Tin rằng ở tầng 1 nên không phải nộp phí dịch vụ sử dụng thang máy chung, người phụ nữ Trung Quốc kiện ban quản lý chung cư ra tòa rồi xấu hổ khi hiểu ra lỗi sai.

Theo 163.com, một người phụ nữ tên Trương Mỗ Hương ở thành phố Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, đã từ chối trả phí dịch vụ sử dụng thang máy và kiện ban quản lý chung cư đang ở ra tòa vì cho rằng gia đình cô ở tầng 1, không sử dụng tới thang máy.

Không dùng thang máy vẫn phải trả phí ?

Gia đình Trương Mỗ Hương đã sống tại căn chung cư này được hơn 6 tháng. Khi được bạn bè giới thiệu, cô cùng chồng là Lý Mậu Thành đã đến đây để xem nhà. Nhận thấy môi trường trong khu dân cư thực sự tốt, dù hơi xa trạm tàu điện ngầm nhưng có một trạm xe buýt gần đó và giá nhà cũng vừa vặn với mong đợi nên vợ chồng trẻ đã đồng ý mua một căn hộ ở tầng 1.

Sau khi hoàn thành các thủ tục mua và bàn giao nhà, họ nhanh chóng chuyển vào sống. Mấy lần đầu khi thanh toán tiền dịch vụ, cô Trương không xem kỹ bảng giá. Cho đến một hôm có người bạn cùng chung cư ghé thăm, cô mới phát hiện ra một khoản phí không hợp lý mà bấy lâu nay vẫn phải trả.

1 Song O Tang 1 Nhung Phai Tra Phi Thang May Nguoi Phu Nu Kien Chung Cu Ra Toa Roi Nhan Ve Bai Hoc Nho Doi

Ảnh minh họa: 163.com

Hôm đó, khi người bạn khen gia đình cô Trương ở tầng trệt giá vừa rẻ, đi lại dễ dàng, thuận tiện, thậm chí không cần đến sử dụng thang máy. Trương Mỗ Hương mới nhận ra trong khoảng thời gian cô chuyển đến chung cư, gia đình cô quả thật chưa bao giờ sử dụng thang máy. Tình cờ, hôm ấy cũng là ngày đóng phí dịch vụ định kỳ, theo thông lệ, quản lý khu nhà sẽ gửi bảng giá cho chủ nhà. 

Lúc này, Trương Mỗ Hương đã hỏi người bạn thân của mình và biết được mức phí mà hai người phải trả gần như giống nhau, điều này khiến cô có chút băn khoăn bởi nhà bạn cô ở tầng 15 của tòa nhà. Kiểm tra kỹ lại trong bảng giá, cô mới biết mình cũng phải trả phí thang máy dù thấp hơn so với các hộ ở tầng trên nhưng vẫn khiến cô cảm thấy không hài lòng. 

Cô cho rằng gia đình cô chỉ sống ở tầng một khu chung cư và chưa từng sử dụng thang máy nhưng vẫn phải chi trả loại phí này là không hợp lý. Cảm thấy mình bị thiệt,  Trương Mỗ Hương đã đến gặp ban quản lý chung cư để yêu cầu giải thích và đòi trả lại tiền. Tuy nhiên, ban quản lý khu nhà cho biết tất cả các chủ sở hữu đều phải trả phí dùng thang máy. 

Theo đó ban quản lý tòa nhà, gia đình cô Trương Mỗ Hương dù chỉ sống ở tầng 1 nhưng không loại trừ khả năng sẽ sử dụng tiện ích này nên vẫn phải đóng phí. Theo đó, không chỉ riêng gia đình cô Trương mà tất cả các hộ dân cư khác trong tòa nhà đều phải trả loại phí này. 

Thêm vào đó, cư dân ở tầng cao và ở tầng thấp sử dụng thang máy khác nhau nên mức phí thang máy phải trả cũng khác nhau. Các hộ ở tầng thấp sẽ trả phí thang máy ít hơn so với các hộ ở tầng cao. Quản lý tòa nhà cho rằng họ công bằng trong việc phân chia phí thang máy. Hơn nữa, vấn đề này cũng được đề cập rõ ràng trong hợp đồng dịch vụ tài sản và cả hai bên cũng đã ký hợp đồng dịch vụ rõ ràng nên việc cô Trương yêu cầu trả lại phí thang máy đã bị từ chối.

Đưa nhau ra tòa

Không hài lòng về lời giải thích của ban quản lý chung cư, những tháng sau đó, Trương đã không trả phí dịch vụ sử dụng thang máy. Sau nhiều lần bị nhắc nhở, cô Trương cảm thấy phiền nên đã quyết định kiện ban quản lý chung cư ra tòa. Tuy nhiên, kết quả xét xử của tòa sau đó đã khiến người phụ nữ này cảm thấy hối hận về hành động nông nổi của bản thân.

Theo quy định của Bộ luật Dân sự Trung Quốc, ngoài phần sở hữu riêng, chủ sở hữu các căn hộ ở khu chung cư được hưởng các quyền và có nghĩa vụ đối với các phần sở hữu chung của tòa nhà như thang máy, tường ngoài, hành lang, sân thượng, bãi cỏ và đèn đường trong khu vực sinh hoạt chung… Tuy nhiên, trong quá trình sinh sống, một số chủ sở hữu có tần suất sử dụng một số  tiện ích chung  khác nhau và công ty quản lý tài sản khó có thể định lượng chính xác việc sử dụng của tất cả các chủ sở hữu.

2 Song O Tang 1 Nhung Phai Tra Phi Thang May Nguoi Phu Nu Kien Chung Cu Ra Toa Roi Nhan Ve Bai Hoc Nho Doi

Ảnh minh họa: 163.com

Do đó, khi tính toán phí tài sản, quản lý chung cư sẽ phân bổ đều lợi ích và chi phí phát sinh từ việc duy trì, quản lý và bảo trì các phần chung, để đạt được sự công bằng cho cư dân tòa nhà. Hơn nữa, phí thang máy và các tiện ích tính phí khác cũng được quy định trong hợp đồng dịch vụ và được thông báo đến cả 2 bên.

Trong trường hợp của cô Trương Mỗ Hương, tòa án đã chỉ ra sai phạm và yêu cầu gia đình cô thanh toán số tiền còn nợ chung cư. Đồng thời bồi thường thiệt hại cùng các khoản phí pháp lý phát sinh với tổng trị giá 3.000 NDT.

Câu chuyện này cũng giúp chúng ta hiểu rõ một điều rằng khi mua nhà, cần tìm hiểu và nắm bắt thông tin đầy đủ về dự án một cách kỹ càng để tránh những sai sót không đáng có. Nhiều khách hàng mua nhà chỉ quan tâm giá bán,quyền sử dụng đất, vị trí và tiện ích của dự án mà không xem xét kỹ quyền lợi của bản thân và nội dung hợp đồng sẽ ký kết. Từ đó dẫn đến nhiều mâu thuẫn không đáng có, gây mất thời gian và tiền bạc của các bên như trường hợp trên. Tìm hiểu kỹ thông tin và có sự hiểu biết về pháp luật cũng chính là cách để chúng ta tự vệ quyền lợi cho mình.

Phụ nữ số




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC