoài, Trịnh Cung nói đại ý để “chúng ta vẽ lại một chân dung trung thực hơn” về Trịnh Công Sơn. Chẳng lẽ mấy câu chuyện mà Trịnh Cung đã viết ra trong bài báo của ông mới là những điều làm nên tài năng và nhân cách Trịnh Công Sơn sao?
Trong khi đó, rất nhiều người còn sống đầy tên tuổi và có lương tâm mấy ngày nay đã lên tiếng về sự bịa đặt của ông ở những câu chuyện đó.
Cứ cho rằng những điều Trịnh Cung viết trong bài viết của mình có phần đúng thì mục đích kể ra những chuyện ấy không phải là một mục đích trong sáng, nhất là khi Trịnh Cung đã từng xin HỌ của Trịnh Công Sơn. Đấy mới là vấn đề văn hoá của con người Việt Nam.
Tôi không nói hoạ sỹ Trịnh Cung là người phản bội. Nhưng hành động đó của ông cho thấy những giá trị văn hoá Việt đang bị phá vỡ một cách ghê gớm ngay trong một tầng lớp được coi là tinh hoa của xã hội.
Qua bài chân dung thấy nhân cách của người viết
Họa sĩ Trịnh Cung |
Chúng ta đều biết rằng khi đọc không ít chân dung văn nghệ sỹ Việt Nam còn sống hay đã mất được những người khác viết lại thì sẽ thấy nhân cách của những người viết.
Họ vẫn nói đến những bi đát, những lầm lạc của nhân vật nhưng vẫn làm người đọc xúc động và suy ngẫm. Bởi những chân dung đó chỉ nhằm dựng nên số phận hay bi kịch của con người phải đi qua chứ không nhằm bôi nhọ nhân cách của nhân vật.
Hai vấn đề này hoàn toàn khác nhau. Nó sẽ ở bên này hay ở bên kia chỉ phụ thuộc vào lương tâm và trí tuệ của người viết.
Một nhà văn trong những năm đói khát, đau thương, chiến tranh của cả dân tộc gặp một bữa ăn ngon đã ăn như một người không được ăn 1000 năm. Nhưng trong mắt người kể lại chuyện đó (viết chân dung) sẽ có thể rơi vào một trong hai tình trạng sau:
Một, việc ăn bữa ăn của nhân vật đó trở thành bi kịch trong những năm đói khát và chết chóc của nhân loại.
Hai, việc ăn của nhân vật đó trở thành sự nhếch nhác và thô lỗ của con người nhà văn kia. Hình ảnh của nhà văn trong cơn đói kia sẽ trở thành một trong hai tình trạng nói trên là hoàn toàn phụ thuộc vào nhân cách và tài năng của người viết chân dung. Tất nhiên qua hình ảnh nào đó của nhân vật được viết, tác giả cũng có thể nói về sự suy đồi của con người.
Hoạ sỹ Trịnh Cung nói "Sơn dễ bị những người có quyền lực, giàu có chinh phục anh". Trịnh Cung không được phép nói như vậy cho dù ông có quyền phát biểu những gì ông nghĩ. Nhưng ông mang danh một trí thức, mang danh một người thân của Trịnh Công Sơn và gia đình nhạc sỹ.
Cả hai cái “danh nghĩa” này bắt buộc ông phải suy nghĩ thật chín chắn, có trách nhiệm với hậu thế và không cho phép ông phát biểu hồ đồ như thế.
Những phát biểu miệng hay bài viết của ông về Trịnh Công Sơn thiếu tính khoa học. Ông Võ Văn Kiệt yêu quí Trịnh Công Sơn là một nét đẹp của một chính trị gia đối với một nghệ sỹ lớn.
Nhạc sỹ Trịnh Công Sơn quý trọng ông Võ Văn Kiệt là thái độ văn hoá của một nghệ sỹ với một chính khách hiểu biết văn hoá nghệ thuật và tôn trọng người làm ra nó. Tôi cho đó là một quan hệ đẹp và cần thiết ở mọi quốc gia. Hãy công bằng với mối quan hệ đó.
Hiện thực cho thấy một số văn nghệ sỹ luôn tìm cách xuyên tạc những mối quan hệ như thế.
Một nghệ sỹ kể lại cho tôi nghe ông Nguyễn Khoa Điềm khi còn làm Trưởng ban Tư tưởng Văn hoá đã gặp gỡ nhà văn Phạm Thị Hoài. Theo tôi cuộc gặp gỡ đó là để tăng sự hiểu biết và tìm một tiếng nói chung cho dù cuộc gặp đó theo dự đoán của tôi là cuộc gặp mang tính cá nhân.
