Tạp chí The Business Standard dẫn lời các chuyên gia khí tượng thủy văn nhận định châu Á từng trải qua mùa hè khắc nghiệt vào năm 2023, xuất phát từ hiện tượng thời tiết El Nino, đặc biệt ở khu vực Nam và Đông Nam Á.

1 El Nino Hay Bien Doi Khi Hau Gay Nang Nong Thieu Dot O Chau A

Người dân thủ đô Bangkok, Thái Lan đi bộ dưới cái nắng gay gắt trưa 15-4 - Ảnh: BANGKOK POST

Cơ quan Khí quyển và Đại dương quốc gia Mỹ (NOAA) dự báo El Nino sẽ bắt đầu suy yếu và giảm dần từ đầu năm 2024. Đồng thời giải thích thêm đợt nắng nóng đang càn quét phần lớn châu Á đến từ những tác động còn sót lại của hiện tượng thời tiết này.

Theo The Business Standard các nhà khoa học tại NOAA cho rằng biến đổi khí hậu không phải nguyên nhân chính gây ra tình trạng nắng nóng bất thường ở khu vực châu Á trong thời gian gần đây.

2 El Nino Hay Bien Doi Khi Hau Gay Nang Nong Thieu Dot O Chau A

Một tiểu thương xử lý khối đá dưới thời tiết nóng như thiêu đốt ngày 27-4 tại một khu chợ ở Thái Lan - Ảnh: BLOOMBERG

Tuy nhiên ở các nghiên cứu chuyên sâu hơn về mối quan hệ qua lại giữa các yếu tố nguy cơ, giới quan sát nhận thấy biến đổi khí hậu chính là “chất xúc tác” khiến các dấu hiệu còn sót lại của El Nino trở nên nghiêm trọng hơn. 

Nói cách khác, El Nino là nguyên nhân hàng đầu gây nên sự nóng lên ở châu Á.

3 El Nino Hay Bien Doi Khi Hau Gay Nang Nong Thieu Dot O Chau A

Bangladesh - một quốc gia ở vùng Nam Á cũng "cùng chung số phận" khi phải hứng chịu những đợt nắng nóng đổ lửa - Ảnh: GETTY IMAGES

Báo The Guardian (Anh) lập luận biến đổi khí hậu do con người gây ra đã khuếch đại các hiện tượng thời tiết cực đoan tại khu vực châu Á.

Học giả Kaustubh Thirumalai, thuộc khoa khoa học Trái đất của Đại học Texas (Mỹ), từng khẳng định “nhiệt độ khắc nghiệt ở khu vực Đông Nam Á xuất phát từ hiện tượng thời tiết El Nino và trở nên tồi tệ hơn do sự nóng lên toàn cầu” trong công trình nghiên cứu khoa học của mình.

4 El Nino Hay Bien Doi Khi Hau Gay Nang Nong Thieu Dot O Chau A

Người dân thủ đô New Delhi đi bộ giữa thời tiết nắng nóng ngày 26-4 - Ảnh: BLOOMBERG

Giải thích cho tình trạng nóng lên của châu Á nói riêng và toàn cầu nói chung hiện nay, giáo sư Michael McPhaden, nhà khoa học cao cấp tại Phòng thí nghiệm Môi trường Biển Thái Bình Dương thuộc NOAA, cho rằng thủ phạm chính là El Nino.

“Ba năm trước, tức năm 2021, hiện tượng thời tiết La Nina xảy ra khiến một phần nhiệt bị hút khỏi bầu khí quyển và lưu trữ dưới bề mặt đại dương. Điều này làm giảm đáng kể hệ quả của hiệu ứng nhà kính. 

Nhưng ở thời điểm hiện tại, El Nino - hiện tượng trái ngược với La Nina - đã giải phóng lượng nhiệt đó khỏi đại dương và làm nóng hành tinh của chúng ta", ông McPhaden lập luận.

5 El Nino Hay Bien Doi Khi Hau Gay Nang Nong Thieu Dot O Chau A

Một người đàn ông tự dội nước vào mặt trong đợt nắng nóng vừa qua tại Ấn Độ - Ảnh: AFP

Bên cạnh quan điểm của giáo sư McPhaden, các nhà nghiên cứu từ Trung Quốc, Úc và Mỹ cũng từng kết luận tương tự trong bài nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí khoa học Nature Review. 

Các chuyên gia này cho rằng các đợt El Nino diễn ra thường xuyên và khắc nghiệt hơn kể từ năm 1960, đến từ tác động của sự nóng lên toàn cầu.

El Nino, La Nina và biến đổi khí hậu

El Nino, hiện tượng thời tiết chỉ sự nóng lên bất thường của nhiệt độ bề mặt nước biển cùng sự thay đổi hướng gió tại khu vực Thái Bình Dương, xảy ra theo chu kỳ 7-9 năm một lần.

Gió mậu dịch thổi về phía tây dọc theo đường xích đạo bị chậm lại, trong khi đó dòng biển ấm bị đẩy ngược lại phía đông khiến nhiệt độ bề mặt đại dương càng ấm hơn. Thời điểm này, thời tiết trong khu vực sẽ khô hạn, nắng nóng và ít mưa hơn.

Trái ngược với El Nino, La Nina thường xuất hiện ngay sau khi hiện tượng El Nino suy yếu, có tần suất thưa hơn El Nino và khiến lớp nước biển bề mặt ở khu vực đó lạnh so với nhiệt độ bình thường.

Khi xuất hiện, La Nina có xu hướng làm dịu nhiệt độ toàn cầu. Tuy nhiên, dựa trên các nghiên cứu của NOAA, hiện tượng La Nina mang đến cả tác động tiêu cực và tích cực cho con người và sinh vật biển.

Tác giả Richard Nathan Haass, từng là cố vấn của cựu Ngoại trưởng Mỹ Colin Powell kiêm trợ lý của cựu Tổng thống Mỹ George W.Bush, viết trong cuốn sách "Thế giới đương đại" của ông rằng: "Biến đổi khí hậu toàn cầu, đôi khi còn được gọi là nóng lên toàn cầu, là sự chuyển biến có thể quan sát được trong các hình thái thời tiết trên toàn thế giới do nhiệt độ bầu khí quyển nóng lên".

KHÁNH QUỲNH

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC