Bố tôi dành nhiều thời gian trong ngày để dùng smartphone.
Mùa Black Friday, điện thoại thông minh có giá rất tốt. Đa phần các model giảm giá từ 30-50%. Tôi quyết định mua tặng bố mẹ mỗi người một chiếc smartphone. Trước đây mẹ tôi cũng đã dùng Facebook nhưng bằng máy tính. Tôi gửi điện thoại về cho gia đình, dặn dò các em hướng dẫn bố mẹ sử dụng.
Bố mẹ tôi năm nay đã ngoài 50, tôi lo họ không dễ làm quen với công nghệ. Nhưng chỉ một tuần, em tôi nhắn: "Bố mẹ đã sử dụng được một số ứng dụng như Zalo, Facebook rồi nhé anh".
Ngày 27 âm lịch tôi về nhà. Tôi khá bất ngờ và vui khi bố mẹ đều sử dụng thành thạo, hứng thú với di động thông minh.
Tôi bắt đầu để ý thói quen sử dụng smartphone của bố mẹ.
Cuộc sống gia đình được "tường thuật" lên mạng xã hội
Bố tôi chụp tất cả mọi thứ theo dạng trước và sau. Trước khi mua hoa Tết, bố chụp một tấm ảnh trước sân nhà. Sau khi mua hoa tết và trang trí mọi thứ, bố chụp một tấm.
Bố chụp các em tôi xúng xính áo quần, chụp mẹ đang chuẩn bị những món ăn, chụp tôi dọn dẹp nhà cửa chuẩn bị đón tết. Bố đăng tải những bức ảnh này lên mạng xã hội với những dòng mô tả rất hào hứng. Nhưng tôi cảm thấy bố bắt đầu dành nhiều thời gian hơn cho smartphone.
Buổi sáng, bố dậy sớm, uống cà phê và dùng smartphone. Buổi trưa, sau khi ăn cơm bố dùng smartphone. Buổi tối, sau khi ăn cơm, bố dành toàn bộ thời gian cho smartphone thay vì xem thời sự trên TV.
Tương tự bố, mẹ tôi rất thích selfie và đăng tải chúng lên mạng xã hội. Lướt Facebook của mẹ, tôi thấy gần như 70% là ảnh selfie. Số còn lại là hình ảnh mẹ chụp cùng vườn hoa trước nhà hoặc những địa điểm du lịch mẹ đi trong tết.
Ngoài chụp ảnh, cả bố và mẹ đều thích quay phim bằng smartphone. Facebook bố mẹ tôi thì tràn ngập video, đặc biệt là các video livestream chưa đến 5 người xem. Tôi không hiểu tính năng phát trực tiếp có gì hấp dẫn mà cả bố, mẹ và những người bạn của họ lại thích livestream đến như vậy? Tôi chỉ biết cài đặt mặc định chia sẻ với bạn bè trong danh sách người thân trên Facebook giúp bố.
Mùng 1 về thăm gia đình nội ngoại, tôi có nhiệm vụ chụp ảnh cho cả gia đình. Khác với mọi năm, giờ đây ngoài chụp ảnh bằng máy ảnh, tôi đảm nhiệm thêm nhiệm vụ chụp bằng điện thoại. Cả bố, mẹ và họ hàng đều muốn bức ảnh đó ngay lập tức xuất hiện trong điện thoại của họ. Nếu không vì nhu cầu in ấn, thật sự họ chẳng thiết gì chụp ảnh từ máy ảnh.
Bố mẹ tôi nghĩ mạng xã hội là báo chí
Bố có kết bạn với tôi trên Facebook. Hiểu được sự nhiễu loạn thông tin trên mạng xã hội, tôi chủ động theo dõi giúp bố những trang Facebook có thông tin uy tín, những hội nhóm về cây cảnh, cá cảnh. Không hiểu sao, chỉ sau hơn một tháng, bố tôi đã bắt đầu chia sẻ những trang, liên kết mà nội dung là những tin có tiêu đề sốc, tin giả…
Dù đã được hướng dẫn từ trước, nhưng bố mẹ tôi vẫn khó thoát khỏi biển tin giả có trên mạng xã hội.
Vì tôn trọng bố và phần nhiều tôi nghĩ chúng không ảnh hưởng gì, tôi không góp ý. Nhưng đến hôm tiệc tất niên của gia đình, tôi bắt đầu thấy bố mang những câu chuyện hoang đường, những tin giả, chuyện lạ trên YouTube, Facebook để nói với những người bạn trong bàn nhậu.
