Vụ nổ ở phía trung tâm Mặt trời được chụp bởi Trạm quan sát Mặt trời và Nhật quyển - Ảnh: NASA
Theo đó, Mặt trời đã tạo ra một vụ phun trào khối vành nhật hoa di chuyển ít nhất 3.000 km/giây, tốc độ nhanh nhất từng được ghi nhận, vào cuối ngày 13-3. Nếu vụ phun trào này hướng vào Trái đất, kết quả có thể rất thảm khốc.
Giờ chót, những hạt tích điện từ CME đã kịp quay sang hướng ngược lại. Mặc dù vậy, sự kiện này cũng kịp gây ra một cơn bão bức xạ nhỏ trên Trái đất.
Một CME nhỏ hơn và chậm hơn cũng sẽ sượt qua Trái đất vào ngày 18-3. Trang Spaceweather.com dự đoán sự cố sẽ làm ảnh hưởng vô tuyến sóng ngắn của các máy bay.
CME thường diễn ra, nhưng hầu hết đều quá nhỏ để có thể gây sát thương lớn và thường không hướng về Trái đất. Do đó, sự kiện trên “cực kỳ hiếm”, có thể xảy ra một hoặc hai lần trong vài thập kỷ.
Theo trang IFLScience, vụ nổ ngày 13-3 cũng là một lời nhắc nhở rằng lần sau chúng ta có thể không may mắn như vậy.
Mặt trời đang tiến đến cực đại trong chu kỳ 11 năm của nó.
Mặc dù có nhiều dự đoán chu kỳ này của Mặt trời sẽ nhẹ, nhưng dường như đang xảy ra điều ngược lại.
Hiện nay, Mặt trời đạt đến mức độ hoạt động - được đo bằng số lượng vết đen, cường độ của CME và các vết lóa - tương tự như các đỉnh của hai chu kỳ trước. Trong khi đó, hoạt động của chúng về lý thuyết đến năm 2025 mới đến đỉnh, đó là điều đáng lo ngại.
Năm 1989, một cặp CME và một ngọn lửa Mặt trời loại X-15 đã kết hợp làm lấp đầy từ quyển của Trái đất bằng các hạt tích điện. Điều này gây ra cực quang ở tận phía nam Florida và làm hỏng lưới điện của Québec, Canada.
Một cơn bão lớn hơn nhiều mang tên sự kiện Carrington năm 1859 đã làm hỏng các hệ thống điện báo trên khắp Bắc Mỹ.
Nếu nó xảy ra ngày hôm nay, hậu quả sẽ rất kinh khủng, làm sập lưới điện, kéo các vệ tinh khỏi quỹ đạo và cản trở nguồn cung cấp nước và Internet. Một mô hình ước tính chi phí khắc phục sự cố sẽ là 2,6 nghìn tỉ USD chỉ riêng ở Bắc Mỹ.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online