Chẳng chờ đến khi "Làng tôi", một chương trình xiếc đậm đặc chất Việt Nam, phải "đi đường vòng" qua Pháp thì người ta mới thấy thích, thấy yêu. Ngay ở Hà Nội, chỉ qua một đêm diễn, "Làng tôi" đã đi đường thẳng vào trái tim của những người yêu nghệ thuật.
Chuyện kể từ "Làng tôi"
"Làng" chỉ hai mươi người, có đủ nam thanh, nữ tú, có người đừng tuổi, có bé mục đồng, đều mang màu áo như trong câu thơ "Áo chàm đưa buổi phân ly/ Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay...".
Họ quây quần, tụ họp bên nhau trong không gian gợi lên bóng dáng và thanh âm làng quê yên bình với những rặng tre vươn cao, rì rào trong gió; những phiên chợ quê râm ran tiếng nói cười; những trái nhà nhiều gian nối nhau được các thanh niên trai tráng dựng lên hay những ngày hội làng bên nhau tươi vui phơi phới...
Khi vừa dứt tiếng chim chóc hót líu lo trong khán phòng Nhà hát Lớn Hà Nội, khách xem xiếc ngồi kín khắp các vị trí cũng là lúc toàn bộ người dân quê và cảnh vật như kể trên hiện ra, để báo hiệu chương trình biểu diễn "Làng tôi" bắt đầu. Tất cả mọi người bước vào một không gian thuần Việt...
Không thể ngờ những nghệ sĩ xiếc, hay nói cách khác, là những người dân làng tôi lại có thể linh hoạt, uyển chuyển mà vẫn rắn rỏi đến vậy với thứ đạo cụ toàn tre là tre được khéo léo dàn dựng, tận dụng. Từng màn một xen kẽ tạo nên một kết cấu ý tưởng (concept) độc đáo. Sự khỏe khoắn, chắn chắn nhưng vẫn rất nhẹ nhàng, thanh thoát của người làm xiếc trên cây tre đã giúp tạo nên những màn tạo hình bất ngờ và ấn tượng.
Cùng với xiếc với cây tre còn có những câu hò, câu hát dậm chất dân gian và phong vị làng quê ba miền của Việt Nam hòa quyện vào nhau khiến chương trình trở nên gần gũi, dễ gợi cảm xúc rưng rưng cho khán giả, dù đó là khán giả nơi đô thị.
Hơn mười loại nhạc cụ hoàn toàn mang tính truyền thống được các nghệ sĩ đến từ Nhà hát Chèo Việt Nam "pha thanh góp sắc" khá tự nhiên và tương đối ngẫu hứng với những làn điệu ru con Nam Bộ, khúc ca Bắc Kim Thang đến tiếng cồng, tiếng chiêng Tây Nguyên, câu hò khiêng tre ở dải đất miền Trung cực nhọc, nắng gió hay khúc ca trù đồng bằng Bắc Bộ, nhịp vui xòe vùng cao...
Khi các nghệ sĩ sáng tạo thêm một công dụng nữa cho cây tre là biểu diễn xiếc thì rõ ràng, một lần nữa sức sống và sự gắn bó với làng quê Việt của cây tre lại được chứng minh.
Tre không chỉ đẹp khi xuất hiện trong bài hát, trong những câu thơ như "Làng tôi xanh lũy tre, từng tiếng chuông ngân vang, tiếng chuông nhà thơ rung..." hay "Tre xanh, xanh tự bao giờ..." mà còn đẹp ở xiếc.
Với xiếc "Làng tôi", có lẽ chỉ cần thêm một chút dụng công nữa từ nhà tổ chức như thêm một rặng tre xanh hiện diện trên sân khấu hay sử dụng hình thức nghệ thuật sắp đặt (installation) ở ngoài sảnh đón khách vào xem thì có thể chương trình sinh động hơn, có thể khiến khán giả đô thị rưng rưng gợi nhớ...
Một đêm diễn duy nhất tại Nhà hát Lớn Hà Nội tối 5/5/2009, với giá vé chỉ từ 50.000 đến 100.000 đồng, thật thú vị là đã có khoảng 50% khách nước ngoài kịp nhận ra đến với "Làng tôi", ngồi kín khán phòng. Rồi khách Tây, khách ta đã cùng vỗ tay hòa hứng, nán lại cổ vũ và thể hiện cảm xúc nồng nhiệt như nhau.
