Vào dịp năm mới, người dân Trung Quốc thường trang trí nhà cửa bằng cách treo những câu đối đỏ, đèn lồng đỏ dán giấy đỏ và đốt pháo để mong muốn có một cái Tết vui vẻ, một năm mới an lành - Ảnh: XINHUA
Bánh tổ ở Trung Quốc, Philippines
Mỗi nước có những phong tục, tập quán cổ truyền độc đáo khác nhau, nhưng tựu chung lại đây là dịp để các thành viên trong gia đình cùng sum họp, tỏ lòng kính trọng với tổ tiên, ông bà, cha mẹ và cầu mong về một năm mới hạnh phúc, bình an.
Tại Trung Quốc, Tết Nguyên đán là ngày lễ quan trọng nhất trong năm.
Mỗi năm, trong lịch của người Trung Quốc tương ứng với một con vật nên trong năm của con vật nào thì người ta thường tránh ăn thịt con vật đó vào đầu năm. Thực đơn ngày Tết của người Trung Quốc đa phần là các loại bánh. Trong đó đáng chú ý có bánh tổ (Nian Gao) được làm từ gạo nếp loại ngon, cùng với đường và gừng tươi.
Theo tiếng Trung, "Gao" là bánh, "Nian" là chất dính, nghĩa là bánh nếp, bánh dính, mọi người dùng món bánh này với mong ước các thành viên trong gia đình lúc nào cũng luôn gắn bó với nhau bền vững. Phiên âm "Nian Gao" trong tiếng Trung còn mang ý nghĩa chỉ sự thịnh vượng, tiến bộ. Đó cũng chính là mong ước của người dân Trung Quốc trong năm mới.
Philippines được xem là quốc gia có truyền thống đón Tết Âm lịch muộn nhất trong lịch sử văn hóa châu Á. Năm 2012, Chính phủ Philippines mới chính thức công nhận Tết Âm lịch là một trong những ngày lễ lớn trong năm.
Trong những ngày Tết, người dân thường đi chùa, nhà thờ, cầu cho một năm may mắn, an lành, thịnh vượng. Hoạt động đón mừng năm mới của người Philippines luôn có các màn múa lân, múa rồng.
Ẩm thực trong ngày Tết là món bánh gạo ngọt (Tikoy). Bánh này được làm từ gạo nếp, trộn mỡ heo, đường và nước, sau đó trộn chung với trứng gà, đánh đều trước khi chiên. Sự hòa quyện các nguyên liệu của bánh Tikoy có ý nghĩa cầu chúc cho mọi người trong gia đình luôn bên nhau.
Các món ăn truyền thống ngày Tết
Trong khi đó, người Hàn Quốc gọi ngày Tết Âm lịch là Seollal. Đây không chỉ là sự kiện đánh dấu thời khắc bước sang năm mới mà còn là kỳ nghỉ lễ dài ở Hàn Quốc (chỉ sau Tết Trung thu).
Cũng giống như ở Việt Nam, Tết Seollal bắt đầu từ ngày 1-1 âm lịch. Dù sống trong một xã hội hiện đại, nhưng với truyền thống trọng gia đình, người dân Hàn Quốc vẫn giữ truyền thống về quê ăn Tết với người thân.
Nghi lễ đầu tiên của ngày Tết, gọi là Charye, diễn ra tại nơi thờ cúng của gia đình. Các thành viên trong gia đình bái lạy trước bàn thờ để tỏ lòng tôn kính tổ tiên.
Phong tục này được thực hiện vào sáng sớm ngày đầu tiên của năm mới. Về cơ bản, các món như hạt dẻ, lê, bánh, cá khô, đậu phụ, canh bánh gạo, các món chiên là những món không thể thiếu trên bàn cúng gia tiên của người Hàn Quốc.
Món bánh gạo - một món ăn truyền thống ngày tết của Hàn Quốc - Ảnh: KIMCHIMARI
Sau lễ cúng gia tiên là nghi lễ Sebae. Những người trẻ trong gia đình tới bái lạy, chúc thọ những người lớn tuổi và sau đó được nhận tiền mừng tuổi từ cha mẹ, ông bà.
Ở Triều Tiên, Tết năm mới được gọi là Seol. Trong những ngày đầu năm mới, người dân Triều Tiên có những nghi lễ đặc biệt để tưởng nhớ tổ tiên. Tết Nguyên Đán ở Triều Tiên cũng là thời gian để mọi người sum họp bên gia đình.
Về ẩm thực trong dịp năm mới, Triều Tiên có bánh Songpyeon, một loại bánh gạo có hình trăng khuyết. Loại bánh truyền thống này chứa đựng quan niệm của người xưa "trăng khuyết rồi sẽ lại đầy", như cuộc đời vẫn đổi thay, nhưng tinh thần thì luôn hướng tới những điều tốt đẹp.
