Nội dung nghèo nàn, giám khảo cố lên gân để chương trình có điểm nhấn… khiến Top Model phiên bản Việt năm nay bị chê nhiều.
Cứ 20h tối chủ nhật hàng tuần, khi clip hình hiệu Xuân Lan diện váy đỏ tóc ngắn dẫn đầu các cô gái đọc khẩu hiệu Tìm kiếm Người mẫu Việt Nam: "Who wanna be on Top?" (Ai muốn trở thành siêu mẫu nào?), khán giả biết mình sắp được xem không chỉ là các thí sinh sẽ thể hiện gì mà còn là giám khảo sẽ phô diễn cá tính như thế nào.
"Tôi thấy giám khảo Xuân Lan có những gay gắt quá đáng đối với các thí sinh!", khán giả Thu Thủy, 29 tuổi, nhà ở quận Tân Bình, TP HCM, chia sẻ ..
Chẳng phải tự nhiên mà nhiều người cảm thấy dị ứng với chất giọng "lên tông" của nữ giám khảo. Từ đầu đến nay , mỗi tập thi của chương trình này đều lộ điểm yếu ở khâu kịch bản. Và một trong những yếu tố lớn dẫn đến điều này là việc xây dựng cá tính của "bộ tứ quyền lực" chưa thỏa mãn người xem.
"Bộ tứ quyền lực" từ trái qua: Nhà thiết kế Đỗ Mạnh Cường, Xuân Lan, Nam Trung và nhiếp ảnh gia Phạm Hoài Nam. |
Giữ vai trò host, hình ảnh Xuân Lan được xây dựng bao trùm lên toàn bộ chương trình: từ clip hình hiệu, những buổi rèn cặp thí sinh catwalk cơ bản đến nâng cao, đánh giá và loại... Cô là người phải nói nhiều, bộc lộ tính cách nhiều so với 3 vị giám khảo nam còn lại. Chỉ có điều, kịch bản chương trình chưa hoàn thiện ở chỗ xây dựng tính cách của nữ giám khảo có nhiều khi thất thường, gây khó chịu cho người xem.
Ở tập đầu tiên, khi thí sinh Ngọc Thúy còn lúng túng và thể hiện chưa tốt phần thi photoshoot, Xuân Lan tỏ vẻ bực dọc bảo cô bước ra khỏi phòng thi vì cô không muốn thấy thí sinh này nữa… Ngay sau đó, ở phần chia sẻ bên lề vòng sơ khảo, Xuân Lan cho biết cách cô phản ứng hay tỏ thái độ với thí sinh đều có mục đích và lý do riêng, cũng như tuân thủ đúng nội dung chương trình. Và khán giả chỉ có thể biết được mục đích này khi tiếp tục theo dõi cuộc thi ở các tập sau. Tuy vậy, chẳng có lời giải thích nào về sau. Nguyên nhân của sự gay gắt nói trên cũng bị bỏ lửng.
Ở tập 3, vào nửa đêm, giám khảo Xuân Lan và Nam Trung đập cửa phòng thí sinhđể yêu cầu họ thức dậy trong đêm rèn luyện catwalk. Nhưng những bài tập các giám khảo thị phạm lại quá đơn giản khiến cho tình huống được dựng nên chẳng có gì "khẩn cấp" đến mức phải hành xử như thế.
Công bằng mà nói, Xuân Lan vẫn được xây dựng với hình ảnh một nữ giám khảo tận tâm với các thí sinh. Tuy vậy, một vài cử chỉ, lời dạy ân cần không đủ khỏa lấp hình ảnh chanh chua của nữ giám khảo. Người xem vẫn nhớ nhiều hơn về một Xuân Lan mặt lúc nào cũng khó đăm đăm, tay khoanh trước ngực, hoặc lăm lăm thước kẻ trong tay...
Những cụm từ mà giám khảo Nam Trung, Xuân Lan thường dùng ở các tập thi cũng cho thấy họ luôn đặt mình ở thế bề trên. "Tôi rất thích”, “Tôi rất thất vọng về em..”, "Khá khen cho em...". Đỉnh điểm của điều này là câu nói quá lố của Xuân Lan ở tập 6 chương trình với thí sinh Thiên Trang: “Tôi rất công bằng, có công thì thưởng, có tội thì trừng. Và tuần này, tôi có lời khen dành cho sự tiến bộ của em!”. Việc dự thi của một thí sinh không là gì đến phải mang tội hoặc đem lại công trạng cho một chương trình. Có thể đây là cách ví von của nữ người mẫu để nói về những điểm được và chưa được ở cô gái trẻ này. Nhưng cách Xuân Lan nghiêm mặt, buông từng từ với giọng đanh thép đã làm cho lời cô nói trở nên trịch thượng, khó nghe.
Dường như giám khảo quên rằng, các cô gái vẫn là những cá thể độc lập, họ tham dự một chương trình để được khơi gợi khả năng, tố chất tiềm ẩn chứ không phải để đi xin xỏ một cơ hội đổi đời.