Không chỉ bố, những người bạn bố có smartphone cũng đồng tình và cho rằng những thông tin đó được "đăng đầy trên mạng kia kìa".
Tôi cảm nhận được bố, mẹ và những cô chú ấy có niềm tin rất lớn về thông tin được đăng tải trên mạng. Có thể họ cho rằng Facebook, YouTube và Internet là những trang thông tin đáng tin cậy tương đương với báo chí.
Cư xử tử tế và chân thật với những người trong màn hình
Tích cực hơn cách dùng smartphone của bố, mẹ tôi sử dụng smartphone ít hơn và cho những mục đích hay ho hơn. Tôi thấy mẹ thường chia sẻ những video về mẹo vặt cuộc sống và công thức nấu ăn.
Nhờ những nhóm bài hướng dẫn nấu ăn trên Facebook, mẹ tôi đã học được món tôm hoàng kim - tôm rang với lòng đỏ trứng muối. Mẹ rất hài lòng với món ăn đó. Bố tôi lại có nhiều thông tin và kiến thức chăm sóc cây cảnh hơn từ những hội nhóm. Tôi thấy bố chụp ảnh cây phong lan bị nấm rễ và đăng tải trong hội chơi lan. Chỉ vài phút sau, bố đã có lời khuyên để chữa cho cây.
Bố tôi phát trực tiếp tất cả những sự kiện mà bố cần chia sẻ với mọi người.
Bên cạnh đó, tôi thấy bố mẹ cư xử rất tử tế với mạng xã hội. Khi Zalo gửi lời chúc năm mới qua ứng dụng, bố mẹ tôi không ngại ngần gửi lời chúc và cảm ơn ngược lại. "Cảm ơn Zalo đã giúp gia đình tôi kết nối với mọi người", bố tôi nhắn.
Mẹ nói nhờ mạng xã hội mẹ tìm lại được một vài người bạn nhờ các thuật toán tìm kiếm bạn bè liên quan.
Đồng thời tôi thấy, bố mẹ mình cư xử tử tế với những bạn bè trên mạng xã hội. Thời gian đầu sử dụng Facebook, mỗi khi có người thích bài đăng, mẹ tôi sẽ cảm ơn người đó bên dưới phần bình luận. Lúc đầu mẹ gõ tên, sau này mẹ đã biết cách tag bình luận.
Khi bạn bè gửi những lời chúc năm mới, mẹ cảm ơn và hỏi thăm nhiệt thành người bạn đó. Ngay trong phần bình luận, mẹ kể chuyện và hỏi han người bạn ấy. Đây là việc giới trẻ khi dùng Facebook sẽ chỉ nhắn tin qua messenger.
Mặc dù sử dụng mạng xã hội, nhưng tôi thấy họ không hề "sống ảo". Bố mẹ chỉ kết bạn với những người họ quen ngoài đời thật. Bên cạnh đó cả bố và mẹ tôi hầu như không quan tâm đến các thông số như lượt like, chia sẻ, lượt xem trên Facebook. Khác với tôi, bố mẹ chỉ đăng tải hình ảnh mà không quan tâm có ai tương tác hay không.
Ở gần thì xa, ở xa hóa gần
Nếu nói smartphone chiếm bớt khá nhiều thời gian bên gia đình của bố mẹ tôi cũng đúng. Nhưng nói smartphone giúp kết nối mọi người cũng không sai.
Gia đình tôi có nhiều người thân ở quê. Đa phần họ cũng có smartphone. Khi tiếng pháo hoa đêm giao thừa kết thúc, bố tôi hóa vàng rồi vào lấy ngay smartphone để gọi video call cho người thân ở quê.
Không chỉ có bố mẹ, smartphone cũng thay đổi thói quen đón Tết của các em tôi.
Bố cầm smartphone quay xung quanh nhà như một cách tái hiện lại không khí tết miền Nam cho người ở quê, những người rất ít dịp bố có cơ hội nói chuyện. Tôi cảm thấy rất vui khi nhờ có smartphone, bố không chỉ nghe được giọng nói mà còn thấy mặt của những người ở xa.
Trong đêm 28 tết, tôi cảm nhận rõ nhất ảnh hưởng của công nghệ khi mẹ tôi lướt Facebook trên phòng, bố tôi xem YouTube bên bàn trà và hai em tôi chơi game trên mobile. Với gia đình tôi, có lẽ smartphone giúp bố mẹ kết nối những người thân ở xa để biết được họ đang sống thế nào. Tuy vậy, smartphone cũng vô hình làm cách xa những người ở gần.
Trọng Hưng
Nguồn: zing.vn