Bức ảnh này nằm trong bộ sưu tập của một nhà xuất bản nổi tiếng chuyên về loại hình bưu ảnh - được biểu thị bằng logo chiếc đỉnh đồng mang tên chủ nhân “Dieulefils”. Nó có chú thích là “Boulevard Dong-Khanh” (Đại lộ Đồng Khánh).

Xem và bình ảnh
Bức ảnh "Boulevard Dong-Khanh"

Mọi người có thể nhận ra đây là không gian đứng từ phía đường Đinh Tiên Hoàng ngày nay (trước kia mang tên gọi Francis Garnier, viên sĩ quan đã bị quân Cờ Đen diệt tại trận Cầu Giấy) nhìn thẳng sang con đường hiện mang tên “Hàng Bài” (trước đó đã từng có tên gọi là “Phố Huế”). Vuông góc với trục đường này là con đường từ Tràng Tiền (vốn mang tên Paul Bert - viên Toàn quyền dân sự đầu tiên ở Đông Dương) nối với phố Hàng Khay (vốn là một phường thợ khảm ốc trai nổi tiếng).

Đồng Khánh là vị vua triều Nguyễn đã ký sắc dụ chấp nhận trao Hà Nội cho chính quyền Pháp làm nhượng địa, và là cơ sở pháp lý cho việc Tổng thống Pháp ra sắc lệnh thiết lập Hà Nội thành đơn vị hành chính là thành phố (1888).

Toà nhà trung tâm với kiến trúc khá tiêu biểu của phong cách châu Âu với vòm mái ốp đá ardois vào thời điểm chụp tấm ảnh này đang là trụ sở và cửa hàng của Hãng L ‘UCIA , tức Liên hiệp Thương mại Đông Dương và Phi châu (L’ Union Commercial d’ Indochinois et Africains) về sau thuộc về Hãng Godart nổi tiếng và sau 1954 thì trở thành Cửa hàng Bách hoá Tổng hợp Tràng Tiền và hiện tại là toà nhà Hanoi Plaza.

Đồng hồ trên nóc toà nhà điểm chỉ thời gian chụp tấm ảnh này là 11h5. Tấm ảnh này đã cho thấy tương đối đầy đủ các phương tiện giao thông đô thị của Hà Nội đương thời. Xe điện là đặc trưng của Hà Nội thời thuộc địa, đến nay đã hoàn toàn vắng bóng. Chiếc xe điện chạy trên tuyến đường từ chợ Hôm tới Ga xe điện gần khu vực Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục hiện tại. Đó là 1 trong 5 tuyến xe điện từ đó toả đi các cửa ô, tạo nên một mạng lưới giao thông rất có hiệu quả gắn đô thị với vùng nông thôn xung quanh. Trên nóc tàu điện treo một tấm biển quảng cáo “Chocolat Louit”.

Dọc con đường có tàu điện ngang qua là cả dãy cột đèn được kết cấu bằng những thanh thép goc (cooc-nhe). Những chiếc “xe bò” cho người kéo vẫn trở thành phương tiện chuyên chở các vật nặng duy nhất trong đô thị, khi các loại xe hơi vào thời điểm này còn  hiếm. Khá phổ biến là loại xe tay (pouse-pousse) do người phu của các hãng thầu, trở thành phương tiện dịch vụ vận chuyển chủ yếu tồn tại cho đến giữa thế kỷ XX mới đuợc thay thế bằng xích lô. Vào thời điểm này, đã có xe hơi và xe đạp hay các loại xe do súc vật kéo (ngựa, bò).

Tấm ảnh được chụp vào giữa trưa, tại một khu vực trung tâm của Hà Nội qua mọi thời mà vẫn không mấy đông đúc. Nhưng chúng ta có thể thấy được trong bức ảnh chụp bất chợt này một quang cảnh khá sinh động của các tầng lớp cư dân đô thị đương thời: Những người lam lũ đang kéo xe tay hay đẩy xe bò, những lớp người cũ với áo thâm dài che ô hay lớp người tân thời trong những bộ cánh âu phục màu trắng của các công chức hay thương gia.

Bưu ảnh này mang lại cho chúng ta ý niệm về thành phố Hà Nội buổi đầu thoát ra khỏi khuôn khổ của một đô thị tuyền thống để trở thành một đô thị kiểu mới theo phong cách Âu Tây vừa được hình thành chưa đầy 1/4 thế kỷ, căn cứ vào việc tấm ảnh được chụp vào khoảng những thập kỷ đầu tiên của thế kỷ XX.

Dương Trung Quốc.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC