Đạo đức là đạo lý, phạm trù, tiêu chuẩn, khái niệm tồn tại trong xã hội loài người từ rất lâu đời không ai là không biết, không ai là không nhắc tới. Trong cuộc sống, chúng ta thường nghe ai đó nói rằng người này có đạo đức cao thượng, người kia có đạo đức thấp kém hoặc người nọ sống vô đạo đức... Vậy đạo đức mọi người hay nói đến có nghĩa là gì?
Đạo đức là gì?
Chữ “Đạo” (道) bắt đầu bằng hai nét phết (丷) tượng trưng cho Âm – Dương, cùng với chữ “Nhất” (一) tạo thành ‘Âm Dương hợp nhất’.
Bên dưới là chữ “Tự” (自), trên dưới kết hợp lại tạo thành chữ “Thủ” (首) là khởi thủy, ban đầu, đứng đầu. Vũ trụ cũng bắt nguồn từ một thứ nguyên thủy nhất rồi mới sinh ra vạn sự vạn vật. Kinh Dịch viết: “Dịch có Thái Cực sinh Lưỡng Nghi, Lưỡng Nghi sinh Tứ Tượng, Tứ Tượng sinh Bát Quái, Bát Quái sinh Ngũ Hành”, từ Ngũ hành ấy mà vạn vật mới xuất sinh.
Bên trái chữ Đạo là bộ “Sước” (辶) nghĩa là chạy, bước đi, biểu thị sự vận chuyển không ngừng. Như vậy, bên trong Đạo đã bao hàm cả Âm và Dương, tĩnh và động, động thì không ngừng sinh hóa, tĩnh thì thanh tịnh vô vi.
Tóm lại ĐẠO (道) là hội tụ nghĩa của câu "Phản bổn quy chân". Đạo chính là đường để trở về. Và người hạnh phúc nhất chính là người đã tìm thấy Đạo.
Chữ Đức (德) gồm bộ Xích (彳) nghĩa là bước nhỏ; chữ Thập (十) nghĩa là mười; chữ Mục (目) nghĩa là mắt; chữ Nhất (一) nghĩa là một, và chữ Tâm (心) nghĩa là tim cấu thành. Chữ “德” ý nghĩa chỉ đạo đức, phẩm hạnh, phẩm chất, tấm lòng.
Chữ “德” (đức) rất có ý tứ, phía trên là “thập mục” (十目), “目” (mục – mắt) có nghĩa là trên trời, khắp nơi, bốn phương tám hướng đều có ánh mắt dõi theo. Dưới chữ Nhất “一” là chữ Tâm “心”, chỗ này chỉ “nhân tâm”, có nghĩa người trên Trời, hay Thần Phật chỉ nhìn nhân tâm con người.
Quá khứ, ông bà, cha mẹ hay nói câu này: “Trên đầu ba thước có thần linh”, “mắt Thần sáng như gươm” cũng chính là nói Thần nhiều vô kể, nếu ta âm thầm làm việc xấu tưởng không ai biết, kỳ thực chính là cả thiên không đang dõi theo từng hành vi, suy nghĩ, lời nói con người.
Giá trị của đạo đức trong cuộc sống
Cổ nhân nhìn nhận dù làm việc gì có ai nhìn thấy hay không, pháp luật đánh giá ra sao thì nếu nó phù hợp với đạo trời mới là “đức” thật sự. Có câu: “Hành thiện tích đức” nhưng lại là “mang tâm cơ làm chuyện tốt, dù tốt cũng không được thưởng, vô tâm làm chuyện xấu, dù xấu cũng không bị phạt”, là bởi Trời chỉ nhìn nhân tâm.
Lão Tử giảng: “Vạn vạn vật tuân theo Thiên Đạo, coi trọng đức”, có nghĩa vạn vật mà ly khai đạo thì không thể sinh, không phải đức thì không thể thành. Thiên địa, người, vạn sự vạn vật trong vũ trụ này có thể sinh trưởng chính là vì luôn tu dưỡng đạo đức. Cho nên nói “Đạo” là bản thể, là bản chất, còn “Đức” là hiện tượng, là kết quả. “Đạo” là thứ nhìn không thấy, sờ không được nhưng “Đức” là thứ có thể nhìn thấy được, cảm giác thấy được.
Cát hung họa phúc của con người có liên quan chặt chẽ với “đức”, có đức thì có phúc, vô đức chính là họa, cũng chính là ý nghĩa chân chính của câu “Thiên đạo vô thân, thường dữ thiện nhân”, ý rằng Trời không thiên vị, thường giúp người lành.
Tiêu chuẩn đạo đức của một người cao hay thấp thường được thể hiện rõ nhất ở vấn đề lợi ích. Trước một sự việc liên quan đến lợi ích, một người luôn nghĩ cách để chiếm được lợi ích nhiều nhất, có lợi cho mình hay suy nghĩ đến lợi ích của người khác, lợi ích của chỉnh thể, lợi ích của xã hội sẽ thể hiện rõ phẩm chất đạo đức của người đó. Luôn cân nhắc đến lợi ích của người khác là hành vi đạo đức cao thượng. Chỉ nghĩ đến cái lợi của mình, còn vì lợi ích mà tổn hại người khác, đó là hành vi vô đạo đức.
Tiêu chuẩn đạo đức của một người liên quan đến nhân phẩm của người ấy, đồng thời cũng là “thương hiệu cá nhân” của người đó. Người chú ý tu dưỡng đạo đức sẽ đạt được tiêu chuẩn đạo đức cao thượng, đạt đến được đức cao vọng trọng, có uy tín, sức ảnh hưởng lớn đối với người khác, tự nhiên cũng được người khác tôn trọng và kính nể.
