Không nghiên cứu thị trường, không có chiến lược tiếp thị rõ ràng và cũng không có kế hoạch chăm sóc khách hàng. Các ca sĩ, nhạc Việt đang bước ra thế giới bằng một niềm tin đầy AQ.
Khởi đầu chập choạng
Ngoài một số tranh, tác phẩm nhiếp ảnh và một số rất ít sách "made in Vietnam" bán được cho khách hàng nước ngoài thì ở những lĩnh vực còn lại chúng ta chỉ mới dừng ở việc giao lưu văn hóa. Những chuyến lưu diễn của dàn nhạc giao hưởng, những lời mời tham dự liên hoan dành cho các ca sĩ từ đối tác nước ngoài không phải là xuất khẩu sáng tạo bởi nó không mang tính thương mại.
Những show được gọi là mang tính thương mại như chương trình của Lam Trường tại Singapore thì rất tiếc không thành công về mặt doanh thu khi lượng khán giả đến với anh quá ít. Show diễn được quảng bá rầm rộ của Đan Trường tại Đài Loan - chỉ nhắm đến đối tượng là các cô dâu Việt chứ không phải khán giả bản địa.
Những chuyến bay show Mỹ, Úc, Pháp... của các ca sĩ Việt gần như đóng khung trong lượng khán giả Việt kiều mà người nước ngoài chủ yếu là bạn bè, thân hữu được mời đến cho vui. Kể cả những sản phẩm được xem là có tính thương mại như album Những chuyện kể của Quốc Bảo và các album jazz của Trần Mạnh Tuấn được bán trên các website nước ngoài cũng rơi vào tình cảnh "của một đồng, công một nén" mà doanh thu mang về chẳng mấy tương xứng với khoản đầu tư".
Lý giải cho sự thất bại thảm hại của các sản phẩm sáng tạo Việt trên thị trường thế giới, nhiều người đổ lỗi cho chất lượng sản phẩm, nhưng không hẳn. Một nhà sản xuất có tiếng ở Việt Nam, người thường xuyên bay sang Mỹ thực hiện các dự án âm nhạc, kể với người viết câu chuyện về đĩa nhạc của một em học sinh lớp 7 trên kệ đĩa "Hand-pick" của siêu thị Walmart (đĩa nhạc do các chuyên gia tại Walmart chọn giới thiệu). Chỉ đơn giản là một cây piano em tự đệm cho giọng hát của chính mình và thu âm bằng chiếc máy tính cá nhân, nghĩa là cực tệ nếu xét theo tiêu chuẩn âm thanh của một đĩa nhạc. Vậy mà nó vẫn được giới thiệu đầy trang trọng và được khán giả ầm ầm mua chỉ vì một lẽ: Giọng hát của em quá hay.
Câu chuyện của ca sĩ M. kể sau chuyến lưu diễn ở Mỹ về một nữ ca sĩ chưa bao giờ thôi khát vọng trở thành diva Việt rằng: sau khi biểu diễn, cô ca sĩ tìm đến tặng đĩa cho một nhà sản xuất Hoa Kỳ và phải bẽ bàng khi bị từ chối thẳng thừng. Có thể có một số tờ báo nào đó ở Việt Nam xem cô là diva, song điều đó không có nghĩa cô là diva đẳng cấp thế giới để các nhà sản xuất ngoại phải kiếm tìm.
Đan Trường tại Đài Loan |
Thu được gì từ những chuyến đi?
Có người bảo rằng sự thất bại của ta nằm ở chỗ ta thiếu sự quảng bá. Cũng đúng. Nhưng chúng ta sẽ quảng bá cái gì quả là câu hỏi không dễ giải đáp. Nếu chỉ đơn giản quảng bá tôi là một ca sĩ Việt thì tôi nào có hơn gì một ca sĩ Campuchia, Malaysia, Ai Cập? Tôi đậm đà bản sắc Việt (chưa chắc) thì ca sĩ bạn cũng đặc trưng cho văn hóa của họ.
Ngoài việc không đủ nội lực đầu tư cho các chiến dịch quảng bá, đành phó thác cho phía nước ngoài theo kiểu được chăng hay chớ, điều quan trọng hơn là chúng ta cũng không biết mình có gì để giới thiệu với bạn bè thế giới. Như một doanh nghiệp chỉ sản xuất được vài nhóm sản phẩm nghèo nàn, chúng ta bước vào cuộc cạnh tranh với niềm tin đầy hồn nhiên rằng một lúc nào đó có thể khách hàng cũng sẽ tìm mua sau khi đã chán chê với những sản phẩm khác.
Các nghệ sĩ thế giới khi đến Việt Nam biểu diễn thuần túy như một show diễn rồi thôi thường không quan tâm nhiều lắm đến thị trường Việt. Song một khi đã có ý định tiếp cận thị trường của ta, họ đều bỏ công thực hiện những cuộc nghiên cứu thị trường. Trước khi ký kết hợp đồng với Mỹ Tâm, Nurimaru (Hàn Quốc) đã dành nhiều thời gian tìm hiểu về showbiz Việt và để đạt được hiệu quả cao nhất, Tâm đã sang Hàn rèn luyện thêm, Vút bay có thể chưa hẳn là album hay nhất nhưng là một album đáng chú ý và hiệu quả đủ để hai bên đối tác tiếp tục thực hiện album Trở lại.
Mỹ Tâm (phải) luyện vũ đạo ở Hàn Quốc |
Trước khi nhóm V4men (4 chàng trai Hàn hát tiếng Việt) thực sự bước lên sân khấu, họ đã phải tìm hiểu xem người Việt thích nghe cái gì, ở đâu và ra sao. Chưa ai biết liệu cuối năm nay Đàm Vĩnh Hưng có song ca với chàng ca sĩ Nuno của Bỉ hay không nhưng rõ ràng phía Bỉ đã thực hiện cả một cuộc nghiên cứu thị trường đầy chuyên nghiệp qua các studio, hàng đĩa, sân khấu...
Biết chuyện, nhiều người trong nghề khẳng định chúng ta cũng có khả năng làm như bạn nhưng lại chưa từng có ý nghĩ là phải làm và chưa từng hình dung sẽ làm như thế nào nên chỉ còn cách tròn mắt thán phục. Thán phục, nhưng vẫn không học hỏi bởi cho đến nay vẫn chưa có ca sĩ, công ty âm nhạc nào đi nghiên cứu thị trường, xúc tiến thương mại mà vẫn chỉ là những quan hệ cá nhân nhỏ lẻ.
Theo TCTD.