Nhà đầu tư nước ngoài khuyến nghị mở cửa trong lĩnh vực giáo dục.
Trong khi cơ quan quản lý và các chuyên gia đang đau đầu tính toán để huy động được 3 tỷ USD trái phiếu về tái cơ cấu nợ, thì một con số tương đương đang "chảy ra” nước ngoài nhằm phục vụ cho nhu cầu được học tại môi trường quốc tế.
Theo Luật Đầu tư, giáo dục được khuyến khích đầu tư cao, các cam kết WTO và văn bản hướng dẫn khác cũng cho phép tỷ lệ sở hữu của nước ngoài trong lĩnh vực lên đến 100%. Tuy nhiên, theo điều 24 của Nghị định 73 ban hành năm 2012, cơ sở giáo dục nước ngoài có thể tiếp nhận học sinh Việt Nam nhưng số học sinh ở bậc tiểu học và trung học cơ sở không quá 10% tổng số học sinh của trường và ở bậc trung học phổ thông không quá 20%. Và vấn đề mà các doanh nghiệp nước ngoài gặp phải là tỷ lệ học sinh Việt được phép học trong trường quốc tế lại tính toán dựa trên số lượng học sinh nước ngoài đăng ký học.
Quy định này đồng nghĩa trong 10 học sinh đăng ký học trong một cơ sở giáo dục quốc tế, thì chỉ có một học sinh Việt Nam được phép học. Nếu các cơ sở đầu tư nước ngoài không có đủ số lượng học sinh nước ngoài, học sinh Việt Nam cũng không được phép đăng ký học.
Ông Fred Burke - trưởng nhóm công tác Thương mại và Đầu tư thuộc VBF cho biết quy định này đã gây khó khăn cho một số nhà đầu tư nước ngoài trong môi trường giáo dục ngoài các thành phố lớn, bởi có rất ít người nước ngoài sinh sống và làm việc ngoài Hà Nội và TP HCM. Hậu quả là đầu tư nước ngoài vào giáo dục tiểu học và trung học bị khép lại tại các tỉnh, thành phố khác.
“Nhu cầu của học sinh Việt Nam được học tại trường quốc tế ngày càng tăng. Nếu Chính phủ không cho phép học sinh này học tại Việt Nam, các học sinh sẽ ra nước ngoài học", ông Brian O'Reilly - đại diện nhóm công tác Giáo dục và đào tạo đánh giá.
Trước ý kiến cho rằng nhiều học sinh Việt Nam tham gia học trường quốc tế sẽ làm mất đi bản sắc văn hóa dân tộc, ông O’Reilly nhận định điều này hoàn toàn không đúng bởi học sinh trong trường quốc tế hiện nay phải học các môn học bắt buộc như: lịch sử, địa lý, văn học, Việt Nam học và cũng hát quốc ca, chào cờ, tham gia đầy đủ các ngày lễ, lịch sử, văn hóa của Việt Nam như Tết cổ truyền, trung thu, quốc khánh…
“Điều quan trọng hơn nữa là nếu Chính phủ không cho phép học sinh này học tại Việt Nam thì họ cũng sẽ ra nước ngoài học bởi họ có nhu cầu. Và khi đã ra nước ngoài thì việc giữ gìn bản sắc dân tộc còn khó hơn”, vị này cảnh báo.
Do đó, các nhà đầu tư khuyến nghị Chính phủ nên xem xét lại quy định hạn chế tỷ lệ học sinh Việt Nam học tại các trường quốc tế theo quy định tại điều 24 của Nghị định 73. Một chính sách linh hoạt hơn sẽ phù hợp tại các địa phương có số học sinh nước ngoài ít, hoặc có thể áp dụng các quy định về kiểm định chương trình học khác nhau.
Kết quả của hành động này sẽ khiến Việt Nam cải thiện được chất lượng và đào tạo, đóng vai trò quan trọng để cung cấp một lực lượng lao động có tay nghề tốt trong bối cảnh bước vào một kỷ nguyên tăng trưởng và hội nhập mới. Báo cáo gần đây của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho thấy tỷ lệ năng suất lao động của Việt Nam năm 2013 nằm trong những nước thấp nhất trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, như thấp hơn 15 lần so với Singapore, 11 lần so với Nhật Bản, và thấp hơn so với Hàn Quốc 10 lần. Ngoài ra, một báo cáo khác cho thấy, mặc dù có sự cải thiện đáng kể trong những năm gần đây, năng suất lao động của Việt Nam vẫn tụt hậu so với các nước trong khu vực.
Theo VnExpress