Trái lại, người không chú trọng đạo đức, chỉ vì lợi ích cá nhân, đều nghĩ đến bản thân mình trước, dựa vào tổn hại người khác để thỏa mãn dục vọng của bản thân, sẽ gặp những chuyện không như ý, mọi người tránh xa. Bậc quân vương không coi trọng đạo đức, cuối cùng cũng bị mất thiên hạ, lưu tiếng xấu muôn đời. Trong xã hội, những người không trọng đức thật khó có thể được nhiều người tán thành, ủng hộ và giúp đỡ.
Đạo đức của một người không phụ thuộc vào trình độ học vấn cao thấp của người đó. Không phải người có học thức bằng cấp cao thì tiêu chuẩn đạo đức cao, cũng không phải người không có học vấn hay học thức thấp thì đạo đức thấp. Đương nhiên, những người có trình độ khả năng nhận thức, tầm hiểu biết rộng sẽ hiểu lễ nghi phép tắc hơn. Trong thực tế cuộc sống, chúng ta cũng có thể thấy những người xung quanh mình như thế hệ cụ, ông cha thời khó khăn, không được đi học họ vẫn sống rất tốt, hành xử có chuẩn mực.
Mỗi lời nói, hành vi, cử chỉ của một người trong cuộc sống hàng ngày cũng thể hiện ra sự tu dưỡng, tiêu chuẩn đạo đức của người đó. Dù ai, ở giai cấp, tầng lớp nào cũng đều có tiêu chuẩn đạo đức ước thúc và lĩnh vực nghề nghiệp nào cũng vậy. Quan có đức của quan, dân có đức của dân. Bất luận là làm quan, là người có địa vị cao hay chỉ là dân thường, có địa vị không cao trong xã hội, thì làm việc gì cũng phải tuân thủ đạo đức.
Đạo đức của một người không phụ thuộc vào trình độ học vấn cao thấp. (Ảnh minh họa: pixabay)
Người làm quan cần phải thanh chính liêm khiết, bảo vệ công đạo, vì dân, đặt lợi ích của trăm dân lên trên hết. Người làm dân cần phải nhiệt tâm làm nhiều việc tốt, việc nghĩa, hành thiện tích đức. Người nào có thể kiên trì làm việc tốt, tích đức trong thời gian lâu, dần dần tự nhiên sẽ có được thanh danh và tôn quý. Cũng vậy, một người không vệ sinh tắm giặt hàng ngày, miễn cưỡng sức nước hoa lên người cũng khó có mùi thơm thanh khiết. Một người không dựa vào chân tài, thực học, không có đạo đức cao đẹp thực sự mà dựa vào lừa dối gạt người, muốn mua danh chuộc tiếng thì cũng khó mà có được thanh danh, càng khó để trở thành người tôn quý.
Xưa nay, một người có đạo đức cao thượng, có tài năng thực sự thường không tự nói ra, càng không khoa trương về tài hoa và năng lực của bản thân mình mà tự nhiên được mọi người tôn kính và ca ngợi. Người có phẩm đức cao quý giống như hoa lan mọc ở trong núi sâu, vì dung mạo xinh đẹp cao quý, tỏa hương thơm ngát, nên ai nấy đều biết đến, ai nấy đều quý trọng. Thời cổ đại, những người đại đức có tài năng xuất chúng thường ít giao du bên ngoài, nhưng người tìm đến nhà kết giao không thiếu.
Xã hội hiện đại, con người ngày nay thường coi nhẹ đạo đức, nhìn nhận đạo đức một cách nông cạn. Hơn nữa còn cho rằng hai chữ “đạo đức” chỉ là một loại thuyết giáo, vốn không có nội hàm chân thật, chỉ nói ngoài cửa miệng mà thôi. Vậy nên con người ngày nay ngày càng cách xa đạo, thiếu hụt đức, phúc phận mỏng, gặp nhiều chuyện không được như ý.
Muốn đạo đức quay trở lại cần cả cộng đồng, toàn nhân loại cùng cố gắng. Nền móng để đạo đức quay trở lại bắt đầu từ sự tu dưỡng đức hạnh của cá nhân Muốn làm một người có đạo đức thì cần phải thay đổi bản thân, muốn thay đổi bản thân thì phải biết Đạo như thế nào để làm. Khi phẩm hạnh của mọi người đã thăng hoa lên, nâng cao lên rồi thì hoàn cảnh xã hội sẽ có chuyển biến, đạo đức sẽ quay trở lại.
Cách duy nhất để toàn nhân loại trở lên tốt đẹp, đạo đức thăng hoa trở lại là chiểu theo các giá trị phổ quát trong văn hóa truyền thống. Những giá trị này được chính Thần, Phật, Chúa truyền cấp cho con người. Hệ thống giá trị phổ quát này có thể thấy rõ trong các tôn giáo, tín ngưỡng, ví như: 10 điều răn của Chúa, giới luật của Phật giáo, thế giới quan của Nho giáo, v.v..
Ngoài ra, người không có tín ngưỡng có thể biết Đạo, chiểu theo Đạo mà hành. Trong văn hóa truyền thống luôn có những câu chuyện, người thật việc thật để con người hiểu thế nào là thiện lương, thế nào là tu dưỡng, thế nào là nhân nghĩa như: Tam Quốc Diễn Nghĩa, Thủy Hử, Tây Du Ký,...
Vậy mới nói, việc tu dưỡng đạo đức đối với một cá nhân là điều vô cùng quan trọng, “hữu đức tự nhiên hương”, đây vừa là lời răn, vừa là đạo lý nhân sinh sâu sắc.
Nguyên Anh
(Tham Khảo Trithuc.vn & DKN)