Ông Richard Slayman ở Weymouth (Massachusetts), bệnh nhân 62 tuổi, mắc bệnh thận giai đoạn cuối đã trở thành người đầu tiên nhận được quả thận mới từ một con lợn biến đổi gen.
Quả thận sử dụng để ghép cho người được lấy từ một con lợn đã được chỉnh sửa gen, để loại bỏ các gen có thể gây hại cho bệnh nhân và bổ sung một số gen nhất định của con người để cải thiện khả năng tương thích; trong khi một số loại virus vốn có ở lợn có khả năng lây nhiễm sang người cũng đã được vô hiệu hóa.
Đây là ca ghép thận lợn chỉnh sửa gen cho người thành công đầu tiên trên thế giới. |
Trong tuyên bố, MGH cho biết, ca phẫu thuật kéo dài 4 giờ, được thực hiện vào ngày 16/3, đánh dấu cột mốc quan trọng trong nỗ lực cung cấp nội tạng sẵn có hơn cho bệnh nhân.
"Các nhà nghiên cứu và bác sĩ lâm sàng của Mass General Brigham không ngừng vượt qua các ranh giới của khoa học để thay đổi y học và giải quyết các vấn đề sức khỏe quan trọng mà bệnh nhân của chúng tôi phải đối mặt trong cuộc sống hàng ngày. Gần bảy thập kỷ sau ca ghép thận thành công đầu tiên, các bác sĩ lâm sàng của chúng tôi một lần nữa thể hiện cam kết cung cấp các phương pháp điều trị tiên tiến và giúp giảm bớt gánh nặng bệnh tật cho bệnh nhân trên khắp thế giới.”, Chủ tịch và Giám đốc điều hành của Mass General Brigham, bà Anne Klibanski bày tỏ.
Thông cáo của MGH nói, bệnh nhân Slayman đang hồi phục tốt và dự kiến sẽ sớm được xuất viện; nhấn mạnh, trong tương lai, việc sử dụng nội tạng từ lợn biến đổi gen sẽ khiến phương pháp lọc máu trở nên lỗi thời.
Ông Slayman từng được MGH ghép thận người vào năm 2018, sau 7 năm chạy thận, nhưng quả thận này đã thoái hóa sau 5 năm khiến bệnh nhân phải tái điều trị lọc thận.
Quả thận do công ty eGenesis ở Massachusetts cung cấp được lấy từ một con lợn đã được chỉnh sửa gen để loại bỏ các gen có thể gây hại cho người nhận và bổ sung một số gen nhất định của con người để cải thiện khả năng tương thích.
Một số loại virus vốn có ở lợn có khả năng lây nhiễm sang người cũng đã được vô hiệu hóa.
Công bố trên tạp chí Nature, các nhà nghiên cứu nói, những quả thận từ lợn được chỉnh sửa tương tự do công ty eGenesis nuôi đã được cấy ghép thành công vào những con khỉ, giúp chúng sống sót trung bình 176 ngày, trong đó một trường hợp kéo dài hơn 2 năm.
Các loại thuốc được sử dụng để giúp ngăn ngừa hệ thống miễn dịch của bệnh nhân đào thải nội tạng lợn bao gồm liệu pháp kháng thể thử nghiệm tegoprubart, được phát triển bởi công ty Eledon Pharmaceuticals.
Ê kíp thực hiện ca ghép thận.
Tiến sĩ Robert Montgomery, Giám đốc Viện cấy ghép NYU Langone, cho biết, cuộc phẫu thuật đánh dấu sự tiến bộ quan trọng, đưa lĩnh vực cấy ghép dị loài tiến gần hơn đến việc trở thành một giải pháp tiềm năng cho tình trạng thiếu nội tạng kinh niên trên toàn thế giới.
Theo mạng lưới chia sẻ nội tạng Mỹ, hơn 100.000 người ở nước này đang chờ nội tạng để cấy ghép, trong đó thận là nhu cầu lớn nhất.