Những gì Xuân Lan thể hiện trong show truyền hình thực tế này không hẳn là tính cách thật sự của cô ngoài đời. Với một phiên bản được Việt hóa từ chương trình của Mỹ, dễ hiểu cuộc thi cần có một dấu ấn đậm từ người host. Chỉ không may cho Xuân Lan, "nhân vật nữ giám khảo khó tính" mà cô cần thể hiện được dàn dựng thiếu tinh tế khiến cho sự việc được nhìn theo chiều hướng phản cảm.
Không chỉ vậy, việc giữa "bộ tứ quyền lực" không có nhiều tranh luận, tranh cãi mang tính chuyên môn khi nhận xét và loại thí sinh cũng khiến cho phần đánh giá, phân loại các cô gái trở nên nhạt. Việc thiếu vắng sự góp mặt của các khách mời chuyên môn từ giới thời trang (chứ không phải là khách mời từ nhà tài trợ) như Vietnam's Next Top Model đang diễn ra cũng khiến cho gánh nặng chuyên môn của Nam Trung và Xuân Lan nhiều hơn. Trong khi đó, nhiếp ảnh gia Phạm Hoài Nam và nhà thiết kế Đỗ Mạnh Cường tiếp tục giữ im lặng, ngắm nhìn hơn là nói.
Chỉ với hai gương mặt chủ đạo này trong suốt hai mùa giải, chương trình sẽ khó có thể thổi được không khí thời trang sôi động đương đại vào các concept cũng như mài giũa thí sinh trở thành những "Top Model" như mong muốn. Điều này khác với phiên bản gốc khi America's Next Top Model thường mời những siêu mẫu, stylist, nhà thiết kế đình đám góp mặt để tăng thêm tính hấp dẫn.
Mùa giải năm nay của chương trình còn cho thấy sự không chuyên nghiệp với nghi án lộ kết quả top 6 khi mới đi hết tập 4. Và đến lúc này, nghi án được chứng minh là hoàn toàn có căn cứ khi 6 cô gái: Thiên Trang, Mỹ Vân, Dương Thanh, Ngọc Thúy, Nhã Trúc, Mai Giang hiện tại đều nằm trong top 10 chung cuộc.
Với một cuộc thi thời trang thì tất nhiên yếu tố thời trang cần phải được đặt lên hàng đầu. Tuy vậy, nhiều thử thách mà các thí sinh phải trải qua lại bị khán giả chê là "phản thời trang". Màn biểu diễn catwalk trên mặt nước ở tập 7 và màn chụp ảnh với rắn lục lá là ví dụ cho điều này. Thí sinh diễn thời trang ở hồ bơi, trên mặt nước mà trang phục, tóc tai và bối cảnh đều không phù hợp. Thay vì sự trẻ trung, phô vóc dáng, khán giả chỉ thấy những cô gái được quấn trong mớ vải lùng nhùng, tóc tai bù xù, lúng túng trước những chướng ngại vật luôn sẵn sàng đập vào họ. Tất cả những dàn dựng này tất yếu dẫn đến chuyện có người sẽ ngã nhào đúng ý đồ của chương trình.
Ở cuộc thi Tìm kiếm Người mẫu Việt Nam, yếu tố thời trang gần như nhường chỗ cho các chiêu trò tăng kịch tính. |
Tương tự, ở màn chụp ảnh với rắn, yếu tố đẹp và gợi cảm, hấp dẫn của một shoot hình bị lép vế so với chuyện thí sinh run sợ như thế nào khi tiếp xúc với các "bạn diễn" này.
Ở America's Next Top Model vẫn có chuyện thí sinh lóng ngóng vấp ngã, lóp ngóp dưới nước, thí sinh phải diễn trên sàn catwalk bập bênh và bị chướng ngại vật là những con lắc giả đập vào người cho rớt xuống sàn. Và thí sinh cũng chụp ảnh cùng trăn khổng lồ, đàn ong bay vo ve. Cũng có lúc nữ giám khảo Tyra Banks không ít lần nổi điên quát nạt các cô gái trẻ. Cũng có chuyện các cô gái khóc như mưa trước camera khi Tyra giả vờ công bố họ bị loại. Nhưng nhìn tổng thể, các tình huống này được dàn dựng khá tự nhiên và hợp lý chứ không lộ bàn tay dàn dựng quá nhiều như ở phiên bản Việt.
Một điểm khác khiến mùa thứ ba của Vietnam's Next Top Model bị cho là "đuối" nằm ở dàn thí sinh - yếu tố chính làm nên thành công cho một chương trình.
Ở mùa giải thứ hai, khi vào top 10, các thí sinh ít nhiều được nhớ mặt đặt tên. Lê Thúy có hơi ích kỷ, luôn nghĩ đến bản thân trước tiên. Trà My trong sáng và nhiệt huyết. Hoàng Thùy nổi bật... Hay cả "gái quê" Lê Thị Phương cũng được nhớ đến nhiều với tính cách khờ khạo và thích chơi trội... Nhìn lại mùa này, mặt bằng chung của thí sinh khá dàn trải, không ai có nét nổi bật riêng. Cộng thêm việc ngay từ đầu, mọi người đã phân loại được những ứng cử viên sáng giá khiến yếu tố hấp dẫn rõ ràng không còn như trước.
Theo VNE.