Khi xu thế làm đẹp của giới trẻ tăng lên, nghề trang điểm trở thành nghề “hái ra tiền” nên không ít bạn trẻ “bỏ xó” bằng cử nhân ĐH để theo đuổi nghề này.
Thu Giang đang trang điểm cho khách hàng Ảnh: Thúy Hằng
Hoàng Thu Giang, 26 tuổi, ở Hà Nội, là cử nhân ĐH Lao động và Xã hội. Sau tốt nghiệp, Giang từng làm trong 2 cơ quan nhà nước nhưng chỉ chưa đầy 6 tháng thì từ bỏ, một phần vì lương thấp, phần khác không có nhiệt huyết. Cô quyết định phải sống với niềm đam mê thật sự của mình.
“Tôi thích nghề trang điểm từ những năm học phổ thông, tuy nhiên không đủ dũng cảm theo nó ngay từ đầu. Sau khi lấy chồng, sinh con xong, tôi chọn cách sống cho riêng mình”, Giang kể lại con đường đưa cô đến nghề trang điểm.
Giang học nghề từ một studio ảnh viện áo cưới trên phố Nguyễn Khuyến, Hà Nội. Nhờ có sẵn năng khiếu, Giang chỉ mất 6 tháng là đã tốt nghiệp, bắt đầu những khách hàng đơn lẻ đầu tiên gọi đến cô nhờ trang điểm tại nhà. Giang cho biết, nghề trang điểm cũng có thời vụ, cao điểm nhất là mùa cưới (sau rằm tháng 7 đến hết năm), mùa chụp ảnh kỷ yếu cuối năm học. Dịp bận rộn nhất, có ngày cô trang điểm cho 30 khách hàng, thu nhập khoảng 20 triệu đồng/tháng.
Nguyễn Thùy Chi, 25 tuổi, quê TP.Việt Trì, Phú Thọ, tốt nghiệp ĐH Công nghiệp Hà Nội, khoa Du lịch. Tuy nhiên, Chi chưa sử dụng đến tấm bằng ĐH một ngày nào. Chị gái Chi mở studio ảnh viện áo cưới ở quê, Chi chăm chú xem chị trang điểm cho khách từng buổi và tự học.
Cô lên mạng học thêm, đăng ký khóa học ngắn hạn tại Hà Nội. Sau 3 tháng học, cộng thêm thời gian làm cùng với chị, Chi lên tay và có thể tự làm đẹp cho khách. Không chỉ nhận trang điểm cho cô dâu, chú rể tại studio, Chi còn đến tận nhà hoặc trường học trang điểm cho các sinh viên chụp ảnh lưu niệm, chụp ảnh kỷ yếu cuối năm học.
Với sinh viên, học sinh, giá trang điểm mỗi lần là 100.000 đồng; với người đi làm, nếu trang điểm đi chơi là 200.000 đồng, trang điểm cưới giá cao hơn, 700 - 800.000 đồng/ngày.
Trung bình mỗi tháng Chi thu nhập trên dưới 10 triệu đồng. Mới đi làm, chi tiêu ở quê giá thấp, công việc có thể chủ động thời gian, không gò bó như làm hành chính, thu nhập do mình quản lý, điều này khiến Chi thấy hài lòng nhất với nghề.
Theo Bộ LĐ-TB-XH, hiện cả nước có khoảng 2 triệu người VN làm việc trong lĩnh vực làm đẹp (bao gồm làm tóc, móng - nails, trang điểm, spa…). Trao đổi tại hội thảo khởi nghiệp với nghề làm đẹp diễn ra tại Hà Nội hôm 21.12, ông Phí Mạnh Thắng, Vụ trưởng Vụ pháp chế, Thanh tra Tổng cục dạy nghề, Bộ LĐ-TB-XH cho biết, năm 2016 là năm được Chính phủ chọn là năm khởi nghiệp, đây là cơ hội để các bạn trẻ khởi nghiệp với ngành làm đẹp.. |
“Làm dâu trăm họ”
Tuy có thu nhập đáng kể, nhưng đây là nghề “làm dâu trăm họ”, có nhiều khó khăn. Thùy Chi kể lại:
“Nhiều khách hàng rất khó tính, vừa trang điểm xong, bạn bè họ khen xinh, tuy nhiên về gia đình, mỗi người một ý, họ lại trách mình…”
Hoàng Thu Giang kể, vì làm trang điểm tại chỗ nên cô thường xuyên phải di chuyển khắp nơi.
“Nhiều cô dâu ở tỉnh xa gọi điện đặt tôi trang điểm cho đám cưới của họ. Những lần như vậy phải đi từ đêm hôm trước. Nếu ở ngoại thành Hà Nội cũng phải dậy từ sớm, có khi từ là 2 giờ sáng, mới kịp đến theo yêu cầu…”
Giang còn cho biết không ít lần gắp rắc rối vì những vị khách khó tính. Cô kể, có những khách hàng mang cả thước kẻ đi để đo xem hai bên lông mày có cân xứng với nhau không. Có cô dâu đi trang điểm thử 10 nơi trước khi chọn ra 1 người trang điểm chính cho mình.
Có khách hàng da mặt đã lão hóa, nhăn nheo, nhưng cứ yêu cầu phải làm sao cho thật căng mịn...
Thúy Hằng - THANHNIEN.VN