Mẹ của Minnie vừa chuyển đến thành phố Thâm Quyến, Trung Quốc vào năm ngoái. Bà lão 65 tuổi đã phải dành 2 ngày để học cách đi tàu điện ngầm, tải xuống hàng loạt các ứng dụng đặt hàng thiết yếu, học đường đến bệnh viện… Trước đó, bà đã có 10 năm "kinh nghiệm trông cháu" cho cô con gái lớn ở quê nhà. Suốt bao năm qua bà đều đi xe buýt, còn bây giờ khi đến thành phố mới, bà phải học lại từ đầu rất nhiều thứ.
Được cháu trai mất tự do
"Được ở cùng cháu tôi mừng lắm, nhưng thi thoảng lại tủi thân vì không có thời gian nghỉ." - Mẹ của Minnie nói.
Ngày nào bà cũng dậy sớm giặt giũ, nấu nướng, rửa bát rồi dắt cháu ra ngoài chơi. Lịch hàng ngày của mẹ Minnie rất cố định và hầu như không có thời gian dành cho bản thân. Trên thực tế, ở Trung Quốc có tới hơn 18 triệu người già "trôi dạt" lên phố ở cùng con như mẹ của Minnie. Theo số liệu trong Báo cáo phát triển dân số di cư Trung Quốc công bố năm 2018, quy mô dân số di cư đã giảm dần qua từng năm, trong khi số lượng người cao tuổi di cư lại tăng lên. Trong đó, lượng người cao tuổi ở các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, Thâm Quyến, Vũ Hán và Tây An chiếm trung bình 12,8% tổng dân số di cư.
So với những người trẻ chủ động "trôi dạt" lên phố để phát triển sự nghiệp, thì người già hoàn toàn là bị động. Ông Quách Thiêm Dư, Giáo sư tâm lý học ứng dụng tại trường Đại học Sư phạm Thẩm Dương tin rằng, những người già trông cháu ngày càng đông không chỉ là vấn đề gia đình, mà còn là vấn đề xã hội. Nó có mối quan hệ mật thiết với cấu trúc gia đình và các chức năng dịch vụ xã hội ở Trung Quốc. Người già chăm sóc cháu của họ, một là vì sự quan tâm và tình yêu thương dành cho đời sau; hai là các cơ sở mẫu giáo của Trung Quốc không thể giải quyết triệt để vấn đề trẻ em nhập học trước 3 tuổi.
Xung đột giữa các thế hệ
Ảnh minh họa
Bố mẹ chồng của Bonnie đã bay từ Tân Cương đến Bắc Kinh sau khi cô sinh con. Ban đầu cô không có ý định làm phiền ông bà, nhưng công việc bận rộn khiến cô không tự xoay xở được. Với sự giúp đỡ của mẹ chồng, Bonnie cũng bớt được phần nào gánh nặng.
Nhưng khi 2 thế hệ chung sống với nhau, mâu thuẫn là điều không thể tránh khỏi. Căn hộ 2 phòng ngủ của 1 gia đình ở quận Triều Dương, Bắc Kinh, Trung Quốc chỉ vỏn vẹn 70m2 nhưng lại chứa tới 1 cặp vợ chồng, 2 cụ già và 1 đứa con nhỏ. Ban ngày có 1 giúp việc đến lo việc bếp núc, và chính không gian chật hẹp ấy đã khiến cho mối quan hệ của gia đình họ dần rạn nứt.
Bonnie cùng con gái
Bonnie cho biết, cô thuê nhà đó vì nó gần nơi cô làm việc, nghỉ trưa có thể tranh thủ về nhà thăm con vài phút. Từ ngày đón ông bà lên, trong căn nhà thường xuyên vì những bất đồng quan điểm nhỏ nhặt về nuôi dạy con mà căng thẳng. Chẳng hạn như vợ chồng cô chưa muốn mua nhà, muốn dành tiền để lo cho con trước, nhưng ông bà lại có suy nghĩ an cư thì mới lạc nghiệp. Bà nội luôn dặn quần áo đủ mặc là được, nhưng Bonnie lại muốn con mặc những bộ đẹp và hợp thời trang nhất.
