Ảnh minh họa
“Phải thả con ra ngoài thế giới”
Ngay từ khi con còn nhỏ, vợ chồng chị Mỹ Hạnh (quận 7) đã đặt mục tiêu phải cho con đi du học. Chính vì thế, ngoài việc cho con học trường quốc tế và tăng cường thêm tiếng Anh, mỗi dịp hè chị đều đăng ký cho con các khóa camping ngắn hạn ở Singapore, New Zealand hoặc Mỹ để con dần làm quen với môi trường học ở nước ngoài. Khi con học xong lớp 9, vợ chồng chị cho con du học tại Úc. Thời gian đầu, chị sang cùng con, mặc dù trường phổ thông nơi con chị theo học đã thu xếp cho cháu ở homestay cùng một học sinh khác người Châu Á, chị vẫn xin đến ở cùng trong 1-2 tuần đầu tiên để con đỡ bỡ ngỡ.
Chị tâm sự: “Mặc dù con đã khá quen thuộc với các bạn nước ngoài cũng như môi trường học tập có người nước ngoài, nhưng thời gian đầu sang nơi ở mới, văn hóa, phong tục cũng có nhiều khác biệt nên con cũng mất một thời gian “sốc”. Cho dù gia đình liên tục gọi video call để động viên con, con cũng luôn nói bố mẹ yên tâm, con ổn nhưng mình biết, đêm con vẫn khóc. Rất may, thời gian đó trôi qua nhanh, con hòa nhập tốt và học bắt kịp các bạn. Năm nay con đã lên lớp 12, mới chuyển vào ký túc xá trong trường, học khá ổn để chuẩn bị vào đại học”.
Cũng cho con đi du học Mỹ khi con học hết lớp 9, vợ chồng anh Hoàng Dũng (quận 2) cho biết, trước khi cho con du học, vợ chồng anh đã qua tận trường học bên đó để tìm hiểu về môi trường học tập, điều kiện ăn ở chứ không chỉ tin vào lời của công ty tư vấn. Cùng với đó, anh còn nhờ người quen sinh sống bên đó thỉnh thoảng chạy qua động viên tinh thần con. Vì thế, con trai anh hòa nhập khá nhanh với môi trường mới và chỉ sau 1 năm học, con trưởng thành và chững chạc hơn rất nhiều so với thời gian còn ở nhà.
Chị Hạnh quan niệm: “Cho con đi học sớm như thế cha mẹ nào chả xót xa, nhưng mình nghĩ phải thả con ra ngoài như thế, con mới có cơ hội để sớm trưởng thành. “Thả” con không có nghĩa là mặc kệ con muốn làm gì, muốn học gì thì học. “Thả” để con biết tự lập, tự lo cho cuộc sống cá nhân, bên cạnh đó gia đình luôn sát bên con trong mọi thời điểm, không khi nào để con cảm thấy bơ vơ hay cô độc”.
Du học ở độ tuổi nào là phù hợp?
Nhiều bậc cha mẹ khi được hỏi câu này đều cho rằng, để nói thế nào là phù hợp thì rất khó, vì còn tùy thuộc vào điều kiện của từng gia đình, tính cách, sở thích của từng đứa trẻ. Có những trẻ biết tự lập, suy nghĩ chín chắn từ sớm thì việc du học khi mới học lớp 7 – 8 – 9 không phải là điều quá khó khăn. Nhưng với những trẻ luôn được gia đình bao bọc, lo cho từ A đến Z thì cho dù ra nước ngoài khi đã học hết lớp 12 thì vẫn bị sốc và khó vượt qua được.
Tuy nhiên, hầu hết mọi người đều cho rằng, không nên cho con đi khi mới học hết tiểu học, trừ khi có cha mẹ đi cùng, vì lứa tuổi đó còn quá nhỏ. Còn lại, nếu đã xác định cho con du học khi còn đang ở bậc học phổ thông thì không phải chỉ chuẩn bị tốt về kinh tế, quan trọng hơn là phải dạy con biết cách sống độc lập và bản lĩnh.
Để quá trình du học được suôn sẻ và hiệu quả, các phụ huynh cần chuẩn bị cho con em kiến thức, bao gồm kiến thức học tập ở trường, trong đó ngoại ngữ là yếu tố then chốt. Đồng thời, việc rèn luyện cho con em những kỹ năng cơ bản để có thể tự lập ở môi trường sống mới rất quan trọng. Về tài chính, phụ huynh cần tích lũy một khoản riêng cho việc học hành, ăn ở của con em trong quá trình du học. Những gia đình có thu nhập trung bình vẫn có thể cho con em du học nếu họ có kế hoạch tài chính khoa học (tích lũy tài chính từ sớm, chọn quốc gia, chọn hình thức đào tạo phù hợp).
Bạch Dương
Nguồn: INFONET.VN