Quan niệm Chính danh của Nho gia nhằm đem lại cho xã hội sự hòa hợp giữa các giai tầng địa vị, mỗi một cá nhân đều vì tính "Chính danh" của mình mà cư xử đúng mực, đúng lễ nghi và trách nhiệm. Tuy nhiên qua thời gian dài, thuyết Chính danh lại bị tha hóa và trở thành một tệ nạn, trở thành thói háo danh, sĩ diện, gây ra nhiều hệ lụy cho sự phát triển của cá nhân và cả xã hội.
Trong lịch sử, ngay tại triều đại thịnh trị nhất, vị vua anh minh nhất mà thói háo danh đã bắt đầu xuất hiện và trở thành một câu chuyện đáng chê cười gần nghìn năm qua.
Sử cũ có chép:
“Kỷ Mão, [Thông Thụy] năm thứ 6 - 1039, (Từ tháng 6 về sau là niên hiệu Càn Phù Hữu Đạo
năm thứ 1; Tống Bảo Nguyên năm thứ 2).
Tháng 2, vua tự làm tướng đi đánh Tồn Phúc, cho Khai Hoàng Vương [Nhật Tôn] làm Giám quốc. Quân đi từ Kinh sư, qua bến Lãnh Kinh, có cá trắng nhảy vào thuyền. Đến châu Quảng Nguyên, Tồn Phúc nghe tin đem cả bộ lạc vợ con trốn vào chằm núi. Vua cho quân đuổi theo bắt được Tồn Phúc và bọn Trí Thông, thảy có 5 người. Chỉ có vợ là A Nùng, con là Trí Cao chạy thoát. Đóng cũi bọn Tồn Phúc đem về Kinh sư, sai quân san phẳng thành hào, chiêu dụ tộc loại còn sống sót, vỗ về yên ủi rồi đem quân về.
Tháng 3, vua từ Quảng Nguyên về Kinh sư, xuống chiếu rằng: "Trẫm từ khi có thiên hạ đến giờ, đối với tướng văn tướng võ cùng các bề tôi không thiếu đại tiết, phương xa cõi lánh, không đâu không đến xưng thần, mà họ Nùng nối đời giữ bờ cõi vẫn thường cúng nộp đồ cống. Nay Tồn Phúc càn rỡ tự tôn, cả tiếm vị hiệu, ra mệnh lệnh, tụ họp quân ong bọ, làm hại dân chúng biên thùy. Trẫm vâng mệnh trời đi đánh, bắt được bọn Tồn Phúc 5 tên, đều chém ở chợ kinh đô".
Trẫm vâng mệnh trời đi đánh, bắt được bọn Tồn Phúc 5 tên, đều chém ở chợ kinh đô. (Ảnh: epochtimes.com)
Mùa hạ, tháng 4, con vua Chiêm Thành là Địa Bà Lạt [cùng bọn] Lạc Thuẫn, Sạ Đâu, La Kế, A Thát Lạt 5 người sang quy phục [nước ta].
Tháng 5, động Vũ Kiến thuộc châu Quảng Nguyên dâng một khối vàng sống nặng 112 lạng.
Huyện Liên, châu Lộng Thạch, châu Định Biên tâu rằng trong bản xứ có hố bạc.
Tháng 6, bầy tôi xin đổi niên hiệu là Càn Phù Hữu Đạo và xin tăng tôn hiệu thêm 8 chữ là: "Kim Dũng Ngân Sinh, Nùng Bình Phiên Phục".
Vua nói:
"Thời Đường Ngu chỉ vạch hình mà người không dám phạm, không đánh mà khuất phục được binh của người, giũ áo khoanh tay mà thiên hạ đại trị, cho nên các sao không đi trái, sấm mưa không thất thường, chim muông đến múa, phượng hoàng lại chầu, bốn di theo về, trăm man hướng hóa, không hiểu làm sao mà được đến như thế! Trẫm là người ít đức, đứng đầu thần dân, dậy sớm thức khuya, lúc nào cũng lo sợ như lội vực sâu, chưa biết lấy đạo gì để thấu trời đất, lấy đức gì để kịp Nghiêu Thuấn.
Vừa rồi, giặc Nùng dẹp yên, Chiêm Thành quy phục. Động sinh vàng ròng, đất trồi bạc trắng, ý chừng có điều gì mà được thế chăng? Hay sắp xảy ra việc gì để cảnh cáo chăng?
Trẫm rất lo sợ, sao đáng để tôn sùng tên đẹp hiệu vinh. Lời bàn của các khanh nên đình bãi". Bầy tôi cố nài vua mới chịu nhận”.
(Theo: Đại Việt sử ký toàn thư).
Lời bàn:
Nhận xét về việc này, sử gia Lê Văn Hưu đã ghi lại vô cùng xác đáng:
“Đế Nghiêu, Đế Thuấn, Văn Vương, Vũ Vương đều lấy một chữ làm hiệu, chưa từng thấy có tăng thêm tôn hiệu bao giờ. Đế vương thời sau thích khoe khoang mới có tôn hiệu đến vài chục chữ. Nhưng chỉ lấy công đức mà xưng tụng, chưa bao giờ lấy đồ vật và tên man di xen chắp vào. Thái Tông chịu nhận cho bầy tôi dâng tám chữ "Kim Dũng Ngân Sinh, Nùng Bình Phiên Phục" làm hiệu thì việc khoe khoang lại thô bỉ nữa.
Thái Tông không có học nên không biết, nhưng bọn Nho thần dâng lên những chữ ấy để nịnh hót vua thì không thể bảo là không có tội”.
Lý Thái Tông anh minh một đời, vậy mà vì cái danh hão mà lưu tiếng xấu nghìn năm, thật chẳng đáng vậy. Ông không biết rằng người dân Nam nghìn năm sau ai cũng chỉ nhớ đến thời Thái Tông với các công tích văn trị võ công nổi tiếng, mấy ai nhớ đến các tôn hiệu nịnh bợ mà bọn bồi thần “thô bỉ” kia dâng lên cho vua đâu, quả đáng cười thay.
Minh Bảo