Còn tại Singapore, Tết Nguyên đán thường diễn ra với Lễ hội mùa Xuân với 3 sự kiện nổi bật: Lễ hội Hoa đăng, Lễ hội Singapore River Hongbao và Lễ hội đường phố Chingay, cùng nhiều hoạt động khác.
Vào dịp Tết, người Singapore thường ăn bánh trôi tàu với ý nghĩa đoàn viên, sum họp. Mâm cỗ tết của người Singapore còn có những món ăn khác như cá sống, mì trường thọ, Pencai (món ăn bao gồm thịt lợn, thịt gà, nấm, hải sản, bào ngư, hải sâm, sò điệp…).
Tại Malaysia, người gốc Hoa chiếm 25% dân số nên Tết Âm lịch là một trong những dịp lễ quan trọng nhất tại đất nước này. Giống như các quốc gia đón Tết Nguyên đán khác, đây cũng là dịp để người dân ở Malaysia có dịp đoàn tụ, quây quần.
Màn bắn pháo hoa chào năm mới tại Tháp đôi Petronas cùng điệu múa lân, múa sư tử... đã trở thành truyền thống trong dịp Tết. Sắc đỏ tràn ngập khắp các khu phố người Hoa trong ngày Tết. Các trung tâm thương mại rực rỡ với câu đối đỏ, đèn lồng đỏ - Ảnh: THE STAR MALAYSIA
Màn bắn pháo hoa chào năm mới tại Tháp đôi Petronas cùng điệu múa lân, múa sư tử... đã trở thành truyền thống trong dịp Tết. Sắc đỏ tràn ngập khắp các khu phố người Hoa trong ngày Tết. Các trung tâm thương mại rực rỡ với câu đối đỏ, đèn lồng đỏ.
Người người hòa vào không khí Tết chúc nhau những lời chúc tốt lành và những người thân quen trao những bao lì xì may mắn. Người dân cũng tham gia lễ hội đèn lồng lung linh huyền ảo và đến chùa cầu bình an.
Tết Âm lịch ở Mông Cổ còn gọi là Tết Tháng trắng. Đây là thời điểm quan trọng trong năm báo hiệu sự chuyển giao giữa mùa Đông lạnh giá và mùa Xuân ấm áp, là thời điểm để gia đình sum vầy và thắt chặt mối quan hệ. Để chào đón năm mới, người Mông Cổ dọn dẹp nhà cửa, chuồng trại, tắm rửa, sắm sửa những bộ trang phục truyền thống mới và chuẩn bị các món ăn truyền thống.
Món ăn truyền thống trong dịp Tết là các sản phẩm làm từ sữa, bánh, thịt cừu, thịt bò, thịt ngựa, cơm ăn cùng với sữa đông hay với nho khô…Trong 3 ngày Tết, người Mông Cổ sẽ chỉ mặc trang phục truyền thống. Mọi người thường tụ họp tại nhà của người già nhất trong vùng, cùng nhau trò truyện, trao đổi các món ăn và thưởng thức.
Tết Âm lịch tại Ấn Độ được gọi là lễ hội Holi hay còn được biết đến với cái tên Lễ hội của màu sắc. Lễ hội Holi được xem là một trong những lễ hội vào mùa Xuân quan trọng nhất trong năm của người dân Ấn Độ.
Lễ hội Holi là sự đánh dấu thời điểm kết thúc của một mùa Đông khắc nghiệt và để chào đón một mùa Xuân tươi mới. Bên cạnh đó, người Ấn Độ cũng cho rằng, nắng ấm của mùa Xuân sẽ giúp xua tan đi cái lạnh mùa Đông, giống như việc cái thiện đánh lùi cái ác. Trong ngày lễ Holi có diễn ra một sự kiện vô cùng độc đáo và nổi tiếng là mọi người sẽ ném bột màu vào nhau dù có quen nhau hay không.
Tết cổ truyền ở Bhutan được gọi là Losar, là ngày lễ quan trọng nhất năm tại quốc gia này tính theo âm lịch. Tết Losar diễn ra trong vòng 15 ngày và 3 ngày đầu tiên của năm mới được xem là ngày quan trọng nhất đối với người dân Bhutan.
Vào ngày Tết Losar, người dân quây quần bên gia đình, cùng dọn dẹp nhà cửa và chuẩn bị mâm cơm truyền thống, trái cây để cúng tổ tiên, tạ ơn thần linh và tổ tiên ban tặng cuộc sống ấm no và mạnh khỏe trong năm qua. Theo phong tục truyền thống, trong Tết, người dân đi lễ chùa, múa hát, tổ chức lễ hội. Một trong những phong tục độc đáo là tham gia các cuộc thi bắn cung.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online