Trong lòng mỗi người con Hà Nội xa quê khi nhớ về mảnh đất đất thân yêu này bao giờ cũng có một khoảng trống dành cho phần không thể thiếu này. Ẩm thực không đơn giản là đồ ăn hay thức uống mà nó ẩn chứa cả tâm hồn và tính cách con người của nơi đó.
Chính vì lẽ đó mà khi con người càng đi xa thì càng muốn về nơi xưa để được thưởng thức hương vị ẩm thực đất Hà Thành.
Không phải ngẫu nhiên khi bún thang lại được gọi một trong những món ăn cầu kỳ nhất của ẩm thực Hà Nội
Văn hóa ẩm thực Hà Nội có thể coi là một đại diện tiêu biểu nhất của nét tinh hoa đặc sắc được thể hiện trong từng món ăn hay trong từng hương vị. Mỗi món ăn Hà Nội đều có hương vị, nét đẹp riêng và đặc biệt là có truyền thống, cách thưởng thức truyền đời, chẳng thế mà nó không chỉ là những món ăn thông thường mà được nâng lên thành nghệ thuật ẩm thực.
Tìm về với những món ăn truyền thống, dù là những món cao lương mỹ vị của cung đình hay những món ăn dân dã của người bình dân áo vải nhưng đều có giá trị riêng cần được gìn giữ. Xưa nay ẩm thực Hà Nội vẫn luôn nổi tiếng về sự cầu kỳ và tinh tế từ cách chọn nguyên liệu đến cách chế biến và thưởng thức.
Chính điều này đã tạo nên nét đặc trưng riêng của Hà Nội và càng thôi thúc những ai mới đến nơi đây lần đầu muốn khám phá, tìm hiểu thêm về nó.
Chọn nguyên liệu cho một món ăn có lẽ là phần quan trọng nhất để tạo nên được món ăn ngon và hấp dẫn.Với những món ăn đã được gọi là đặc sản đất kinh kỳ thì khâu chọn nguyên liệu lại càng quan trọng.
Ví như món bún thang, một món ăn truyền thống của đất Hà Thành. Không phải ngẫu nhiên khi bún thang lại được gọi một trong những món ăn cầu kỳ nhất của ẩm thực Hà Nội. Bởi lẽ để có được một bát bún thang ngon cần rất nhiều yếu tố.
Tính cầu kỳ của bún thang không chỉ nằm ở nước dùng, làm sao phải có vị ngọt tự nhiên chứ không phải do thêm gia vị hay hạt nêm mà còn phải kết hợp hài hòa với nhiều nguyên liệu khác như: trứng tráng mỏng thái sợi, thịt gà phải nạc, chả lụa thái chỉ, nấm đông cô….Đặc sản bánh cốm cũng không kém phần cầu kỳ trong cách chọn nguyên liệu.
Cốm dùng làm bánh phải là dạng cốm già, nhân làm bánh phải chọn thứ đỗ vàng lòng, xanh vỏ, thêm một chút nước cất từ hoa bưởi thì bánh cốm mới có hương vị đặc biệt.
Hay như món bánh cuốn Thanh Trì, nghe thì tưởng có vẻ đơn giản nhưng thực tế để có được tấm bánh tráng như ý thì người nghệ nhân làm bánh cần lựa chọn nguyên liệu thật kỹ: gạo phải là gạo gié cánh, tám thơm.
Phải chọn đúng nguyên liệu thì bánh mới có vị thơm ngon.
Một bữa cỗ thường có nhiều món là vậy nhưng mỗi món lại không nhiều và cách thưởng thức cũng rất đặc biệt
Hà Nội nổi tiếng về sành ăn, vì vậy mà cách chế biến món ăn của người Hà Nội cũng thật lạ, không giống với bất kỳ vùng miền nào. Nét kỳ công của ẩm thực Hà Nội luôn ẩn chứa trong đó sự tinh tế, thanh tao. Chế biến một món ăn không đơn giản chỉ làm cho xong mà người Hà Nội còn đặt cả tâm hồn của mình vào mỗi món ăn đó.