Đưa cây tre lưu diễn thế giới
"Làng tôi" nổi bật ở phần tạo hình với cây tre và người (Ảnh: Vũ Dzũng) |
Đó là khi cây tre gắn với chương trình xiếc "Làng tôi" (do Liên đoàn Xiếc Việt Nam và Hội đoàn Sân khấu địa cầu của Pháp đầu tư sản xuất) sẽ lưu diễn theo hợp đồng 3 năm trên thế giới. Nhà đầu tư của Pháp đã thấy khả năng thu hút và lợi nhuận mà vở trình diễn nghệ thuật tổng hợp, trong đó chủ đạo là xiếc này có thể mang lại.
Kế hoạch lưu diễn sẽ bắt đầu sau khi kết thúc chương trình duy nhất vào tối 5/5/2009 tại Hà Nội. Đầu tiên sẽ tới Pháp, một số nước châu Âu, sau đó sẽ qua các nước khác trình diễn.
"Đến Pháp vào tháng 6/2009, Đoàn sẽ bắt đầu với 11 buổi diễn tại Bảo tàng Quai Branly dưới chân tháp Eiffel - địa điểm chỉ dành cho những chương trình nghệ thuật đặc biệt. 11 suất diễn này được Chính phủ Pháp tài trợ giá vé.
Vé xem chương trình năm 2009 đã được các nhà tổ chức biểu diễn Pháp bán hết. Bỉ, Anh, Đức, Mỹ... sẽ là những điểm đến tiếp theo của "Làng tôi" sau Pháp", ông Jean Luc Larguier - giám đốc Hội đoàn Sân khấu địa cầu Pháp, cho biết trên Tuổi Trẻ (4/5).
Sở dĩ có cái bắt tay để đưa vở xiếc "Làng tôi" đi xa như vậy, trước hết là ở chất lượng và tính đặc thù của vở, sau đó phải kể đến nỗ lực cùng mỗi quan hệ của chính những người góp ý tưởng và xây dựng lên chương trình. Đó là ba người Việt có nhiều năm sống xa xứ: Tuấn Anh (đạo diễn, ở Đức), Nhất Lý (biên đạo âm nhac và trình diễn, ở Pháp) và Nguyễn Lân (giáo viên xiếc, ở Pháp). Và họ còn đang ấp ủ nhiều dự án khai thác văn hóa - nghệ thuật dân tộc khác chứ không chỉ làm coi "xiếc" như lối đi duy nhất ngay dưới chân mình.
Dẫu vậy, đại diện nhà sản xuất Việt Nam - ông Nhất Lý, vẫn tâm sự rằng: "Để giá trị văn hóa truyền thống của VN có chỗ đứng trong lòng khán giả thì nhiều khi chúng tôi buộc phải đi đường vòng; tức là ra thế giới, gây ấn tượng với bên ngoài rồi tiếng lành mới có thể "đồn" về VN, khiến công chúng trong nước tò mò, quan tâm...".
Trước đó 3 năm, tức là từ năm 2005, "Làng tôi" đã ra mắt với phiên bản đầu tiên lên tới 100 người biểu diễn. Đến năm 2008, bản diễn được dựng lại với 20 người. Với "Làng tôi" ra mắt lần này, các nghệ sĩ đã có quá trình luyện tập trong gần 6 tháng liên tục.
"Làng tôi" góp phần đem xiếc - môn nghệ thuật mà nhiều người Việt Nam đã lãng quên, gạt khỏi danh mục thưởng thức - trở lại. Hơn thế, đây là một chương trình nghệ thuật có màu sắc Việt Nam rõ nét và hiếm hoi đã chính phục thành công không gian nhỏ trước khi tự tin trình diễn với thế giới bên ngoài.
Những chương trình "đậm đà bản sắc dân tộc" như thế sẽ góp phần đưa ra câu trả lời ngày càng rõ hơn cho những băn khoăn: Văn hóa Việt liệu có thể tìm được "tiếng nói chung", trở thành "ngôn ngữ quốc tế" khi đem ra trình diễn trước công chúng trong và ngoài nước? Nếu toàn bộ các tiết mục trong một chương trình nghệ thuật dựa trên những chất liệu truyền thống thì có gây nhàm, có khả năng hút khách?
Nếu khi xưa "tre giữ làng, giữ nước, giữ mái nhà tranh, giữ đồng lúa chín..." thì ngày nay sẽ là thức thời nếu biết khai thác, làm mới một "mảnh ghép" của văn hóa truyền thông như cây tre, cây trúc hay bất kỳ một chất liệu đặc trưng của dân tộc nào khác để làm nguồn vốn cho những sáng tạo nghệ thuật của mình.
Theo Vietnamnet.