Hai xã Hang Kia và Pà Cò hiện có khoảng 5.170 nhân khẩu (người H’mông chiếm đa số) và là vùng có người H’mông sinh sống duy nhất của tỉnh Hòa Bình.
Từ năm 1994, rừng đã được Ban quản lý Khu bảo tồn giao khoán cho các hộ gia đình để quản lý, bảo vệ với chỉ tiêu 50.000 đồng/ha/năm. Hình thức này được người dân và chính quyền đánh giá là đã góp phần quản lý bảo vệ rừng tốt hơn, tuy nhiên do không có nguồn vốn hỗ trợ nên diện tích rừng giao khoán ngày càng bị thu hẹp. Thống kê trên địa bàn hai xã cho thấy, hiện chỉ còn diện tích rất nhỏ rừng được giao khoán cho các hộ, trong đó xã Pà Cò chỉ có 15,5 ha, xã Hang Kia có 373 ha. Hầu hết người dân nơi đây đều có nguyện vọng tiếp tục được nhận khoán và tham gia các hoạt động bảo vệ, phát triển rừng.
Điều đáng quý là dù không có bất cứ hương ước, quy định nào nói về nhiệm vụ bảo vệ rừng nhưng người dân địa phương đều ý thức được vai trò quan trọng của rừng và trách nhiệm của họ trong việc bảo vệ rừng. Họ thường truyền miệng và nhắc nhở mọi người không được chặt rừng đầu nguồn, luôn phải bảo vệ rừng đầu nguồn.
Do cuộc sống gắn liền với rừng nên người H’mông thường lựa chọn, thu hái và sử dụng lâm sản để phục vụ cuộc sống hàng ngày. Họ sử dụng các loài gỗ tốt như dẻ, kháo, mít, táu để làm nhà; khai thác cây nghiến để đốt than, làm lò rèn... Tuy nhiên, một số hoạt động khai thác, sử dụng lâm sản còn thiếu bền vững, người H’mông chưa chú trọng nhiều tới vấn đề bảo tồn và sử dụng lâu dài. Việc gây trồng và phát triển các loài cây lâm nghiệp cũng chưa thực sự được quan tâm.
Theo đánh giá của nhóm cán bộ Trung tâm Con người và Thiên nhiên(*), để phát huy vai trò của người dân Hang Kia, Pà Cò trong việc tham gia quản lý, bảo vệ rừng tại Khu bảo tồn thiên nhiên Hang Kia - Pà Cò, cần chú ý hỗ trợ phát triển kinh tế địa phương, nâng cao thu nhập, giảm thời gian nông nhàn, từ đó giảm áp lực vào rừng; bảo vệ nghiêm các khu rừng đầu nguồn cùng với việc trồng bổ sung một số loài cây bản địa; lập đội quản lý rừng hoặc tổ bảo vệ rừng ở mỗi bản; lôi kéo người dân tham gia vào các hoạt động bảo vệ rừng bằng các hình thức giao khoán bảo vệ rừng đến từng hộ gia đình.
Bên cạnh đó, cần nghiên cứu những biện pháp kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất cây trồng vật nuôi trong hệ canh tác nông nghiệp và coi đó như một nhân tố làm giảm sức ép của cộng đồng vào tài nguyên rừng; phổ biến kinh nghiệm sử dụng cây thuốc trong cộng đồng, có hình thức bảo vệ phát triển các loài cây thuốc trong tự nhiên cũng như thử nghiệm gây trồng trong vườn nhà; khơi lại quy ước bảo vệ rừng đầu nguồn ở bản Pà Háng lớn, từ đó có thể nhân rộng sang các cộng đồng khác.
Theo TN.