Bonnie nhận thấy cô và mẹ chồng có nhiều quan điểm khác biệt rõ ràng, nhưng chưa bao giờ dám thẳng thắn trao đổi với bà, vì cô sợ nói ra sẽ khiến bà hiểu lầm. Thế là ban ngày cháu do bà trông, đến tối đứa bé ngủ cùng bố mẹ.
Ở một vùng đất xa lạ
Ảnh minh họa
"Lúc mới đến Bắc Kinh, tôi phải thích nghi với suy nghĩ của giới trẻ. Nhưng thật sự là khó khăn, đôi khi tôi cảm thấy rất cô đơn." - Bà của bé Tiểu Vu nói.
Khi cậu bé vừa tròn 3 tuổi, gia đình họ mua được 1 căn hộ chung cư, khu này hoàn toàn biệt lập nên muốn gặp hàng xóm rất khó. Bất đồng quan điểm đã đành, nay lại chịu cảnh cô đơn không người chuyện trò cùng khiến bà của Tiểu Vu chỉ muốn về quê.
"Đôi khi tôi muốn làm quen với các hộ gia đình cạnh nhà, nhưng vì không biết có phải là dân ở khu này không nên cũng chẳng dám mở lời." - Bà kể.
Nghiên cứu về các dịch vụ hội nhập xã hội cho người cao tuổi di cư ở Bắc Kinh được công bố vào năm 2017, do bà Tào Diễm Mai - Phó Giáo sư Khoa quản lý Hành chính của Học viện thành phố Bắc Kinh - chỉ ra, về cơ bản người cao tuổi không có nhu cầu hội nhập kinh tế, mà cần nâng cao khả năng hòa nhập tâm lý. Do khác biệt về thói quen sinh hoạt, những người cao tuổi khi chuyển đến nơi ở mới đều gặp phải rào cản nhất định về cuộc sống, thậm chí hiếm khi ra khỏi nhà, trở thành "người vô hình" trong cộng đồng.
Ảnh minh họa
Một số nghiên cứu còn chỉ ra rằng, ở thành phố Thâm Quyến, Trung Quốc tỷ lệ người di cư có cảm giác "cô đơn", "mất ngủ", "kiệt sức" là hơn 1/4. Hầu hết trong số đó đều bị trầm cảm, có một tuổi già không yên vui vì họ không thể thích nghi với cuộc sống thành phố, xung đột gia đình và gánh nặng của việc nuôi dạy cháu.
Chủ đề các cụ về già còn phải chăm cháu dẫn đến trầm cảm cũng nhận được rất nhiều phản ứng trái chiều từ cộng đồng mạng xứ Trung: "Mỗi khi đọc được những tin tức như vậy tôi lại tự hỏi, đây có phải là hành vi ăn bám hay không? Đã sinh được thì phải tự chăm được chứ."; "Tôi cũng đồng ý, nhưng để đạt được tự do tài chính và dư dả thời gian quả thực rất hiếm."; "Thực ra không ai muốn bố mẹ cuối đời còn phải chịu khổ, nhưng không phải ai cũng là ông chủ, không có kinh tế nên đành vậy thôi."; "Tôi nghĩ tốt nhất là đừng sinh nữa, cứ độc thân lại tốt."; "Các cụ già rồi chắc phải cô đơn lắm, lên chăm con tiện chơi với cháu cũng đâu có gì sai trái đâu mà phải làm quá lên?"…
Với những thay đổi chung về tâm lý và ít được giới trẻ cảm thông, người cao tuổi rất dễ thay đổi tính tình theo chiều hướng xấu. Các thế hệ con cháu cần chuẩn bị sẵn tâm lý để đón nhận điều ấy, đặc biệt là đối với những người hy sinh tuổi già chăm cháu giúp con, thì đời sống tinh thần của các cụ chính là điều nên được quan tâm hàng đầu.