Giảm giá từ 70 - 90%, thanh lý cửa hàng, Black Friday giảm giá sốc... là những biển quảng cáo treo tại các cửa hàng thời trang thời điểm này. Tuy nhiên, người tiêu dùng cũng nên tỉnh táo trước những lời khuyến mại này, tránh mắc “bẫy sale”.

42 1 Di San Sale Cung Phai Tinh Tao

Các gian hàng trong các trung tâm thương mại cũng treo biển giảm giá.

“Ma trận” giảm giá

Tại nhiều nước trên thế giới, Black Friday là dịp người tiêu dùng có thể "săn sale" được những món đồ với mức giá được cho là "siêu hời". Tại Việt Nam hiện nay, nhiều nhãn hiệu, cửa hàng cũng tung ra các chương trình giảm giá ngày Black Friday và Online Friday.

Trên các tuyến đường lớn tại Hà Nội những ngày này, người đi đường sẽ thấy “hoa mắt” với những tấm băng rôn như "bão sale", "giảm giá sốc", "siêu giảm giá"... được treo ngay trước cửa vô cùng bắt mắt. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt hàng được giảm giá thực, nhiều sản phẩm được cho là "giảm giá" như một chiêu trò để dụ dỗ khách hàng.

 

42 2 Di San Sale Cung Phai Tinh Tao

Phố Chùa Bộc (Hà Nội) được mệnh danh là "thiên đường thời trang", có nhiều cửa hàng treo biển giảm giá. 

Chị Nguyễn Huệ (Yên Sở, Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, khi thấy các cửa hàng treo biển giảm giá, chị cùng đồng nghiệp ở cơ quan đi săn sale.

“Đến chỗ nào cũng thấy treo biển giảm giá sốc lên tới 50-70% nhưng thực chất người mua rất ít khi mua được đồ sale đến 70% bởi những đồ này đa phần là hàng ế từ lâu hoặc rất kén người dùng.

Tôi định tranh thủ thời điểm giảm giá để mua chiếc áo mình thích, nhưng đến xem mới thấy “lạ”. Chiếc áo trước đó có giá bán 900.000 đồng thì nay đã được tăng lên 1,2 triệu đồng và treo biển giảm giá 20%, như thế giá bán sau khi giảm giá còn cao hơn ngày thường 60.000 đồng”, chị Huệ cho biết.

 

42 3 Di San Sale Cung Phai Tinh Tao

Nhiều cửa hàng thời trang treo biển giảm giá sâu.

Nhiều chị em không có thời gian đến tận cửa hàng xem cũng tranh thủ mua hàng online qua các trang web, sàn thương mại điện tử. Hầu hết tất cả các sản phẩm quảng cáo trên mạng đều được bán với mức giảm giá hấp dẫn. Tuy nhiên, không phải lúc nào người tiêu dùng cũng hài lòng bởi rất nhiều trường hợp hàng nhận về và ảnh trên mạng khác xa "một trời một vực". 

Chị Nguyễn Thị Hiền (Hai Bà Trưng, Hà Nội) kể lại, chị đã phải “ngậm trái đắng” khi mua hàng online.

Chị Hiền tham gia 1 group bán hàng của một cửa hàng thời trang, thấy shop đăng lên bán chiếc áo với giá hời, chị đặt liền 2 chiếc 2 màu khác nhau, nhưng khi nhận hàng thì áo mặc rộng, dù chị đã nhờ nhân viên tư vấn size phù hợp cho mình, cùng với đó màu sắc áo khi nhận cũng khác hẳn trong ảnh. Tuy nhiên, khi chị Hiền liên hệ lại thì chủ shop không những không đồng ý nhận lại hàng, mà chị còn bị chặn trên Facebook và đoạn chat giữa chị và chủ shop được chụp lại và đưa lên group để “bóc phốt”. 