Cũng từng ấy thao tác, từng ấy nguyên liệu thôi nhưng khi qua tay nghệ nhân ẩm thực Hà Nội thì món ăn ấy lại được chế biến có hương vị đặc biệt hơn. Điển hình như món ăn nổi tiếng – Phở Hà Nội, món ăn đã từng đi vào văn chương của nhà văn Thạch Lam:
“Phở là một thứ quà đặc biệt của Hà Nội, không phải chỉ riêng Hà Nội mới có, nhưng chính là vì chỉ ở Hà Nội mới ngon”.
Đúng vậy, Phở Hà Nội có cái ngọt chân chất của xương bò, cái thơm của thịt bò vừa chín đến độ để vẫn dẻo mà không dai.Màu nước phở phải trong, bánh phở mỏng và mềm.
Chỉ nhìn bát phở thôi cũng thấy cái chất sành điệu, kỹ càng trong ăn uống của người Hà Nội.
Cách ăn uống của người Hà Nội mang nét riêng rất đặc trưng, tinh tế, tôn lên nét đẹp của người Việt Nam, được duy trì, phát triển hàng nghìn năm và đã trở thành truyền thống.
Người Hà Nội xưa luôn coi trọng cách thưởng thức món ăn, làm ra món ăn ngon nhưng thưởng thức không đúng cách cũng làm mất đi sự ngon miệng và giá trị tinh thần của món ăn.
Cách ăn uống cũng là nghệ thuật, biểu hiện văn hóa ứng xử hay tính sáng tạo của con người qua từng món ăn.
Ngay cả trong bữa cơm hàng ngày cũng được người Hà Nội để ý tới từng chi tiết: từ bày đặt mâm, bát đũa sạch sẽ, món ăn thanh tịnh, đơn giản không đắt tiền nhưng bày phải đẹp mắt thanh lịch và cao quý. Điều đặc biệt của ẩm thực Hà Nội đó là mâm cỗ ngày Tết.
Mâm cỗ không thể thiếu được những món ăn truyền thống mang đậm hương vị ngày Tết như: bánh chưng thịt mỡ dưa hành, thịt gà luộc rắc lá chanh thái nhỏ, một bát canh măng nóng hổi….
Một bữa cỗ thường có nhiều món là vậy nhưng mỗi món lại không nhiều và cách thưởng thức cũng rất đặc biệt. Mỗi món ăn được làm tỉ mỉ, cẩn thận vì thế khi thưởng thức cũng là lối nhâm nhi, từ tốn từng miếng nhỏ, cảm nhận từ đầu lưỡi để tận hưởng đến tận cùng những hương vị chứa đựng trong mỗi món ăn.
Có lẽ với mỗi du khách khi thưởng thức bữa cỗ cổ truyền của người Hà Nội sẽ thấy được hương vị đặc trưng của những những món ăn mang đầy đủ nét văn hóa ẩm thực Hà Nội, ẩm thực Việt Nam.
Vẻ đẹp ẩm thực của Hà Nội đã đi vào văn thơ của nhiều nhà văn, thi sĩ từ xưa đến nay bởi nét trang nhã, thanh tao của người Tràng An, không phô trương, diêm dúa nhưng nó ẩn sau bên trong từng nếp sống, nếp nghĩ của người Hà Nội.
Vẻ đẹp đó không chỉ thể hiện ở khẩu vị ăn, kĩ thuật chế biến nguyên liệu mà còn ở phong thái thưởng thức cầu kỳ nhưng tinh tế. Ẩm thực Hà Nội đa dạng, phong phú nhưng mỗi món ăn lại có những hương vị riêng.
Với những du khách đã từng đặt chân đến Hà Nội, không chỉ được thăm quan những danh lam thắng cảnh mà còn được thưởng thức những món ăn đặc trưng của đất kinh kỳ thì có lẽ hương vị đó sẽ còn lưu luyến mãi trong tâm khảm mỗi du khách khi rời xa.
Trần Thu Hương