Sự tiến bộ và văn minh đích thực của nhân loại theo tôi là con đường tiến tới sự gặp gỡ trong một mục đích chung giữa một chính thể với các lực lượng xã hội và đặc biệt là trí thức.
Bởi thế, kể ra quan hệ của ông Võ Văn Kiệt và nhạc sỹ Trịnh Công Sơn và với lời phát biểu ở trên cho thấy hoạ sỹ Trịnh Cung đã gián tiếp “quy chụp” Trịnh Công Sơn cả về nhân cách lẫn chính trị.
Đấy cũng là một trong những điểm tồi tệ nhất trong không ít các bài viết chân dung, trong một số cuốn hồi ký hay tự truyện xuất hiện trong những năm gần đây ở Việt Nam.
Bài viết của hoạ sỹ Trịnh Cung đương nhiên không làm thay đổi bất cứ điều gì về con người và tác phẩm của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn. Bởi sự chứng minh có sức mạnh và ý nghĩa nhất của một nghệ sỹ chính là tác phẩm của con người nghệ sỹ đó.
Trịnh Công Sơn đã để lại một gia sản tinh thần lớn cho người Việt Nam. Tôi chỉ bắt đầu biết nhạc Trịnh Công Sơn từ năm 1980, khi mà có những người đã rỉ tai tôi nói rằng đó là những nhạc phẩm phản động. Nhân loại vĩ đại nhưng cũng thường có những lúc ấu trĩ như thế. Nhưng những ấu trĩ như vậy lại sẽ qua đi và những gì thực sự là vẻ đẹp và nhân văn mãi mãi còn lại.
Cho đến bây giờ, tôi chưa một lần nhìn thấy mặt Trịnh Công Sơn và cũng chẳng biết lý lịch của ông như thế nào. Nhưng bản lý lịch chính xác nhất của một nghệ sỹ chính là tác phẩm của họ. Và Trịnh Công Sơn mang một bản lý lịch của tâm hồn và những giấc mơ về một thế giới hoà bình và tràn ngập yêu thương của chúng ta.
Đúng vào dịp kỉ niệm 8 năm ngày mất nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (1/4/2009), họa sỹ Trịnh Cung có bài viết "Trịnh Công Sơn và tham vọng chính trị", đăng trên một website hải ngoại, với lý do để: "Giải thoát cho nó khỏi ngục tù trong tôi suốt hơn 30 năm qua", dù cho có "phải bị trả giá".
Trong bài viết, họa sỹ Trịnh Cung nêu lên một số chi tiết, sự kiện và cảm xúc của riêng mình để cho rằng Trịnh Công Sơn có toan tính chính trị. Đặc biệt, những ngày trước 30/4/1975, họa sỹ này lý giải Trịnh Công Sơn từ chối ra đi vì sẽ "tham gia chính quyền được chuyển từ tay Nguyễn Văn Thiệu để thương lượng hoà bình với quân giải phóng đang bao vây Sài Gòn".
Về giai đoạn sau 1975, nhạc sỹ Trịnh Cung dẫn một số câu chuyện để đưa đến nhận định rằng: "Ý thức được rượu, phụ nữ và xu nịnh là một loại ma tuý tổng hợp đang nhấn chìm Trịnh Công Sơn được nguỵ danh dưới khẩu hiệu “Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui”.
Bài viết này đã nhận sự phản đối ghê gớm từ phía văn nghệ sĩ, độc giả trong và ngoài nước. Trên tờ Thanh Niên, nhà thơ Lê Minh Quốc cho rằng bài viết này của Trịnh Cung là "ngậm máu phun người". Nhà thơ Lê Minh Quốc coi đây là "một trong những thủ pháp nhằm PR cho tên tuổi" của Trịnh Cung.
Sau đó, rất nhiều nghệ sĩ đã lên tiếng chính thức phản đối bài viết xúc phạm Trịnh Công Sơn của họa sỹ Trịnh Cung nói trên như: nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, đạo diễn Lê Cung Bắc, họa sĩ Trịnh Thanh Tùng, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, nhà thơ Nguyễn Thái Dương, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, nhạc sĩ Thế Hiển, ca sĩ Ánh Tuyết, nhạc sĩ Lê Quốc Thắng...
Theo Vương Thảo