Nôn nóng để nổi tiếng, nổi tiếng bằng mọi giá có lẽ chẳng còn là chuyện hiếm trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực văn học nghệ thuật.
Thời đại bùng nổ các phương tiện truyền thông, xem ra để làm người nổi tiếng, để "vươn tới một ngôi sao" cũng không quá khó khăn nếu người ta biết tận dụng khả năng đăng đàn, diễn thuyết, phát ngôn gây sốc đối với công chúng ở một tần số chóng mặt.
Trong lĩnh vực biểu diễn có rất nhiều gương mặt đã trở nên nổi bật, hấp dẫn công chúng, cho dù tài năng của họ thì chỉ ở mức "thường thường bậc trung".
Việc sử dụng công nghệ lăng-xê trong giới biểu diễn cũng là dễ hiểu, nhưng trong lĩnh vực sáng tác cũng có không ít những ví dụ tương tự. Một nhà thơ trẻ vì muốn nhanh chóng được mọi người biết đến mà bất cứ chỗ nào cũng thấy xuất hiện.
Những phát ngôn lập dị, chói tai, thậm chí là hợm hĩnh chỉ để chứng minh mình là một người tài năng đặc biệt, là số 1. Vài họa sĩ trẻ mới ra trường chứng minh mình thuộc đội ngũ tiên phong bằng cách trình làng những tác phẩm được gọi là "đương đại", "trừu tượng" làm bối rối người xem về tính "hũ nút" của nó.
Lại có một vài nhạc sĩ trẻ mới có vài ca khúc được biết tới đã liên tục có mặt trên báo chí, truyền hình để thể hiện cái Tôi quá lớn, "không giống ai" của mình... Câu chuyện không dừng ở những người trẻ. Không ít ví dụ về những người tuổi đã cao, và đã "ăn gian" được rất nhiều về mặt danh tiếng, nếu ta chịu khó lật lại câu hỏi: Vậy rốt cục tài năng của họ đến đâu, đâu là những sáng tạo có giá trị họ để lại cho đời?
Công chúng nói chung không phải lúc nào cũng phân biệt được đâu là giá trị thật, đâu là giá trị ảo. Hình ảnh gì lặp đi lặp lại nhiều lần, theo nguyên tắc của quảng cáo, sẽ trở nên quen thuộc trong tâm trí của mọi người và sẽ được ghi nhớ.
Rất nhiều người khi được hỏi về một ông giáo sư A, bà tiến sĩ B thường xuyên xuất hiện trên đài báo thực chất chuyên môn của họ là gì, và công trình nào của họ là có giá trị thì đã không trả lời được.
Trong văn học tồn tại một hiện tượng, nhà văn viết được một tác phẩm phù hợp với thời đại của mình, được tung hô, sau đó họ không viết tiếp được gì nữa. Nhưng họ rất sợ bị lãng quên, nên khi có cơ hội là họ phải xuất hiện, phát ngôn nơi này nơi kia để chứng tỏ sự tồn tại của mình. Họ cứ "ăn" cái bóng của mình như vậy, cho đến khi cái bóng bé tí lại và thậm chí là mất hút.
Lao động nghệ thuật vốn là thứ lao động cô đơn, âm thầm. Những tài năng lớn thường cặm cụi với công việc của mình, ít "lao tâm khổ tứ" về việc làm thế nào để nổi tiếng. Họ không bị ảo tưởng bởi hào quang của việc được đám đông chú ý.
Những người tài năng nhỏ mà khát vọng danh tiếng lại quá lớn thường sa vào cạm bẫy của truyền thông, bận rộn với những cuộc trình diễn làm lóa mắt công chúng và lóa mắt chính mình. Và rốt cục, khi danh tiếng như bong bóng xà phòng tan đi, đối mặt với chính mình, họ hoang mang vì chẳng sáng tạo được gì nhiều cho tương xứng với chiếc áo họ đã từng mặc.
Theo VNCA.