Bên cạnh những cửa hàng thực hiện nghiêm việc giảm giá thì có không ít nơi đã lợi dụng chương trình giảm giá như Black Friday, Online Friday để tung chiêu giảm giá ảo, bán hàng không đảm bảo chất lượng cũng như giá trị sản phẩm. Do đó, khách hàng nên là những người mua hàng thông thái, tỉnh táo trước cơn bão sale.

Kiểm soát chặt chất lượng hàng hóa online

Bà Nguyễn Minh Phương, Chánh Văn phòng Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), Bộ Công Thương cho biết, hiện nay có rất nhiều chương trình giảm giá cuối năm, trong đó có sự kiện “Ngày mua sắm trực tuyến” - Online Friday do Bộ Công Thương chủ trì.

Để đảm bảo chất lượng hàng hóa trong ngày mua sắm trực tuyến, bà Phương cho biết, Tổng cục QLTT cũng đã phối hợp chặt chẽ với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số yêu cầu các doanh nghiệp đăng ký tham gia, đều phải là các doanh nghiệp đã thực hiện thủ tục thông báo, đăng ký với Bộ Công Thương (qua Hệ thống Quản lý hoạt động TMĐT - Online.gov.vn). Đây là bộ lọc quan trọng đối với các doanh nghiệp tham gia chương trình, vì để được phê duyệt hồ sơ thông báo hoặc đăng ký website thương mại điện tử, các doanh nghiệp đã phải trải qua quy trình đánh giá, kiểm tra chặt chẽ đối với hàng hóa kinh doanh.

 

Cùng với đó, trong chương trình Online Friday 2020 năm nay sẽ triển khai quy trình kiểm soát chặt chẽ các sản phẩm xuất hiện trong chương trình. Theo đó, 100% các sản phẩm được đưa lên hệ thống Online Friday 2020 đều thuộc nhóm sản phẩm cam kết chính hãng của các doanh nghiệp và được kiểm duyệt trước khi đưa lên hệ thống.

 

42 4 Di San Sale Cung Phai Tinh Tao

Các sàn thương mại điện tử cũng đồng loạt giảm giá.

Đặc biệt, trong ngày mua sắm trực tuyến 2020 sẽ tiếp tục duy trì cơ chế kiểm soát thông qua hệ thống khiếu nại của người tiêu dùng. Trong suốt chương trình, Tổng cục QLTT sẽ phối hợp chặt chẽ với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số để theo dõi và tiếp nhận khiếu nại của người tiêu dùng thông qua tính năng khiếu nại trực tuyến trên hệ thống. Nếu phát hiện sản phẩm hàng giả, hàng nhái, nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng, thông tin của doanh nghiệp sẽ bị hạ ngay lập tức đồng thời Tổng cục QLTT sẽ tiến hành thanh tra, kiểm tra về hàng hóa để xử lý vi phạm.

Tổng cục QLTT cũng đã có văn bản yêu cầu Cục QLTT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường biện pháp nghiệp vụ quản lý thông tin địa bàn, lĩnh vực, hướng dẫn tạo điều kiện để các thương nhân, điểm bán hàng trực tuyến có khuyến mại tại sự kiện “Ngày mua sắm trực tuyến” thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về khuyến mại.

“Người tiêu dùng nên tìm hiểu các thông tin chính thức trên website của Chương trình www.onlinefriday.vn. Không mua sắm, nhập thông tin cá nhân trên các website không có logo thông báo, đăng ký với Bộ Công Thương. Bên cạnh đó, cần tìm hiểu thông tin về giá thông qua các hệ thống so sánh giá. Kiểm tra kỹ hàng hóa khi nhận hàng.

Tham gia các chương trình chính hãng, được bảo đảm. Nếu người tiêu dùng phát hiện những vi phạm về hàng hóa trong Ngày mua sắm trực tuyến (Online Friday 2020) hãy gọi ngay đến đường dây nóng của Tổng cục Quản lý thị trường 1900.888.655 để nắm bắt thông tin, điều tra và xử lý”, bà Nguyễn Minh Phương nhấn mạnh.

Bài và ảnh: Thu Trang

Nguồn: baotintuc.vn




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC